Với người Jrai, rượu cần không chỉ là thức uống truyền thống mà còn là một nét văn hoá không thể thiếu trong đời sống. Rượu cần là lễ vật dâng lên các Yàng (thần linh) và là cầu nối thắt chặt tình cảm cộng đồng. Giống như tiếng cồng chiêng bên nhà sàn, rượu cần là biểu tượng của sự mến khách, tình đoàn kết và lòng tự hào của người Jrai nơi vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió.
Theo chân Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Băng, chúng tôi tìm đến nhà già HLok, người được xem là có bí quyết ủ rượu cần ngon nhất làng. Thấy khách đến thăm, bà HLok vui mừng giới thiệu những ghè rượu cần mới ủ được 2 tuần. Bà kể: Từ năm 14 tuổi, bà đã theo mẹ vào rừng hái những nguyên liệu làm men rượu cần. Lớn lên, bà học cách ủ rượu từ mẹ và dần thuần thục từng công đoạn. Đến giờ, bà đã có hơn 50 năm kinh nghiệm làm men, ủ rượu. Khi lập gia đình, bà và ông Lấp (chồng bà) vẫn miệt mài với công việc làm men, ủ rượu cần truyền thống.
Sau khi có đủ nguyên liệu, bà HLok sẽ rửa sạch và để ráo nước. Vỏ cây hyam được vò kỹ rồi ngâm với nước lọc. Lúc này, nước sẽ chuyển sang màu đỏ nâu đặc trưng của vỏ cây, tỏa ra hương thơm ngát. Tiếp theo, bà HLok băm nhỏ củ riềng và trộn đều với gạo nếp. Theo bà, để men có độ bám dính tốt và dễ hòa quyện giữa các nguyên liệu, cách tốt nhất là giã bằng tay. Vì thế, dù tuổi đã cao, song bà và chồng vẫn chăm chỉ giã nguyên liệu bằng tay để giữ được hương vị truyền thống. Sau khi gạo nếp và củ riềng đã mịn thành bột, bà HLok lấy hỗn hợp này trộn với nước vỏ cây hyam rồi vo thành những bánh men nhỏ hơn lòng bàn tay. Sau đó, bà rắc thêm một ít trấu lên bề mặt bánh men. Bánh men này sẽ được ủ cùng trấu trong 3 ngày, rồi đem phơi khô từ 5-10 ngày là có thể sử dụng.
"Không phải vỏ cây hyam nào cũng làm men ngon được, người làm phải có kinh nghiệm thì mới chọn được vỏ cây đẹp, thơm"-bà HLok cho biết thêm. Khi đã có men, công đoạn tiếp theo là ủ rượu cần. Nguyên liệu làm rượu cần gồm: gạo, bắp hoặc củ mì... Rượu cần ủ từ các nguyên liệu này mới đậm vị. Người biết ủ rượu cần thì nhiều, song để rượu có đủ vị ngọt, đắng, chua, cay thì đòi hỏi người ủ rượu phải khéo léo, tỉ mỉ và hiểu rõ từng công đoạn.
Trước đây, bà HLok và chồng chỉ làm rượu để thưởng thức trong gia đình, mời khách quý hoặc mang đi chung vui khi trong làng có tiệc tùng. "Người Jrai có truyền thống rất hay, cứ nhà nào có tiệc mừng hay chuyện buồn là mỗi nhà lại gùi một ghè rượu đến để bày tỏ tình cảm. Cả làng cùng quây quần bên ghè rượu cần và thưởng thức rượu của nhau. Đây cũng là dịp để người dân "so tài" và học hỏi nhau cách ủ rượu"-bà HLok tươi cười nói.
Cũng nhờ có tay nghề cao, rượu cần do bà ủ được nhiều người trong làng tìm mua. Đến nay, mỗi tháng bà bán được từ 10-20 ghè rượu. Vào dịp Tết Nguyên Đán, bà bán hơn 30 ghè. Không chỉ trong làng, việc bà làm men giỏi và nấu rượu ngon đã được truyền tai nhau rồi trở nên nổi tiếng. Nhiều khách từ huyện Chư Sê, Chư Prông, TP. Pleiku cũng đến nhà bà để mua rượu. "Mỗi ghè tôi bán với giá 350 ngàn đồng. Nếu khách trả lại ghè thì giá còn 250 ngàn đồng. Nhờ đó, hai vợ chồng cũng kiếm được khoảng 4 triệu đồng mỗi tháng. Trừ chi phí mua nguyên liệu, cũng chẳng còn bao nhiêu, nhưng đủ để trang trải cho cuộc sống"- bà HLok nói
Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Lek-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Băng-cho biết: "Vợ chồng bà Hlok là hai người già hiếm hoi của làng còn gìn giữ văn hóa làm rượu cần của người Jrai. Hai ông bà không chỉ lao động chăm chỉ mà còn kiên trì lên rừng hái những nguyên liệu tự nhiên để làm men. Rượu do vợ chồng bà ủ rất ngon, được nhiều người khen và tìm đến mua".

Cũng theo ông Lek, thời gian tới, thôn Bông Lar sẽ ra mắt Hội "Sản xuất và chế biến rượu ghè thôn Bông Lar". Hội này có 17 thành viên, trong đó ông Lấp (chồng bà HLok) là tổ trưởng, bà HLok là thành viên. Hội được thành lập nhằm giữ gìn nét văn hóa truyền thống về ủ rượu cần của người Jrai. Đồng thời, góp phần quảng bá sản phẩm rượu ghè thôn Bông Lar đến với khách hàng gần xa.