“Ngôi nhà chung” dưới sao vàng năm cánh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều chàng trai, cô gái vĩnh viễn nằm lại bên nhau trong “ngôi nhà chung” được xây theo hình sao vàng năm cánh. Những nhiệt huyết thắm nồng của tuổi 20 đã hòa chung trong mạch ngầm đất mẹ để “cây đời mãi mãi xanh tươi”.

Ngôi mộ chung của 200 liệt sĩ

Một buổi chiều tháng 7 lất phất mưa, chúng tôi đến dâng hương tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Hội Phú nằm trên tuyến đường Nguyễn Viết Xuân (thuộc tổ 3, phường Hội Phú, TP. Pleiku). Cách trung tâm thành phố khoảng 3 km về hướng Tây Nam, Đền tưởng niệm liệt sĩ Hội Phú là nơi yên nghỉ của 200 liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tại thị xã Pleiku.

Lật giở lại trang sử năm xưa, cựu chiến binh Nguyễn Thế Lương (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) không giấu được nỗi nghẹn ngào. Đôi tay run run chỉ vào bức ảnh trắng đen ghi lại thời khắc đồng đội bị địch chôn vùi, ông Lương xúc động bày tỏ: “Đồng đội của tôi mỗi người một cái tên, một ký ức và một quê hương khác nhau nhưng các anh đã cùng ngã xuống trong cái đêm oanh liệt ấy. Và rồi, các anh lại cùng bên nhau trong ngôi mộ chung trên vùng đất mình đã chiến đấu”.

Đền tưởng niệm liệt sĩ Hội Phú (tổ 3, phường Hội Phú, TP. Pleiku). Ảnh: T.D

Đền tưởng niệm liệt sĩ Hội Phú (tổ 3, phường Hội Phú, TP. Pleiku). Ảnh: T.D

Tiếp mạch câu chuyện, người chiến sĩ Đại đội đặc công 90 (Khu 9) năm xưa đưa chúng tôi trở về với thời khắc lịch sử hào hùng mà bi thương. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 diễn ra tại thị xã Pleiku, bắt đầu từ đêm 30 rạng sáng mùng 1 Tết và kéo dài đến hết ngày mùng 3 Tết. Có gần 10 đơn vị từ đại đội đến tiểu đoàn cùng cán bộ dân chính tiến công vào thị xã Pleiku đánh vào nhiều cơ quan đầu não của địch. Trong đó có lực lượng Khu 9 (thị xã Pleiku) gồm Đại đội đặc công C90 và Đại đội đặc công C21; lực lượng thuộc Tỉnh đội gồm Tiểu đoàn H15, Tiểu đoàn 408, Đại đội C231 ĐKB; lực lượng B3 gồm Tiểu đoàn đặc công K7, Tiểu đoàn K631, Tiểu đoàn đại liên 12,7 ly, Tiểu đoàn tên lửa D100.

Trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân tại thị xã Pleiku, quân và dân ta đã tiêu diệt gần 3.500 tên địch, phá hủy 500 xe quân sự, 35 pháo và một số máy bay các loại, đốt cháy hàng triệu lít xăng dầu của địch. Phối hợp với tiến công quân sự, 11.000 quần chúng đã xuống đường biểu tình đấu tranh chính trị. Chính quyền cách mạng tại một số ấp xã ở các huyện (khu) 3, 4, 5, 6 được thành lập. Hơn 14.000 đồng bào phá ấp chiến lược trở về làng cũ, 11 làng ven thị xã được giải phóng.

“Thắng lợi thật to lớn nhưng sự hy sinh tổn thất của ta cũng không đo đếm được. 200 cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đã anh dũng hy sinh. Sau trận đánh, so sánh về lực lượng và tình hình chiến sự đang bị kẻ địch khống chế trận địa nên quân ta không thể lấy được thi hài của đồng đội đã hy sinh tại chiến trường. Địch phơi thi thể các anh đến 3-4 ngày để hòng uy hiếp tinh thần của quân và dân ta. Sau đó, chúng cho xe thu gom và đào hố vùi xác các chiến sĩ ta thành ụ đất lớn nằm trên đường Nguyễn Viết Xuân ngày nay. Các anh đã nằm lại cùng nhau trong lòng đất mẹ như cái thuở cùng chung chiến hào đánh giặc. Những năm về sau, người dân chúng tôi thường gọi là “Mộ liệt sĩ tập thể”-ông Lương nhắc nhớ.

Cựu chiến binh Nguyễn Thế Lương (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) xúc động khi nhìn lại bức ảnh trắng đen ghi lại thời khắc đồng đội mình bị địch chôn vùi. Ảnh: Trần Dung

Cựu chiến binh Nguyễn Thế Lương (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) xúc động khi nhìn lại bức ảnh trắng đen ghi lại thời khắc đồng đội mình bị địch chôn vùi. Ảnh: Trần Dung

Riêng Đại đội đặc công 90 của ông Lương có tới 40 đồng đội nằm lại trong ngôi mộ chung. Điều khiến ông trăn trở là làm sao tìm được người thân cho đồng đội của mình. Ông nhớ mãi những lời tâm sự của người đồng đội Lê Đình Sen (quê Thanh Hóa) trước ngày hy sinh. Rằng, ở quê nhà, anh có người vợ trẻ và đứa con trai 4 tuổi. Anh vẫn mong được gặp lại vợ con mình sau ngày toàn thắng. Nhưng, ước nguyện ấy đã không thể thành hiện khi anh mãi nằm lại cùng đồng chí, đồng đội nơi chiến trường khốc liệt. Mãi đến năm 2012, ông Lương mới kết nối được với thân nhân gia đình liệt sĩ Lê Đình Sen tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Trò chuyện cùng chúng tôi qua điện thoại, ông Lê Đình Chúng (55 tuổi, con trai liệt sĩ Lê Đình Sen) bày tỏ: “Chúng tôi vào Gia Lai thăm bố cũng vào một ngày cuối tháng 7. Tìm được bố, tôi và mẹ vừa mừng, vừa tủi. Dù không thể đưa bố trở về quê hương nhưng mẹ con tôi cũng rất yên tâm và vững tin rằng bố sẽ yên lòng vì mộ phần luôn được đồng đội, chính quyền và người dân địa phương chăm sóc”.

Để tưởng nhớ công ơn các liệt sĩ, Đảng bộ và chính quyền Pleiku không di dời hài cốt các liệt sĩ về nghĩa trang mà vẫn giữ nguyên vị trí cũ. Năm 1993, thị xã Pleiku xây dựng lại ngôi mộ tập thể tại chỗ với đài “Tổ quốc ghi công”. Từ năm 2004 đến 2005, Đảng bộ và chính quyền TP. Pleiku đã tu bổ, xây dựng lại ngôi mộ chung bằng bê tông cốt thép kiên cố và lát đá granite khang trang, bên trên là hình ảnh ngôi sao vàng năm cánh. Năm 2020, tháp chuông được xây dựng và nhà đón khách được cải tạo. Năm 2007, Đền tưởng niệm liệt sĩ Hội Phú được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. “Hàng năm, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP. Pleiku tổ chức lễ viếng, dâng hoa, dâng hương tại khu di tích. Ngoài ra, Ban Quản lý di tích còn tổ chức các hoạt động tham quan, ngoại khóa, tìm hiểu lịch sử cho các em học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh-thiếu niên trên địa bàn thành phố. Mỗi năm, di tích cũng đón hàng ngàn lượt khách đến thăm viếng”-ông Rơ Châm Kát-nhân viên bộ phận Bảo tồn di tích lịch sử (Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku) cho biết.

Đoàn viên, thanh niên tổ chức thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Di tích lịch sử Đền tưởng niệm liệt sĩ Hội Phú. Ảnh: Trần Dung

Đoàn viên, thanh niên tổ chức thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Di tích lịch sử Đền tưởng niệm liệt sĩ Hội Phú. Ảnh: Trần Dung

Ấm tình đồng đội

Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ tại xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh) là nơi 20 liệt sĩ đang nằm lại dưới ngôi mộ chung có hình ngôi sao vàng năm cánh. Tại nơi này, xưa kia là cứ điểm 42 Biển Hồ của Quân đoàn 2 ngụy. Nhằm làm thất bại âm mưu chiến lược của địch, Trung ương chỉ đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và Mặt trận Tây Nguyên tiêu diệt cứ điểm 42 Biển Hồ. Theo kế hoạch từ Bộ Chỉ huy Quân khu, Tiểu đoàn 20, bộ đội đặc công thuộc B3 đã anh dũng tập kích tiêu diệt cứ điểm 42.

Cùng chúng tôi thắp nén nhang thơm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, ký ức về trận chiến hào hùng của một đêm tháng 5-1972 lại ùa về trong tâm khảm ông Nguyễn Văn Rạng (84 tuổi, thôn 4, xã Nghĩa Hưng). Ông Rạng kể: Đêm ngày 5 và rạng sáng 6-5-1972, Tiểu đoàn 20 phối hợp với Nhân dân và bộ đội địa phương chia làm 3 mũi tấn công: 2 mũi thọc sâu đánh vào Sở chỉ huy Trung đoàn 45, mũi còn lại diệt khí tài của địch. Sau hơn 1 giờ chiến đấu, bộ đội ta đã san bằng cứ điểm 42-một trong những cứ điểm quan trọng của địch. Địch thiệt hại nặng nề: Sở chỉ huy Trung đoàn 45, 1 đại đội lính dù, 1 đại đội thám kích, 1 đại đội bảo an, 1 tiểu đoàn pháo 10 khẩu, 21 xe bọc thép, diệt 400 tên và bắt sống 12 tên địch.

Kho đạn của địch bị nổ, 20 chiến sĩ đặc công thuộc Tiểu đoàn 20 hy sinh không tìm được thi thể. Ngay hôm đó, bọn Mỹ-ngụy đã dùng xe ủi lấp thi thể các anh xuống chiến hào. “Đêm ấy, tôi cảm thấy như đất trời rung chuyển. Một đêm kinh hoàng với tiếng nổ chát chúa, tiếng trực thăng đảo liên hồi và rồi đồn địch bốc cháy ngút trời. Các chiến sĩ đặc công của ta anh dũng hy sinh mà thi thể không còn nguyên vẹn. Các anh đã hòa chung máu thịt với nhau nơi lòng đất thiêng liêng này”-ông Rạng nghẹn ngào.

Sau ngày đất nước thống nhất, người trông coi phần mộ đặc biệt này là ông Võ Văn Lượm (75 tuổi, thôn 8, xã Nghĩa Hưng). Ông Lượm kể: Trước đây, ngôi mộ chỉ là một ụ đất nhỏ. Hai mươi liệt sĩ cùng nhau nằm lại nơi này chưa xác định được tên, tuổi. Nhà ở sát bên cạnh phần mộ nên hàng ngày, ông cùng các con chăm sóc, hương khói cho các anh. Hai mươi liệt sĩ-mỗi người một cái tên, một ký ức và một quê hương khác nhau nhưng họ lại cùng nhau nằm trong ngôi mộ chung trên vùng đất họ đã chiến đấu. Tuổi trẻ và xương máu của các anh đã hòa làm một. “Để tưởng nhớ, người dân nơi đây đã lấy ngày 10-3 làm ngày giỗ của các anh. Nhân dân vẫn thắp nhang thờ cúng mỗi dịp lễ, Tết”-ông Lượm chia sẻ.

Ông Võ Văn Lượm là người trông coi Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ tại xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh. Ảnh: T.D

Ông Võ Văn Lượm là người trông coi Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ tại xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh. Ảnh: T.D

Sau khi đối chiếu tư liệu do Quân đoàn 3 cung cấp thì các anh mới được lấy lại tên của chính mình. Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ xã Nghĩa Hưng được khởi công xây dựng và khánh thành vào tháng 12-2011 trên diện tích 480 m2, gồm 2 hạng mục chính là Đền tưởng niệm và ngôi mộ chung được xây dựng theo hình ngôi sao vàng năm cánh. Ông Lượm được chính quyền địa phương tin tưởng giao trọng trách trông coi Nhà bia tưởng niệm.

Với ông Lượm, mỗi lần đón thân nhân các liệt sĩ tìm về ngôi mộ chung là mỗi lần ông không kìm được xúc động. Ông vẫn nhớ như in khoảnh khắc ông Đỗ Khắc Khiêm (71 tuổi, em trai của liệt sĩ Đỗ Khắc Chuyên) đã lặn lội từ huyện An Dương (TP. Hải Phòng) vào Gia Lai để tìm lại mộ phần người anh trai. Tháng 5-2011, ông Khiêm tìm về ngôi mộ chung này. “Anh em họ gặp nhau nhưng không thể cùng nhau về quê hương vì anh Chuyên đã nằm lại cùng đồng đội. Ông Khiêm đã khóc rất nhiều nhưng cũng tin rằng anh trai mình khi ở cùng đồng đội sẽ ấm áp hơn. Hiện nay, 9 liệt sĩ trong ngôi mộ chung này có người thân xác nhận”-ông Lượm bồi hồi.

Ông Huỳnh Trọng Quang-Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng-cho biết: “Trong hàng ngàn người con ra đi để bảo vệ Tổ quốc, có những người đã may mắn trở về, cũng có những người đã hóa thân vào đất mẹ. Dưới ngôi mộ chung hình sao vàng năm cánh, các anh đã trở thành bất tử. Chính quyền địa phương luôn quan tâm chăm sóc, tôn tạo để nơi đây luôn ấm áp và là điểm đến gợi nhắc cho bao thế hệ về quá khứ anh dũng, hào hùng của dân tộc”.

*

Thời gian thấm thoắt trôi. Cùng với sự vươn mình đổi thay của đất nước, những ngôi mộ chung được xây theo hình ngôi sao vàng năm cánh đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, là nơi đi-về của biết bao nhớ thương trong trái tim thân nhân cũng như đồng đội của các liệt sĩ...

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.