Ngành Công thương: Đẩy mạnh phát triển thương mại trong nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Nhằm mở rộng thị trường cho các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại phát triển hệ thống phân phối hàng hóa hiệu quả, văn minh, hiện đại cũng như định hướng sản xuất thích ứng nhanh với những thay đổi của thị trường, ngành Công thương tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Phấn đấu đóng góp khoảng 15-15,5% vào GRDP

Những năm qua, ngành thương mại của tỉnh được quan tâm đầu tư và có bước phát triển theo hướng mở rộng liên kết, hợp tác gắn với thị trường nhằm tổ chức tốt lưu thông hàng hóa, tạo nguồn cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm cho sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Quy mô hạ tầng thương mại không ngừng được mở rộng. Hiện toàn tỉnh có 102 chợ, trong đó có 1 chợ hạng 1, 12 chợ hạng 2, 70 chợ hạng 3 và 19 chợ tạm; chưa có chợ đầu mối đạt chuẩn thực hiện công năng phát luồng hàng hóa đến các cơ sở chế biến, các nhà xuất khẩu, chi phối thị trường bán lẻ trong và ngoài tỉnh. Trên địa bàn còn có 18 siêu thị (9 siêu thị chuyên doanh, 9 siêu thị tổng hợp) và 170 cửa hàng tiện lợi với phương thức phục vụ văn minh, thuận tiện, cơ cấu chủng loại hàng hóa phong phú, đa dạng, thỏa mãn nhu cầu mua sắm của người dân. Hệ thống cửa hàng xăng dầu được mở rộng với 422 cửa hàng bán lẻ phân bố rộng khắp ở các vùng trong tỉnh.

Các điểm bán sản phẩm OCOP và hàng Việt Nam tạo thuận lợi cho người dân nông thôn được tiếp cận mua sắm sản phẩm có chất lượng tốt. Ảnh: V.T

Các điểm bán sản phẩm OCOP và hàng Việt Nam tạo thuận lợi cho người dân nông thôn được tiếp cận mua sắm sản phẩm có chất lượng tốt. Ảnh: V.T

Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt hơn 89.642 tỷ đồng (tăng hơn 19% so với năm 2021). Việc phát triển mạng lưới phân phối riêng thông qua đại lý ủy thác và các nhà phân phối lớn được chú trọng, góp phần thúc đẩy sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Tại khu vực thành thị xuất hiện ngày càng nhiều cửa hàng quy mô lớn, cửa hàng chuyên doanh với hàng hóa có chất lượng cao và một số thương hiệu uy tín. Tuy nhiên, thị trường nông thôn, miền núi hiện nay vẫn tồn tại phổ biến các loại hình bán lẻ truyền thống (chợ, hộ bán lẻ), loại hình cửa hàng tự chọn hay các siêu thị chưa nhiều.

Cùng với sự phát triển của thương mại truyền thống, thương mại điện tử của tỉnh có sự tăng tốc mạnh mẽ. Doanh số giao dịch thương mại điện tử hàng năm tăng khoảng 15%, chiếm 4% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh. Năm 2023, chỉ số thương mại điện tử của Gia Lai đạt 13,6 điểm, xếp thứ 38/63 tỉnh, thành phố (tăng 2 bậc so với năm 2022, tăng 6 bậc so với năm 2021) và xếp thứ 3/5 tỉnh Tây Nguyên (sau Lâm Đồng và Đak Lak).

Đánh giá thực trạng phát triển ngành thương mại dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương-cho hay: “Thời gian qua, tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực xã hội để từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ các hoạt động thương mại, tạo điều kiện cho các chủ thể kinh doanh thương mại liên kết tham gia trao đổi, mua bán trên thị trường, định hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững. Hoạt động thương mại nội địa giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng GRDP và ổn định kinh tế của tỉnh. Đây cũng là ngành hỗ trợ trực tiếp cho phát triển các ngành sản xuất cả trên phương diện cung ứng và tiêu thụ hàng hóa, là yếu tố quan trọng để phát triển các ngành sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần tạo diện mạo thị trường văn minh, hiện đại. Từ đó, giúp tăng cường các mối quan hệ kinh tế và nâng cao vị thế của mình trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, ngành Công thương đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại, hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; kết nối cung cầu; nâng cao khả năng quản lý trên các mô hình công nghệ số thông qua việc ứng dụng thương mại điện tử. Đồng thời, chú trọng phát triển thị trường nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tạo điều kiện cho các chủ thể kinh doanh thương mại liên kết tham gia trao đổi, mua bán trên thị trường, định hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững”.

Các siêu thị điện máy đã phát triển tại nhiều địa phương trong tỉnh, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Ảnh: V.T

Các siêu thị điện máy đã phát triển tại nhiều địa phương trong tỉnh, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Ảnh: V.T

Kế hoạch thực hiện Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trên địa bàn tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, giá trị tăng thêm của ngành thương mại đạt bình quân khoảng 9-9,5%/năm, đóng góp khoảng 15-15,5% vào GRDP của tỉnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn đạt tốc độ tăng bình quân 13,47%/năm, tương ứng khoảng 140 ngàn tỷ đồng vào năm 2025 và khoảng 239 ngàn tỷ đồng vào năm 2030; doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm khoảng 10,5-11% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; phấn đấu giai đoạn 2021-2030 có trên 40% các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Đến năm 2045, kết cấu hạ tầng thương mại được hiện đại hóa và 100% hệ thống hạ tầng thương mại khu vực thành thị vận hành dựa trên áp dụng công nghệ số hóa; ngành thương mại đóng góp khoảng 15,5-15,7% vào GRDP của tỉnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2031-2045 đạt tốc độ tăng bình quân 13,49%/năm.

Nhiều giải pháp triển khai thực hiện

Trên cơ sở định hướng và mục tiêu đề ra, Sở Công thương với vai trò, nhiệm vụ của mình đã và đang triển khai nhiều nhóm giải pháp thực hiện. Theo bà Đào Thị Thu Nguyệt, Sở sẽ tập trung đề xuất hoàn thiện chính sách và quản lý hoạt động thương mại theo đúng cơ chế thị trường. Triển khai đồng bộ Đề án đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng tới 2030; Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa giai đoạn 2021-2025.

Phát triển doanh nghiệp phân phối, gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa, phát huy kết nối cung cầu hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi phân phối sản phẩm Việt Nam tại thị trường trong và ngoài tỉnh. Tăng cường kết nối, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, kết nối cung cầu sản phẩm vùng miền qua các chương trình kết nối giao thương giữa tỉnh Gia Lai và các tỉnh, thành trên cả nước... để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa và tìm kiếm đối tác, hợp tác phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa.

Hệ thống cửa hàng xăng dầu được mở rộng ở khắp các vùng trong tỉnh. Ảnh: Đ.T

Hệ thống cửa hàng xăng dầu được mở rộng ở khắp các vùng trong tỉnh. Ảnh: Đ.T

“Bên cạnh đó, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại qua việc đẩy mạnh công tác phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng, khai thác chợ; tập trung cải tạo, nâng cấp các chợ đô thị tại trung tâm huyện, thị xã, thành phố hiện có và nâng cao chất lượng dịch vụ; nhân rộng mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm; đầu tư phát triển các cửa hàng tiện lợi, tạp hóa, cửa hàng xăng dầu, khí hóa lỏng; kêu gọi thu hút đầu tư phát triển các loại hình siêu thị, cửa hàng tiện lợi, máy bán hàng tự động…; xây dựng các điểm bán sản phẩm OCOP và điểm bán hàng Việt Nam.

Phát triển thương mại điện tử, các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hóa; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam; hỗ trợ đào tạo kỹ năng kinh doanh thương mại điện tử; hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, chuẩn hóa quy trình đối với hàng hóa xuất-nhập khẩu.

Ngoài ra, tăng cường phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển thương mại; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin dự báo xu hướng của thị trường nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời ứng phó với những đột biến bất lợi của thị trường; nâng cao năng lực quản lý nhà nước, hiệu quả thực thi pháp luật về hoạt động thương mại; nâng cao ý thức, đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trong các hoạt động thương mại”-Phó Giám đốc Sở Công thương thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.