Người thủ đô trên xứ ngàn hoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vượt chặng đường trên 50 km từ Đà Lạt, trung tâm huyện lỵ Lâm Hà đã hiện ra trước mắt chúng tôi, nơi đây hơn 40 năm trước là vùng đất khó, hoang sơ, sản xuất và đời sống của người dân còn lạc hậu. Lâm Hà giờ đã trở thành vùng kinh tế trù phú, giàu tiềm năng và phát triển toàn diện, vững chắc trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội và quốc phòng-an ninh.

 Thị trấn Đinh Văn (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) ngày nay. Ảnh: K.N.B
Thị trấn Đinh Văn (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) ngày nay. Ảnh: internet

Vùng kinh tế mới Hà Nội năm xưa, hôm nay đã thực sự là vùng đất lành, đón thêm nhân dân từ mọi miền Tổ quốc đến sinh sống và lập nghiệp.       

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đinh Đức Chí, Lâm Hà-tên của huyện ngày nay, là ghép từ Hà Nội với Lâm Đồng mà thành. Hồi đó, vào cuối tháng 10-1976, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phân bố lại dân cư, xây dựng và phát triển các vùng kinh tế mới-nhất là khu vực trọng điểm vùng Tây Nguyên-sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, một nhóm thanh niên tiền trạm của TP. Hà Nội đã lên đường vào Lâm Đồng để quy hoạch xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội tại khu vực huyện Lâm Hà ngày nay. Theo đó, chủ yếu là tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, khai hoang, tạo điều kiện tiền đề để rồi sau đó lần lượt đưa hàng vạn hộ gia đình từ thủ đô vào lập nghiệp.

Lúc bấy giờ, nơi này là vùng đất hoang vu, sau ngày giải phóng kinh tế vô cùng khó khăn, còn tồn tại những vấn đề xã hội như đói cơm, lạt muối, bệnh tật, mù chữ; an ninh chính trị phức tạp, bọn phản động tàn quân của chế độ cũ, bọn FULRO ra sức chống phá chính quyền, tuyên truyền xuyên tạc các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, kích động gây chia rẽ đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc tại chỗ với bà con đến xây dựng vùng kinh tế mới. Tuy vậy, ngay từ những ngày đầu có mặt trên địa bàn Lâm Đồng, những người con của thủ đô đã đoàn kết với bà con địa phương, phối hợp với chính quyền sở tại, vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, thực hiện “di dân-khẩn hoan-lập nghiệp”. Từ đó, vùng kinh tế mới Hà Nội đã dần ổn định và phát triển, tạo tiền đề cho việc thành lập huyện Lâm Hà vào ngày 24-10-1978.

Qua quá trình 40 năm xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội, 29 năm xây dựng và phát triển huyện Lâm Hà, từ sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, sự hỗ trợ to lớn, nghĩa tình sâu nặng của TP. Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng, Lâm Hà đã không ngừng phát triển và đạt được nhiều thành công trên nhiều lĩnh vực. Được biết, trong 10 năm lại đây, TP. Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư 350 công trình, dự án với số tiền hơn 800 tỷ đồng, 10 chương trình mục tiêu quốc gia với hơn 85 tỷ đồng và 17 công trình xây dựng nông thôn mới với gần 79 tỷ đồng. Trong đó, TP. Hà Nội và các quận, huyện, các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố đã hỗ trợ huyện Lâm Hà hơn 258 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo các công trình phục vụ dân sinh... Bên cạnh đó còn phải kể đến tinh thần đoàn kết, tự thân nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện. Cùng với vùng cây công nghiệp chủ lực với gần 40.000 ha cà phê, Lâm Hà đã thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi các loại cây trồng theo hướng ứng dụng công nghệ cao tại địa phương. Trong đó, đã có gần 8.000 ha cà phê, 220 ha chè, 70 ha hoa, và trên 200 ha rau màu sản xuất theo tiêu chí công nghệ cao... Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giá trị sản xuất đạt bình quân trên 500 tỷ đồng/năm. Về chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay Lâm Hà đã có 3 xã là: Gia Lâm, Đông Thanh và xã Đà Đờn đạt 19/19 tiêu chí, các xã còn lại đạt 15-17 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5%. Lâm Hà nay là một huyện có diện tích tự nhiên khá rộng, với gần 1.600 km2; dân số trên 150.000 người; các điều kiện về tự nhiên, về hạ tầng sản xuất và xã hội khá tốt, nhất là mạng lưới giao thông và điện phát triển, dịch vụ du lịch đa dạng, có nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương Lâm Đồng đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Đánh giá cao những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Lâm Hà đã đạt được trong thời gian qua, tại buổi lễ kỷ niệm 40 năm xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng, mới đây Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến trân trọng ghi nhận sự phối hợp, quan tâm giúp đỡ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô Hà Nội; khẳng định TP. Hà Nội đã luôn dành sự quan tâm và tạo điều kiện cho Lâm Hà ngày càng phát triển.

Sau một ngày làm việc với lãnh đạo huyện và thăm các cơ sở sản xuất kinh doanh tại Lâm Hà, anh Amnat Jong-Trưởng đoàn báo chí Thái Lan, cũng là một nhà kinh doanh ở Chiang Mai, địa phương được coi là có nền kinh tế phát triển chỉ sau Bangkok, chia sẻ: “Chúng tôi sẽ làm cầu nối cho các doanh nghiệp Thái Lan hợp tác làm ăn với các bạn ở đây”. Đó là một trong những tín hiệu vui cho vùng đất mới và giàu có Lâm Hà hôm nay-sau 40 năm xây dựng và phát triển của xứ sở ngàn hoa...

 Bích Hà

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.