Người ba lần bị FULRO “kết án”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cơn mưa buổi sáng sầm sập đến như hờn dỗi. Mặc những hạt nước xối vào mặt buốt nhói tôi vẫn dấn ga, chỉ lo trễ lễ chào cờ của làng Kon K’Tu (xã Đak Rơ Wa- tỉnh Kon Tum). Tới đầu làng, nắng sớm bất chợt hừng lên chải từng tia qua vòm me trong vắt, vừa lúc tiếng kẻng thong thả ngân từng hồi báo hiệu buổi chào cờ bắt đầu…
Chỉ 15 phút sau sân nhà rông đã kín người. Trưởng thôn A Phẻo quần áo chỉnh tề bước lên cầu thang nhà rông, nhìn khắp lượt rồi cất tiếng dõng dạc:
- Chào cờ- chào! Quốc ca!
Một giọng nam trầm ấm vừa dứt câu “Đoàn quân Việt Nam…” hơn hai trăm con người cùng hòa theo vang rền. Dứt lời Quốc ca, A Phẻo mời mọi người ngồi rồi rút trong túi áo ra một tờ giấy giơ lên cao nói:
- Thưa bà con, thật lâu rồi làng Kon K’Tu ta mới lại xảy ra chuyện xấu. Cách đây ba hôm, A Hoa đã bắt trộm của nhà hàng xóm con gà. Nó nói vì vui bạn nên lỡ cái tay. A Hoa, đứng lên đọc cái kiểm điểm của mày cho dân làng xét!
Người có tên A Hoa cúi đầu đến trước mặt A Phẻo đón lấy tờ giấy đọc một cách khó nhọc như đếm từng chữ… Đại ý của bản kiểm điểm là vì vui bạn nên trót làm điều xấu, xin được đền lại con gà. Ngoài ra còn chịu phạt tiền bằng giá trị con gà, xin hứa sẽ không bao giờ tái phạm… Không ai có ý kiến gì, Trưởng thôn A Phẻo quay sang phổ biến chủ trương của Nhà nước về việc cho hộ nghèo vay tiền xây nhà rồi tuyên bố buổi chào cờ kết thúc…
A Phẻo (bên trái) và tác giả trước sân nhà rông.
A Phẻo (bên trái) và tác giả trước sân nhà rông.
Kẻ “tử thù” của FULRO và bản án tử hình
Nhà rông Kon K’Tu cột làm bằng gỗ cà chít to cỡ người ôm. Dù làng đã được ngói hóa, tôn hóa từ lâu thì nhà rông vẫn nguyên vẹn kiến trúc truyền thống. Từ xa đã thấy mái nhà vút lên giữa trời như một lưỡi búa màu thép xám. Bốn vách la liệt những sừng trâu- đồ hiến tế sau mỗi lần nhà rông sửa chữa. Gian giữa treo trang trọng tấm bằng công nhận  Kon K’Tu là làng văn hóa cấp tỉnh. A Phẻo cho biết nhà rông làng vừa chẵn tuổi 40. “Mình làm Trưởng thôn chỉ thua nhà rông 10 tuổi thôi đấy. Ấy vậy mà dân làng còn bảo: A Phẻo phải làm Trưởng thôn cho đến chết mới thôi. Không có A Phẻo là “mất văn hóa”. Bọn trẻ không làm được đâu!”.
Tôi tò mò ngắm con người vóc dáng nhỏ bé, nước da màu đồng hun, cảm giác sức nóng của một ngọn lửa nhiệt tình ẩn chứa. Có lẽ đấy là cái phẩm chất để tạo nên sự tín nhiệm của hơn 500 người dân làng này. Nhưng không chỉ có thế. Tôi biết với đồng bào dân tộc thiểu số, cao hơn nhiệt tình ấy là uy tín. Như đoán được ý nghĩ của tôi, A Phẻo chậm rãi kể con đường “nên chức” Trưởng thôn của ông… 
Năm 1970 vì làng thuộc vùng địch chiếm, A Phẻo bị bắt quân dịch. Rất may vì có chút học vấn nên ông được cho học y tá. Giải phóng về làng, biết rõ hoàn cảnh, xã cho ông làm Trạm trưởng y tế. Những năm sau giải phóng tình hình an ninh phức tạp. Bọn FULRO ngóc đầu dậy chống phá quyết liệt. Án ngữ lối vào thị xã Kon Tum, địa hình hiểm trở mà dân lại 100% theo đạo Công giáo, bọn FULRO quyết khống chế cho được Kon K’Tu để làm bàn đạp. Thủ thuật của chúng là cứ nhè dân đi rẫy lẻ, bắt cóc rồi buộc họ phải tiếp tế. Không làm sao được, dân làng nhiều người phải mang gạo muối cho chúng để được yên thân… Thấy tình hình căng thẳng, một hôm lãnh đạo gợi ý: Kon K’Tu không có cán bộ vững, ông có thể về làm Trưởng thôn giúp xã? A Phẻo nhận lời ngay… Đang hí hửng tưởng rằng làng Kon K’Tu đã bị khuất phục, bọn FULRO bỗng như bị dội một ghè nước lạnh. Suốt cả tháng chúng không trấn lột được chút gạo muối nào. Bắt được ai cũng nghe một lời giống nhau “Bắn thì bắn thôi, nhà đói lắm, có gạo muối đâu mà cho…”. Dò hỏi, chúng mới biết hóa ra là làng đã có Trưởng thôn mới. Không nhổ được cái gai này thì hết sống, hết bám rễ được vào Kon K’Tu…
Chúng ập vào giữa lúc A Phẻo đang ăn cơm tối. Chẳng nói chẳng rằng, hai thằng kẹp nách ông lôi đi. Ra đến bìa rừng chúng bắt ông quỳ xuống. Một thằng, chắc là toán trưởng nói rít qua kẽ răng “A Phẻo nghe đây: Mày cũng từng đi lính, cũng là người Bahnar, thế mà mày nghe lời bọn cán bộ chống lại chúng tao. Lẽ ra phải cho mày lên thiên đường sớm nhưng nghĩ thấy mày cũng bị ép buộc nên chúng tao thương tình. Nếu chưa muốn chết, mày phải bảo dân làng bỏ các tổ đoàn kết, tích cực tiếp tế cho FULRO. Để cho nhớ, mày phải cắn viên đạn này. Nếu trái lời, mai mốt nó sẽ xuyên vào đầu mày!”.
Viên đạn lạnh ngắt, tê buốt nơi đầu răng khiến A Phẻo rùng mình. Một nỗi căm giận trào lên trong ông: “Con khỉ đẻ ra chúng mày. Rồi hãy để coi A Phẻo này có nghe lời thối của lũ mày không nhé!”. 
Nếu bọn FULRO mà biết ngay đêm đó A Phẻo lập tức báo cho bộ đội biết để rồi sau đó chúng bị phục kích chết 1 tên thì có lẽ chúng đã không ngần ngại cho một phát đạn khi bắt được ông lần thứ hai. Sau lần này biết đã nhầm A Phẻo, mọi phong trào làng Kon K’Tu không yếu đi mà mỗi ngày mỗi mạnh, bọn FULRO quyết định thi hành “án” tử hình với ông…
Cho đến bây giờ, A Phẻo cũng chẳng hiểu cái “vía” mình cứng hay Yang không muốn mất ông mà xui nên thế? Hôm đó cũng hơi mất cảnh giác, con gà sắp lên chuồng rồi mà A Phẻo vẫn mải mê đánh cá ở bãi cát sau nhà. Bốn thằng bất thần từ bụi rậm xông ra bịt mắt ông lôi vào rừng. Mở mắt, ông thấy bên hốc cây lớn 6 thằng quần áo tơi tả, tóc tai bù xù như con chuột ướt đang nướng thịt chó. Một thằng nhe cái răng vàng ra cười mỉa: “Lần này thì không nói nhiều nữa đâu A Phẻo. Đợi một tí bọn tao sẽ cho mày ăn rồi chết cho khỏi làm con ma đói…”. A Phẻo thấy lạnh toát nơi sống lưng nhưng rồi cố trấn tĩnh “Đằng nào cũng chết, việc gì mà phải run sợ”. Ông bảo: Phẻo không ăn được thịt chó. Có gà thì cho ăn. “Được, có gà đấy. Người sắp chết thì phải chiều thôi”. Rồi hắn hất hàm bảo tên bên cạnh bóp cổ con gà nướng cho ông. Chắc là chúng mới cướp đâu về…
Bọn chúng đâu có hay cái “vía” A Phẻo hay là ý Yang xảy ra lúc ấy… Thấy đã tối mà chồng vẫn chưa về, vợ ông ra bãi cát tìm thì thấy lưới, cá vẫn còn vứt đó. Đoán ngay được chuyện chẳng lành, bà vội vã chạy đi báo cho bộ đội. Mùi gà nướng mà chúng “nhân đạo” dành cho ông đã giúp họ tìm đến nơi. Nếu không sợ đạn lạc phải A Phẻo, có lẽ toán FULRO hôm đó đã bị diệt gọn…
Trưởng thôn thời mở cửa…
- Yên được FULRO rồi, cứ nghĩ còn cái bụng thì không sợ. Cứ siêng chân tay là no, vậy mà ai ngờ cái khó lại còn hơn gấp trăm thằng giặc FULRO!
A Phẻo bật  một tràng cười sảng khoái rồi gật gù như tự nói với chính mình: Ừ, nếu mà chỉ nhằm vào cái bụng như thời ông bà thì có gì là khó. Cuộc sống bây giờ nói “no” nghĩa là phải có cái ti vi để xem, có cái xe máy để đi; có cái nhà đàng hoàng để ở, con cái ít ra phải được chín, mười năm chữ trong đầu. Muốn thế thì phải học người Kinh, phải theo cái mới… A Phẻo tỉ tê kể cho tôi nghe những cái khó “dài hàng tiếng hú” mà ông phải đương đầu: Nào việc đưa cây cà phê, cây cao su vào làng… Trước năm 1990, Kon K’Tu có đến hơn một nửa nghèo đói, thế mà nay theo cách làm ăn mới chỉ còn 11 hộ nghèo. Số hộ thu nhập mỗi năm từ 100 triệu đồng trở lên có 7 người. Vài năm nữa cao su, bời lời đến kỳ thu hoạch, con số người giàu chắc sẽ gấp cả chục lần…
- Bếp đã ăn lửa rồi thì phải lo canh gió độc. “Gió độc” ở đây là tệ nạn xã hội ấy mà… Giọng ông chợt chùng lại-Kon K’Tu kề ngay thị xã, cái tốt đến làng dễ thì cái xấu đến cũng dễ. Đời sống khá lên, cái xấu đến lại càng dễ. Lạ thế đấy! Kon K’Tu ngày trước chuyện ăn cắp, ngoại tình, vợ chồng cãi cọ, đập bếp hiếm lắm. Thế mà bắt đầu thời “mở cửa” là xảy ra luôn, dù ai cũng biết đó là phạm vào “mười điều răn” của Chúa. Có cách gì bài trừ những chuyện xấu này cho hữu hiệu mà lâu bền?
A Phẻo suy nghĩ nhiều đêm rồi thấy ý sáng lóe lên trong đầu: Học sinh cứ sáng thứ hai là làm lễ chào cờ. Đứa nào học biếng, quậy phá bị thầy cô gọi lên đứng dưới cờ nhắc nhở là chừa ngay. Người lớn làm cách này tốt quá chứ? Họp làng A Phẻo đưa ra bàn. Lúc đầu có người phản đối, nói ảnh hưởng đến sản xuất. Phẻo bảo: Mỗi tuần chỉ tổ chức một lần, không quá một giờ thì có gì ảnh hưởng. Với lại dù có ảnh hưởng chút mà được cái lợi hơn thì sao? Đích thân A Phẻo đứng ra tập hát Quốc ca. Ai cũng phải thuộc, phải tự hát thì lễ chào cờ mới nghiêm, mới có ý nghĩa… Vài bữa đầu chệch choạc rồi nền nếp dần. Từ năm 2005 đến nay dù mưa dù nắng, làng chưa bỏ buổi chào cờ nào. Từ ngày có lễ chào cờ tệ nạn giảm hẳn. Lúa để ngoài kho, xe máy bỏ dưới sàn nhà cũng chẳng sao. Việc uống rượu say, đánh chửi nhau, trai gái lăng nhăng dứt hẳn. Lũ thanh niên đứa nào cũng siêng làm ăn, tự lập tổ đổi công để giúp nhau.
Ai cũng bảo: A Phẻo nghĩ ra việc chào cờ thật không gì tốt hơn! Đúng thế, nhưng mà cũng phải thấy điều này: Làm dứt tệ nạn còn sự hỗ trợ không kém phần quan trọng khác- ấy là lệ tục truyền thống của ông bà. Con người ta đôi khi sa vào chuyện xấu cũng là vì cái đầu đói quá đấy thôi. Nhất là lũ thanh niên, bụng no mà đầu đói thì lại càng dễ theo cái xấu lắm. A Phẻo vận động dân làng: Giữ gìn tất cả lễ hội truyền thống của ông bà. Giữ được lễ hội, vài năm trở lại đây, Kon K’Tu đã trở thành điểm du lịch. Khách đến được phục vụ cồng chiêng, được múa xoang với con gái làng, đốt lửa ngủ nhà rông, họ thích lắm. Thấm thía cái quý ông bà để lại, dân làng đang tự giác phục hồi những gì đã mất. Khách đến nhiều- cái được tiền bạc là nhỏ, cái lớn là mình phải ngó nhau để sống tốt hơn- dân làng nói thế… 
…Mải mê nghe A Phẻo kể, tôi không để ý là nắng sớm đã thu bóng nhà rông vào sát cửa. Bắt tay chào tạm biệt ông, tôi đùa: A Phẻo làm Trưởng thôn lâu thế chắc quên mất nghề y rồi? Vẫn nhớ chứ, nhưng mình chỉ giúp việc lặt vặt trong làng thôi. Chữa bệnh thể xác, bây giờ đã có lớp trẻ. Cái mình được học lạc hậu quá rồi. Mình làm y tá “chữa bệnh tinh thần” tốt hơn- A Phẻo cười vang.
Chợt như nghe trong tiếng cười của con người đã bước quá tuổi lục thập cái trong trẻo, ngọt lành của dòng Đak Bla bao đời vẫn cuộn chảy phía sau nhà…
Ngọc Tấn

Có thể bạn quan tâm

Mạch nguồn tri ân và những câu chuyện - Bài 5: Những thương binh đặc biệt ở đất Tổ

Mạch nguồn tri ân và những câu chuyện - Bài 5: Những thương binh đặc biệt ở đất Tổ

Chiến đấu ngoan cường, bị thương thập tử nhất sinh khiến những người lính có một thời gian nao núng. Rồi cũng bằng ý chí sắt đá của người lính, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bè bạn và cộng đồng, những thương binh đang định cư ở đất Tổ ngày một khỏe hơn, biết làm kinh tế và còn viết văn, làm thơ…
Trong mây Vân Sơn - Kỳ 1: Về thăm “thung lũng mây”

Trong mây Vân Sơn - Kỳ 1: Về thăm “thung lũng mây”

Xã Vân Sơn nằm ở trung tâm của huyện vùng núi Tân Lạc, Hòa Bình, nối liền một dải với vùng cao Son Bá Mười của tỉnh Thanh Hóa, nơi có thể được coi là sự nối dài của Tây Bắc về mặt địa chất. Nơi đây, những cảm thức Mường còn đậm đặc, rõ rệt, hiện diện trong từng thói quen ngày thường của bà con.
Những làng chài bên biển

Những làng chài bên biển

Dọc bờ biển khu vực miền trung có rất nhiều làng chài, nơi cuộc sống hằng ngày của người dân biển diễn ra muôn hình vạn trạng. Ở đó, mỗi làng chài lại mang một nét đặc trưng riêng, tạo nên bức tranh đa sắc về cuộc sống mặn mòi của những ngư dân bám biển.
Hồn biển Lăng Cô (Kỳ 1)

Hồn biển Lăng Cô (Kỳ 1)

2024 là tròn 15 năm Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) ra nhập câu lạc bộ những vịnh đẹp của thế giới. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến khác nhau về Lăng Cô như ở đó có nhộn nhịp gì đâu, có kiến trúc lâu đời đâu mà dừng chân chiêm ngưỡng…