Gia tăng tử vong do bệnh dại
Từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 3 trường hợp tử vong do bệnh dại, nâng tổng số ca tử vong lên 59 ca (tính từ năm 2015). Năm 2023, tỉnh cũng ghi nhận 14 ca tử vong do bệnh dại, cao nhất cả nước. Năm 2024, Gia Lai xếp thứ 2 toàn quốc với 9 ca tử vong. Các trường hợp tử vong gần như 100% không được tiêm phòng vắc xin sau khi bị chó, mèo cào, cắn.
Theo các chuyên gia, bệnh dại không phân biệt mùa mà xảy ra quanh năm. Tuy nhiên, trong mùa nắng nóng, tần suất và mức độ lây lan của bệnh dại có xu hướng tăng cao. Nhiệt độ cao khiến vật nuôi như chó, mèo dễ trở nên kích động, hung dữ và thường rời khỏi khu vực cư trú để tìm nước, thức ăn. Trong khi đó, người dân, nhất là trẻ em lại thích chơi đùa ngoài trời, tiếp xúc gần làm tăng nguy cơ bị chó, mèo cắn.

Tháng 3 vừa qua, đoàn giám sát của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã tiến hành điều tra, đánh giá xử lý ổ dịch dại tại một số xã ghi nhận có ca tử vong về bệnh dại trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Qua giám sát cho thấy, công tác phòng dại vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc.
Bà Vũ Thị Chung-Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) cho hay: Năm 2024, trên địa bàn xã ghi nhận 1 ca tử vong do bệnh dại. Do địa bàn rộng, tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao nên sự tiếp cận của Trạm Y tế thiếu bao quát. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về bệnh dại vẫn còn hạn chế, chủ quan không tiêm phòng cho chó, mèo và thường có ý nghĩ chó nhà nuôi nên nếu cắn cũng không sao…
Tương tự, bác sĩ Đinh Xuân Dũng-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ia Kly (huyện Chư Prông) chia sẻ: Xã ghi nhận 1 ca tử vong vì bệnh dại vào năm 2024. Hiện nay, đa số người dân nuôi chó theo kiểu thả rông, không quản lý, không tiêm phòng cho vật nuôi. Một bộ phận người dân sau khi bị chó cắn không tiêm vắc xin dù đã được khuyến cáo hoặc tiêm nhưng không đủ liều. Lý do là vì điều kiện kinh tế khó khăn, bên cạnh đó còn do chủ quan, thờ ơ với nguy cơ mắc bệnh dại.
“Cán bộ, nhân viên y tế thường xuyên tuyên truyền nhưng người dân vẫn chủ quan trong phòng-chống bệnh dại”-bác sĩ Dũng cho hay.
Chủ động phòng ngừa bệnh dại
Hiện nay, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại cho vật nuôi, cụ thể là chó, mèo chỉ đạt 20% so với tổng đàn, trong khi nguy cơ động vật nhiễm vi rút dại, mắc dại rất lớn. Chương trình phòng-chống bệnh dại không có kinh phí cho các hoạt động tuyên truyền, giám sát ổ dịch. Chi phí cho việc tiêm phòng vắc xin, huyết thanh kháng dại còn khá cao khiến cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn gặp nhiều hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ tiêm phòng vắc xin.
Ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Năm 2024, tỉnh được tài trợ 500 liều vắc xin phòng bệnh dại và đã cấp về các xã vùng sâu, đặc biệt khó khăn để tiêm miễn phí cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2025, tỉnh tiếp tục cấp kinh phí để mua vắc xin và đang triển khai mua.
Hiện nay, ngoài điểm tiêm chủng vắc xin thường xuyên tại các trạm y tế, Gia Lai chưa có điểm tiêm vắc xin phòng dại của Nhà nước. 38 điểm tiêm chủng vắc xin dịch vụ tập trung chủ yếu ở thành phố, thị trấn nên hạn chế sự tiếp cận của người dân vùng xa.
Bên cạnh đó, sự chủ quan của người dân đối với bệnh dại như: không tiêm phòng dại khi bị chó, mèo cào, cắn; không tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo; nuôi chó, mèo thả rông, không rọ mõm… khiến Gia Lai trở thành điểm nóng về bệnh dại trong những năm qua.

Bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong gần như tuyệt đối nếu không được xử lý kịp thời. Theo bác sĩ Lê Thị Trúc Phương (Hệ thống tiêm chủng VNVC), vi rút dại sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ âm thầm di chuyển theo dây thần kinh đến não. Khi đã khởi phát triệu chứng, bệnh nhân hầu như không thể cứu chữa.
“Vi rút dại có thể gây ra 2 thể bệnh gồm: dại thể hung dữ (80%) với biểu hiện sợ nước, sợ gió, co giật, ảo giác, dẫn đến tử vong sau vài ngày; dại thể liệt với diễn tiến chậm hơn, gây liệt toàn thân và ngừng thở. Biện pháp duy nhất để phòng ngừa bệnh dại là tiêm vắc xin càng sớm càng tốt sau khi bị động vật cắn hoặc cào, kể cả khi vật nuôi không có biểu hiện dại. Do vậy, không nên chờ vật nuôi phát bệnh mới đi tiêm vắc xin, bởi lúc đó đã quá muộn”-bác sĩ Phương khuyến cáo.
Ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh-cho biết: Căn cứ vào tình hình thực tiễn, diễn biến thất thường của thời tiết và đặc điểm dịch tễ, tình hình bệnh dại có chiều hướng diễn biến phức tạp. Do đó, chủ động phòng-chống dại là hết sức cần thiết. Tỉnh đặt mục tiêu khống chế, không để tăng thêm trường hợp tử vong do dại; giám sát 100% trường hợp tử vong do dại; phát hiện dịch ở người sớm, thường xuyên điều tra dịch tễ và tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động tiêm phòng cho vật nuôi trong nhà; chủ động tiêm phòng vắc xin khi bị chó, mèo cào, cắn; bố trí lực lượng và tăng cường xử lý tình trạng chó, mèo thả rông.
Để công tác phòng-chống bệnh dại đạt hiệu quả, ông Nguyễn Văn Đồng kiến nghị các cấp chính quyền cần chủ động trong công tác phòng-chống bệnh dại; phối hợp chủ động, chặt chẽ giữa ngành Y tế và Thú y. Riêng ngành Thú y cần tăng cường tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó nuôi trên địa bàn; có biện pháp quản lý đàn chó nuôi đến hộ gia đình.
Các cấp chính quyền đầu tư kinh phí phù hợp cho hoạt động phòng-chống bệnh dại; hình thành hệ thống giám sát bệnh dại ở vật nuôi (chó, mèo) và tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về bệnh dại, góp phần nâng cao nhận thức người dân. Cùng với đó, áp dụng chế tài xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, bắt buộc tiêm phòng vắc xin dại cho chó theo quy định.