Việc sửa chữa cầu Sông Bờ ở Km122+342 trên quốc lộ 25 qua tỉnh Gia Lai được bắt đầu từ ngày 11-2-2025 và dự kiến hoàn thành vào ngày 10-8-2025.

Ảnh: Văn Ngọc
Chủ đầu tư công trình là Sở Giao thông-Vận tải cũ, nay là Sở Xây dựng. Đơn vị thi công là Công ty cổ phần Xây dựng và Quản lý công trình giao thông Kon Tum. Công trình do Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 3 tư vấn thiết kế và đơn vị này cũng đảm nhiệm việc tư vấn giám sát.
Trong quá trình thi công, các phương tiện không thể qua lại trên khu vực cầu Sông Bờ. Do đó, đơn vị thi phải mở một đường tránh bên cạnh cầu. Cùng với đó, đơn vị xây dựng một cầu tạm bằng sắt có chiều dài 20 m với bề rộng hơn 7 m.
Trên mặt của cầu tạm, đơn vị thi công đã lắp đặt dải phân cách cứng bằng sắt, có bề ngang khoảng 30 cm và chiều cao khoảng 20 cm. Dải phân cách nhằm phân làn chiều đi của các phương tiện để đảm bảo an toàn.
Ở phần trước đoạn đường tránh cách cây cầu khoảng 50 m, đơn vị thi công lắp đặt biển báo phía trước có công trình thi công phải đi chậm và đi đúng làn đường. Tuy nhiên, từ khi lắp đặt cầu tạm, nhiều phương tiện đã gặp tai nạn bởi dải phân cách kỳ lạ này. Đặc biệt, thời điểm hiện tại, phần phân cách này chỉ còn khoảng 15 m, bị hụt 5 m ở hướng từ xã Ia Sao về phường Ayun Pa.
Khoảng 22 giờ 40 phút ngày 22-7, anh Lê Hồng Phong (trú tại xã Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) điều khiển ô tô loại xe SUV gầm cao đi từ hướng xã Ia Sao về phường Ayun Pa trên quốc lộ 25. Khi tới đoạn cầu tạm, chiếc xe đi dọc theo dải phân cách và xảy ra va chạm.

Ảnh: NVCC
Dải phân đã kéo rơi phần ống pô của xe ô tô, làm hư hỏng phần đuôi xe và khiến chiếc xe bị mắc kẹt trên đường. Giữa đêm, anh Phong phải gọi xe cứu hộ để đưa phương tiện đến nơi an toàn, tránh ảnh hưởng đến lưu thông.
Anh Phong bức xúc: “Tôi cũng đã để ý biển báo ở đầu đoạn đường tránh, song vào ban đêm, dải phân cách này rất khó quan sát vì bề ngang khá hẹp, lại chỉ cao khoảng 20 cm và không có cảnh báo, không dán phản quang, cùng màu với mặt cầu giống như một chiếc bẫy. Khi điều khiển xe vào cầu không hề có phân cách nhưng bỗng nhiên dải phân cách bất ngờ xuất hiện cách đầu cầu khoảng 5 m, khiến tôi trở tay không kịp”.
Trên quốc lộ 25 có nhiều phương tiện hỗn hợp qua lại. Nhiều người dân địa phương cũng bày tỏ nỗi lo khi thường xuyên đi lại qua cầu tạm này.
Anh Nguyễn Văn Kim (phường Ayun Pa) bày tỏ: “Tôi chưa từng thấy cây cầu tạm nào lại lắp đặt dải phân cách kiểu này. Cầu đã hẹp thì không nên đặt dải phân cách, thay vào đó nên bố trí người điều tiết phương tiện lưu thông từng chiều để tránh ùn tắc. Nếu có thì nên làm cao hẳn hoặc giăng dây để phân làn sao cho dễ quan sát. Dải phân cách vừa hẹp, thấp, lại cùng màu với mặt cầu thì tai nạn rất dễ xảy ra. Ô tô thì có thể hư hỏng, chứ nếu xe máy va chạm vào dễ gây tai nạn”.

Để tìm hiểu về vấn đề này, P.V Báo và Phát thanh, truyền hình Gia Lai đã liên hệ với ông Phan Văn Chung-Quản lý công trình sửa chữa đột xuất đảm bảo an toàn giao thông cầu Sông Bờ. Ông Chung cho biết: Từ khi lắp đặt cầu tạm có dải phân cách đã có nhiều phương tiện gặp nạn, chủ yếu là ô tô bị nổ lốp, mắc kẹt...
Cũng theo ông Chung, phần dải phân cách ban đầu dài 20 m theo thân cầu. Tuy nhiên, một số xe tải kích cỡ lớn đã tông vào làm móp méo, hư hỏng 2 đoạn sắt tương ứng khoảng 5 m nên buộc phải tháo dỡ, dẫn đến tình trạng bị hụt một phần phía hướng xã Ia Sao. Đơn vị thi công đã phản ánh bất cập về việc lắp đặt dải phân cách này gây mất an toàn giao thông. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn thiết kế yêu cầu giữ nguyên như trong thiết kế.
“Chúng tôi đã nhiều lần lắp đặt trụ tôn phản quang ở đầu cầu tạm nhưng chỉ được một vài giờ lại bị các xe tải tông đổ và cuốn đi mất. Ở thân của dải phân cách trước đó cũng được sơn đỏ để cảnh báo, song qua thời gian và do va chạm với lốp xe nên bị bong tróc. Thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường cảnh báo người dân tuân thủ biển báo giao thông, cẩn trọng khi đi qua cầu tạm”.