Nghi vấn Nga triển khai bom phi hạt nhân lớn nhất tại Ukraine

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Đoạn video mới công bố cho thấy lực lượng Nga tấn công một thị trấn của Ukraine, sử dụng thứ mà các nguồn tin ủng hộ Điện Kremlin tuyên bố là một trong những vũ khí phi hạt nhân mạnh nhất thế giới.

Sáng 1/10, các video bắt đầu lan truyền trên phương tiện truyền thông Nga và Ukraine về một "quả bom chân không" được thả xuống thị trấn Vovchansk ở tỉnh Kharkiv, đông bắc Ukraine.

Hãng thông tấn Ukraine InsiderUA đã đăng video lên kênh Telegram của mình, trích dẫn lời các blogger quân sự Nga cho biết quả bom là ODAB-9000, một quả bom lượn nặng ba tấn, còn được gọi là "cha của mọi loại bom".

Trong video, có thể thấy quả bom rơi xuống từ góc trên bên phải của màn hình, phát nổ trong thành phố vốn đã hoang tàn và làm hư hại các tòa nhà xung quanh.

Xem video lan truyền gây nghi ngờ xung quanh việc loại bom mạnh nhất thế giới đã được Nga sử dụng:

Một kênh Telegram ủng hộ Ukraine đã chia sẻ video nhưng cho biết loại vũ khí này là bom nhiệt áp ODAB-3000 và không có chuyện nó được sử dụng loại thuốc nổ mạnh hơn.

Bom nhiệt áp hoặc "chân không" hút oxy để tạo ra quá trình đốt cháy dữ dội ở nhiệt độ cao. Theo Tạp chí quốc tế của Hội Chữ thập đỏ, một tạp chí học thuật tập trung vào luật pháp quốc tế, việc sử dụng vũ khí nhiệt áp ở các khu vực dân sự là vi phạm luật pháp quốc tế.

Các blogger quân sự người Nga đã tiếp tục chia sẻ đoạn video và nhắc lại tuyên bố rằng vũ khí được sử dụng là ODAB-9000, "loại đạn phi hạt nhân mạnh nhất thế giới".

"Quyết định đã được đưa ra để sử dụng một thứ tuyệt vời ở Volchansk: Bom chân không ODAB-9000. Lần đầu tiên được sử dụng trong toàn bộ cuộc chiến", một kênh ủng hộ Nga viết, kèm theo video.

Tuy nhiên, kênh Telegram của Đơn vị tác chiến và chiến thuật (OTU) Kharkiv đã phản hồi các tuyên bố như vậy.

"Thông tin về việc lực lượng Nga bị cáo buộc sử dụng bom đường không ODAB-9000 ở Vovchansk là không đúng sự thật", kênh này cho biết trước khi trích dẫn một tuyên bố do người phát ngôn của OTU Kharkiv, ông Vitaliy Sarantsev đưa ra.

"Để sử dụng loại đạn dược này, cần có một phương tiện mang phù hợp, về mặt lý thuyết có thể là máy bay ném bom chiến lược Tu-160, nhưng không ghi lại được chuyển động của loại máy bay này", ông Sarantsev được trích dẫn lời nói. "Một loại đạn có trọng lượng và sức mạnh nhỏ hơn đã được sử dụng, vụ nổ của loại đạn này đã được những người tuyên truyền sử dụng để tạo ra một bức tranh 'hoành tráng'".

Ông Sarantsev cho biết cảnh quay về cuộc tấn công và tuyên bố sai rằng bom ODAB-9000 đã gây ra vụ nổ có thể nhằm mục đích làm lung lay tinh thần Lực lượng vũ trang Ukraine cũng như người dân địa phương.

Hiện nay, quân đội Nga cũng chưa bình luận chính thức về những thông tin liên quan đến các loại bom được sử dụng ở Kharkiv.

Cuộc tấn công của Nga vào Vovchansk diễn ra chỉ vài ngày sau khi quân đội của Moskva bị lực lượng Ukraine đánh bật khỏi nhà máy hóa chất Volchansky của thị trấn. Khu vực này sau đó đã phải chịu "phạm vi tối đa của vũ khí [Nga]", ông Sarantsev cho biết hôm 1/10.

Theo Tiến sĩ Sidharth Kaushal, Nghiên cứu viên về Sức mạnh Biển tại Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia (RUSI), video nói trên không làm rõ liệu quả bom thực sự là vũ khí nhiệt áp ODAB-9000 hay bom lượn FAB-9000.

Tuy nhiên, ông Kaushal cho biết việc sử dụng bom chân không ở Ukraine không phải là hiếm, chỉ ra rằng Nga đã từng sử dụng TOS-1 và TOS-2, các bệ phóng tên lửa có khả năng bắn đầu đạn nhiệt áp, cũng như ODAB-1500.

Bất kể mẫu bom chính xác là gì, vụ nổ tàn khốc này cho thấy tác động dữ dội của cuộc tấn công đang nhằm vào các thành phố của Ukraine.

Bom lượn dẫn đường chính xác, chẳng hạn như FAB-1500, đã được triển khai ở các khu vực phía đông Ukraine với tần suất ngày càng tăng kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu. Các quan chức Ukraine cũng cáo buộc Moskva sử dụng bom chân không trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột.

"Nga đang tăng cường hoạt động trên không và tên lửa của mình ở cả gần tiền tuyến và ở các khu vực phía sau", ông Kaushal nói với Newsweek. "Các cuộc tấn công bằng tên lửa ở phía sau tiền tuyến được thiết kế để gây căng thẳng cho mạng lưới năng lượng của Ukraine và làm cạn kiệt kho dự trữ tên lửa đánh chặn trước mùa đông".

Theo ông, những hoạt động gần tiền tuyến là kết quả của việc Lực lượng Không gian Vũ trụ Nga đang tranh thủ tình trạng Ukraine buộc phải ưu tiên phân bổ phòng không của mình. Bom lượn FAB của Nga, có thể được phóng "từ khoảng cách xa hơn (và do đó an toàn hơn), giảm thiểu rủi ro mà chúng phải đối mặt từ một số hệ thống phòng không trên mặt đất".

Do những cuộc tấn công này, việc nhắm vào các căn cứ không quân đã trở thành ưu tiên chính của Kiev và tạo thành một phần động lực khiến họ đang tích cực vận động cho việc sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Đáp lại, Moskva coi một bước đi như vậy là hành động leo thang căng thẳng từ phương Tây. Tổng thống Nga Putin mới đây đã công bố sửa đổi học thuyết hạt nhân Nga, theo đó đã hạ ranh giới cho phép Moskva sử dụng vũ khí hạt nhân - được cho là nhằm răn đe phương Tây liên quan đến việc sử dụng vũ khí tầm xa tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Hôm 12/9, Tổng thống Putin cảnh báo việc sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây chống Nga đồng nghĩa với việc các nước NATO sẽ trực tiếp tham gia vào các hoạt động quân sự ở Ukraine. Theo nhà lãnh đạo Nga, sự can dự này sẽ thay đổi đáng kể bản chất của cuộc xung đột và Moskva sẽ đưa ra các quyết định phù hợp dựa trên các mối đe dọa đang phải đối mặt.

Theo Thu Hằng/Báo Tin tức

Có thể bạn quan tâm

Cận kề ngày Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để tấn công Nga và phản ứng của các nước

Cận kề ngày Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để tấn công Nga và phản ứng của các nước

(GLO)- Sau khi tổng thống Biden quyết định cho Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga, Anh và Pháp cũng liền có động thái tương tự. Một số nguồn tin dự đoán vài ngày tới có thể Ukraine sẽ tiến hành những đợt tấn công đầu tiên vào đối phương với tên lửa có tầm bắn tới 306 km.

Triều Tiên tố Hàn Quốc chuyển những thứ rác rưởi sang lãnh thổ của mình

Triều Tiên tố Hàn Quốc chuyển những thứ rác rưởi sang lãnh thổ của mình

(GLO)- Lâu nay, hoạt động tuyên truyền của Hàn Quốc và thả rác thải của Triều Tiên gây nên mâu thuẫn và căng thẳng giữa 2 nước. Tuy nhiên mới đây, đến lượt Triều Tiên tố Hàn Quốc sử dụng truyền đơn và đồ dùng mà Bình Nhưỡng gọi là rác rưởi sang lãnh thổ của mình với mục đích chống phá.

Đức xuống nước thừa nhận sai lầm, Tổng thống Trump nói Nga và Ukraine phải dừng lại

Đức xuống nước thừa nhận sai lầm, Tổng thống Trump nói Nga và Ukraine phải dừng lại

(GLO)- Hãng tin Reuters ngày 15/11 đưa tin Thủ tướng Đức Scholz trong cuộc phỏng vấn với báo Sueddeutsche Zeitung, thừa nhận Đức phải thay đổi mức chi tiêu để ứng phó với "tình trạng khẩn cấp về tài chính" do xung đột ở Ukraine gây ra, sau khi phe đối lập trung hữu đề cập chính sách "phanh nợ".