Người phụ nữ 'truyền lửa' cho nghệ thuật trống hội Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nghệ nhân Nguyễn Thị Minh Tám, một phụ nữ đã 80 tuổi, người nhỏ nhắn nhưng lúc nào cũng tràn đầy năng lượng cùng niềm đam mê bất tận với nghệ thuật trống hội.

Nghệ nhân Minh Tám (thứ 3 từ phải sang) truyền dạy trống hội cho mọi người. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)
Nghệ nhân Minh Tám (thứ 3 từ phải sang) truyền dạy trống hội cho mọi người. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)


Nhắc tới nghệ thuật trình diễn trống hội, nhất là trống đại, người ta thường nghĩ ngay tới nam giới, với vóc dáng cao lớn, sức khỏe tốt, nhiệt huyết tràn đầy.

Suy nghĩ đó sẽ thay đổi nếu gặp nghệ nhân Nguyễn Thị Minh Tám, trú tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy (Hà Nội), một phụ nữ đã 80 tuổi, người nhỏ nhắn nhưng lúc nào cũng tràn đầy năng lượng cùng niềm đam mê bất tận với nghệ thuật trống hội.

Bà còn tích cực truyền dạy trống hội, “truyền lửa” cho nhiều người khác để nhân lên tình yêu trống hội trong cộng đồng.

Niềm đam mê bất tận

Một buổi tối cuối tuần, chúng tôi hẹn gặp nghệ nhân Minh Tám tại Nhà văn hóa phường Nghĩa Đô, nơi bà đang truyền dạy trống hội cho Câu lạc bộ trống hội phường.

Dù rất nhiệt tình nhưng do bà tương đối bận, khắp nơi mời đi dạy và tham gia nhiều chương trình khác nên vừa tranh thủ giờ luyện tập bà vừa trao đổi với khách.

Bà cũng muốn để khách tận mắt chứng kiến việc truyền dạy, niềm vui, sự hào hứng của các thành viên trong câu lạc bộ đối với bộ môn nghệ thuật trống hội.

Trong khi chờ các thành viên tới, bà chuẩn bị chỗ luyện tập, ánh sáng, đạo cụ để buổi tập hiệu quả. Vừa làm bà vừa tiếp chuyện khách với giọng nói sang sảng, vui tươi bằng chất giọng hiếm có của phụ nữ ở độ tuổi như bà.

Đó cũng là chất giọng trời phú để mỗi lần biểu diễn những dàn trống hội lớn ở một không gian rộng, chất giọng đó lại vang lên tạo khí thế rộn ràng, tưng bừng cho màn biểu diễn.

“Nghệ thuật trống hội như cái duyên đến với tôi một cách rất tự nhiên. Dù sau này có rất nhiều ngã rẽ trong công việc nhưng cuối cùng tôi lại trở về với loại hình này,” nghệ nhân Nguyễn Thị Minh Tám chia sẻ.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Minh Tám kể bố mẹ, anh chị em bà đều là nhạc công của đoàn múa rối nước và đoàn chèo làng Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Vì thế, bà thường được theo ra xem mọi người chơi trống, đàn, múa hát. Những điệu trống dần ngấm vào cô bé Minh Tám lúc nào không hay. Những lúc nhạc công nghỉ ngơi, Minh Tám thường tranh thủ cầm dùi trống nghịch ngợm.

Ngày qua ngày, tiếng trống của Minh Tám tròn đều, có nhịp điệu hơn khiến người lớn cũng ngạc nhiên. Không chỉ đơn giản là điệu gõ mà trống đoàn rối nước với đủ tích trò nên gõ trống cũng phải có nhiều cách, từ trống hội, trống rước, trống lân…

Với trống chèo cũng thế, cô bé Minh Tám lắng nghe, ghi nhớ nhịp điệu, từng kiểu gõ rồi học theo. Lớn lên chút nữa, Minh Tám được theo sang Nam Định xem trống chầu tại các nghi lễ thờ Mẫu, đi nhiều nơi để xem người ta biểu diễn trống hội.

Bước ngoặt đến với cuộc đời nghệ nhân Nguyễn Thị Minh Tám khi đến tuổi trưởng thành, bà được nhận vào Đoàn Chèo Trung ương 2 do có khả năng diễn xuất tốt. Với tính tình vui vẻ, hài hước, bà chỉ đảm nhận các vai hề, không được phân công vai khác. Sau một thời gian, bà chuyển sang gắn bó với sự nghiệp thể thao.

Tuy nhiên, tình yêu với tiếng trống hội và các điệu múa cổ vẫn âm ỉ trong bà, lúc nào bà cũng mong muốn được trở về, gắn bó với tiếng trống hội.

Hòa bình lập lại, Nhà nước cho khôi phục đình chùa, sau đó việc tế lễ tại các đình chùa dần được tái lập. Nhà ở ngay gần đình, chùa nên bà Minh Tám dành nhiều thời gian ra hướng dẫn mọi người cách thức tập nghi thức lễ, múa cổ và gõ trống. Bà chủ động đi các nơi xem biểu diễn múa cổ và trống hội rồi về nhớ lại, ghi chép để dạy mọi người.

Với niềm đam mê với tiếng trống hội và những điệu múa cổ, bà biểu diễn thành thục nhiều làn điệu. Đến nay, bà thành thạo hơn 40 bài trống, mỗi bài dài khoảng 7-8 phút. Với múa cổ, bà thuộc hầu hết các bài múa phục vụ nghi thức tế, lễ trong các hội, hè.

Nghệ nhân Minh Tám cho biết để thực hành thành thạo một môn nghệ thuật nào đó, người ta phải tìm thầy học còn bà chưa từng qua trường, lớp nào mà hoàn toàn tự học. Mỗi khi nghe bài trống hội ở đâu đó, bà tự nhớ, về ghi chép lại rồi mày mò học, chỉnh sửa cho phù hợp. Thậm chí, bà còn sáng tác nhiều bài trống hội rất độc đáo.

Vang xa tiếng trống hội

Tình yêu với nghệ thuật trình diễn trống hội không bao giờ vơi, nhưng cơ duyên để bà gắn bó bền chặt với nghệ thuật trống hội và trở thành người phụ nữ chỉ huy những dàn trống hội lớn phải kể đến thời điểm thành phố tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Khi được thưởng thức màn trống hội chào mừng Đại lễ, bà ao ước lập được một dàn trống như thế. Nghĩ là làm, bà về vận động chị em, bạn bè tham gia.

Thời điểm đầu, bà Nguyễn Thị Minh Tám gặp nhiều khó khăn trong việc tìm người tham gia dàn trống. Không nản lòng và cũng để khích lệ mọi người yêu trống hội, bà đã kết hợp tập trống với nhiều hình thức vận động phong phú khác. Khi chưa có trống, mọi người phải học cách cầm dùi bằng đũa, gõ xuống đất, gõ bằng ống bơ, gõ ghế, gõ bàn tập cho đúng nhịp.

Sau đó, bà mới ráp nối thành một bài trống hoàn chỉnh. Vừa gõ trống, vừa kết hợp với biểu diễn theo nhịp điệu khiến các bài trống càng thêm hấp dẫn. Chị em từ chỗ ngại tham gia, sau một thời gian luyện tập càng say mê hơn.

Kinh phí mua trống cũng là vấn đề nan giải. Ngoài kinh phí tự bỏ ra, bà Minh Tám đã vận động sự đóng góp của các thành viên, của những người quen, dần dần bà mua được dàn trống gồm 9 trống cái, 20 trống con, đôi đầu lân. Các thành viên trong đội chăm chỉ luyện tập, thường xuyên được mời đi biểu diễn nên gây được tiếng vang.

Tiếng lành đồn xa, đoàn trống hội của bà được mời đi biểu diễn khắp nơi, cũng không ít nơi mời bà về dạy.

Đến nay, bà đã dạy cho hàng chục dàn trống từ đình Nam Đồng, đình Võng Thị, đền Đồng Cổ, đền Quán Đôi (Hà Nội)… và nhiều địa phương khác. Không đơn thuần là những bài múa trống, bà còn dạy trống tế, trống rước, trống đi, trống lễ, trống dâng... Mỗi hình thức có một loại biểu diễn khác nhau.

Bà tự hào khi đã góp sức truyền dạy cho hơn mười dàn trống ở nhiều nơi, riêng huyện Phú Xuyên (Hà Nội), một mình bà dạy 4-5 dàn trống. Bà cũng cho biết, đội trống các đình, đền đều được bà dạy miễn phí.

Ngoài ra, bà còn tham gia thành lập dàn trống ở nhiều nơi, hiện bà làm Trưởng đoàn Nghệ thuật trống hội Thăng Long UNESCO Việt Nam.

Với những đóng góp không mệt mỏi, năm 2020, bà Nguyễn Thị Minh Tám được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng Bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian.

Hiện nay, bà đã được Hội đồng cấp Nhà nước xét thông qua hồ sơ công nhận Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể và đang chờ Chủ tịch nước quyết định phong tặng.

Theo Đinh Thuận (TTXVN/Vietnam+)

 

Có thể bạn quan tâm

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.

Giá trị của liên hoan

Giá trị của liên hoan

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Cần Thơ vừa khép lại. Bên cạnh những hồ hởi, vui vẻ, nhiều nỗi niềm của sân khấu cải lương truyền thống cũng đã bộc lộ trong mùa liên hoan năm nay.

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

(GLO)- Suốt 1 tháng qua, sau khi hoàn tất công việc gia đình, những người nông dân Jrai chân chất, mộc mạc ở tổ 6 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) lại say sưa luyện tập đánh cồng chiêng.