Ngành Y tế Mang Yang gặp khó vì thiếu bác sĩ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều năm liền, huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) không tuyển dụng được bác sĩ. Gần đây, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, bệnh nhân đông nên đội ngũ y-bác sĩ luôn trong tình trạng quá tải.
Hơn 5 năm không tuyển được bác sĩ
Trung tâm Y tế huyện Mang Yang có 1 bệnh viện trực thuộc và 12 trạm y tế, trong đó, bệnh viện có 75 giường bệnh và 60 giường tại 12 trạm y tế. Hiện nay, Bệnh viện huyện chỉ có 20 bác sĩ và chỉ 6 trạm y tế có bác sĩ. Trung tâm Y tế huyện còn thiếu khoảng 20 bác sĩ để đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, việc tuyển dụng bác sĩ nhiều năm qua luôn là bài toán nan giải.
Bác sĩ Đồng Văn Chín-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện-cho biết: Hơn 5 năm qua, huyện không tuyển dụng được bác sĩ nào dù có chỉ tiêu. Thiếu bác sĩ nên công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến các y-bác sĩ vừa thực hiện nhiệm vụ phòng-chống dịch, vừa khám-chữa bệnh thông thường.
Bác sĩ Khoa Khám bệnh-Hồi sức cấp cứu (Trung tâm Y tế huyện Mang Yang) thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện
Bác sĩ Khoa Khám bệnh-Hồi sức cấp cứu (Trung tâm Y tế huyện Mang Yang) thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện
Thời điểm chưa có dịch bệnh, trung bình một ngày, Bệnh viện huyện phục vụ cho trên 200 lượt bệnh nhân. Hiện nay, Bệnh viện thực hiện khám-chữa bệnh cho khoảng 100 lượt người/ngày. Tuy số bệnh nhân giảm nhưng công việc lại tăng vì đội ngũ bác sĩ phải tăng cường phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19 nói riêng và các dịch bệnh khác nói chung.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Toàn-Phó Trưởng khoa Khám bệnh-Hồi sức cấp cứu (Trung tâm Y tế huyện Mang Yang) cho hay: Khoa hiện có 4 bác sĩ và 4 điều dưỡng viên phục vụ khám-chữa bệnh ban đầu và các trường hợp cấp cứu. Khoa có 2 buồng khám thường xuyên và buồng cấp cứu có 9 giường bệnh thực kê (kế hoạch là 5 giường). “Vì vừa đảm nhiệm khám và cấp cứu nên Khoa cần phải bổ sung ít nhất 2 bác sĩ. Giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, chúng tôi phân công nhau làm việc, động viên mỗi người cố gắng để hoàn thành trọng trách được giao. Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương có chính sách, chế độ đãi ngộ để thu hút bác sĩ về công tác, góp phần chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân trên địa bàn”-bác sĩ Toàn chia sẻ.   
Cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực
Theo biên chế, Khoa Nội-Nhi-Nhiễm (Trung tâm Y tế huyện Mang Yang) có 37 giường bệnh nhưng thực kê 45 giường vì số bệnh nhân luôn tăng cao, chưa kể bệnh nhân mới nhập viện mỗi ngày. Bác sĩ Võ Thị Thanh Nhị-Phó Trưởng khoa Nội-Nhi-Nhiễm thông tin: Khoa đang thiếu người nên 3 bác sĩ vừa khám điều trị, vừa làm bệnh án, sổ sách, giấy tờ… “Gần 10 năm qua, không có bác sĩ nào về công tác tại Khoa. Thiếu bác sĩ nên chúng tôi chia nhau làm thêm việc. Ngoài khám-chữa bệnh thông thường, Khoa còn bố trí khu cách ly, điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Đó là chưa kể cao điểm của dịch sốt xuất huyết có khi trên 70 bệnh nhân điều trị cùng lúc. Chúng tôi mong được tăng cường thêm người để nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh”-bác sĩ Nhị nói.
Ước tính Trung tâm Y tế huyện Mang Yang còn thiếu khoảng 20 bác sĩ. Ảnh: Như Nguyện
Ước tính, Trung tâm Y tế huyện Mang Yang còn thiếu khoảng 20 bác sĩ. Ảnh: Như Nguyện
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mang Yang cho biết: “Vừa qua, 1 bác sĩ nộp đơn xin nghỉ việc và 1 trường hợp xin chuyển công tác. Chúng tôi cố thuyết phục, vận động nhưng không giữ được. Tình trạng thiếu bác sĩ, nhất là người có trình độ chuyên môn cao đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Để khắc phục, Trung tâm chú trọng công tác đào tạo tại chỗ, cử nhân lực đi học lên bác sĩ cũng như đào tạo chuyên khoa sâu sau đại học. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài cần tuyển dụng, thu hút bác sĩ về công tác tại huyện”.
Cũng theo bác sĩ Chín, hiện nay, bác sĩ trẻ không muốn về cơ sở công tác vì không có điều kiện để nâng cao tay nghề và mức thu nhập thấp. Trong khi đó, nhiều bệnh viện ngoài công lập có môi trường làm việc tốt, chế độ đãi ngộ cao. Vấn đề đặt ra hiện nay là ngoài chế độ đãi ngộ còn phải định hướng phát triển lâu dài để đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu khám-chữa bệnh cho người dân tuyến huyện, xã.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Thuốc lá là nguyên nhân dẫn đến hơn 100.000 ca tử vong mỗi năm tại Việt Nam. Ảnh nguồn moh.gov.vn

Mỗi năm, Việt Nam có hơn 103.000 người tử vong liên quan đến thuốc lá

(GLO)- Mới đây, tại tọa đàm “Ảnh hưởng của ngành thuốc lá tới môi trường và biến đổi khí hậu tại Việt Nam-Thực trạng và giải pháp” do Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp với Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu tổ chức ở Hà Nội, các chuyên gia thông tin:

Gia Lai tăng tốc chiến dịch tiêm vắc xin phòng-chống dịch sởi

Gia Lai tăng tốc chiến dịch tiêm vắc xin phòng-chống dịch sởi

(GLO)- Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, tỉnh Gia Lai khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng-chống dịch sởi, phấn đấu hoàn thành vào 31-3-2025. Mục tiêu chung của chiến dịch là tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi.

TP. HCM: Bắt đầu công bố hết dịch sởi

TP. HCM: Bắt đầu công bố hết dịch sởi

Sáng 27-3, Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện có 22 phường, xã thuộc Quận 1, 4 và huyện Củ Chi đủ điều kiện công bố hết dịch sởi, Sở Y tế đã có báo cáo và đề nghị UBND TPHCM ban hành quyết định công bố hết dịch sởi tại các phường xã này theo quy định.

Phú Thiện triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng-chống dịch sởi

Phú Thiện triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng-chống dịch sởi

(GLO)- Từ ngày 26-3 đến 31-3-2025, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng-chống dịch sởi với mục tiêu chung tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng nhằm chủ động phòng-chống dịch sởi, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi trên địa bàn huyện.