Theo đó, tiếp tục quán triệt quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên về quan điểm “GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội” ở địa phương, đơn vị; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong tình hình mới.
Khắc phục ngay những hạn chế, tồn tại: công tác phát triển đảng viên trong toàn ngành giáo dục; giáo dục kiến thức xã hội, giáo dục tâm lý học đường; đổi mới phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh; công tác quản lý cơ sở vật chất, tài chính của từng cơ sở giáo dục; đồng thời, thường xuyên kiện toàn, bổ sung đội ngũ giáo viên để đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Cần ưu tiên đầu tư cho giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Ảnh: Mộc Trà |
Các cơ quan, đơn vị rà soát toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác; đặc biệt, chú trọng khắc phục các hạn chế, tồn tại liên quan đến các nội dung: công tác lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới giáo dục và đào tạo; đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD-ĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả GD-ĐT; công tác quản lý GD-ĐT, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở GD-ĐT, coi trọng quản lý chất lượng; công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị quan tâm, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, giáo dục, phù hợp với nội dung chương trình và thời đại công nghệ hiện nay; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học. Đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả GD-ĐT, bảo đảm trung thực, khách quan. Tăng cường kiểm định chất lượng các cơ sở GD-ĐT và các chương trình đào tạo.
Ngoài ra, quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng tinh gọn, chất lượng; từng bước chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, tập trung rà soát đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên để thực hiện việc sắp xếp bố trí lại bộ máy, nhân lực phù hợp với vị trí việc làm, quy mô trường lớp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tăng cường công tác quản lý cơ sở vật chất, tài chính, tài sản, phương tiện học tập ở các cơ sở giáo dục; duy trì sĩ số học sinh.
Ngành Giáo dục các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành Tài chính nghiên cứu, tham mưu cơ chế quản lý để triển khai mô hình bán trú (đối với những địa bàn chưa đủ điều kiện) nhằm duy trì việc đến trường, đến lớp đối với học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng có địa hình, giao thông đi lại khó khăn. Tham mưu chính quyền địa phương quan tâm đầu tư, củng cố, hoàn thiện cơ sở vật chất, xây dựng cơ sở hạ tầng trường học từ nguồn ngân sách Nhà nước và từ nguồn xã hội hóa đáp ứng cho việc đổi mới giáo dục ở các cấp học, bậc học; ưu tiên đầu tư cho giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp GD-ĐT; trong đó, chú trọng phát triển hệ thống trường, lớp ngoài công lập ở những nơi có điều kiện.