Ngân hàng Chính sách Xã hội tháo gỡ khó khăn cho khách hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với việc tranh thủ nguồn vốn trung ương để đáp ứng nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai đã tập trung rà soát thực hiện gia hạn nợ, khoanh nợ đối với các trường hợp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.


Thời gian qua, hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp chính quyền địa phương, các hội đoàn thể nhận ủy thác rà soát các khách hàng gặp khó khăn, rủi ro do dịch Covid-19 để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Ông Trần Thanh Nghị-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Kông Chro-cho biết: “Hiện nay, giá cả một số mặt hàng nông sản xuống thấp nên ảnh hưởng đến thu nhập của bà con lẫn khả năng trả lãi, trả nợ. Do đó, chúng tôi thường xuyên cập nhật, rà soát tình hình của khách hàng để kịp thời đề xuất giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn như thực hiện gia hạn thời gian trả nợ, tái cấp vốn để khôi phục hoạt động sản xuất”.

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phú Thiện giải ngân vốn vay cho người dân xã Chư A Thai. Ảnh: Sơn Ca
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phú Thiện giải ngân vốn vay cho người dân xã Chư A Thai. Ảnh: Sơn Ca

Tình hình dịch bệnh kéo dài từ đầu năm 2021 đến nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến người nghèo, hộ vay đồng bào dân tộc thiểu số vốn là đối tượng yếu thế trong xã hội. Để góp phần chia sẻ với khách hàng, thời gian vừa qua, các đơn vị thuộc hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã đồng hành hỗ trợ bà con vượt khó khăn. Ông Djrung (làng Bot Grek, xã Hnol, huyện Đak Đoa) cho hay: 3 năm trước, ông vay 50 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ nghèo để đầu tư trồng 0,6 ha cà phê. Do nguồn thu nhập từ vườn cà phê chưa ổn định cộng thêm tình hình dịch bệnh nên ông không thể trả nợ đúng kỳ hạn. “Vừa qua, đến kỳ hạn trả nợ ngân hàng nhưng tôi chưa có đủ điều kiện để trả. Rất may, mới đây, Ngân hàng, Hội Nông dân xã đã kiểm tra và làm thủ tục cho gia đình tôi được gia hạn thời gian trả nợ thêm 30 tháng nữa”-ông Djrung giãi bày.

Không chỉ gia hạn nợ cho bà con, nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục là “đòn bẩy” giúp bà con khôi phục sản xuất, vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh. Ông Byên (làng Odeh, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa) phấn khởi cho biết: “Năm 2017, tôi vay vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để đầu tư trồng hơn 1.300 cây cà phê. Vườn cà phê hiện đã cho thu hoạch nhưng năng suất thấp. Sau khi nắm bắt tình hình thực tế, Ngân hàng tiếp tục cho vay 100 triệu đồng theo chương trình hộ mới thoát nghèo. Có vốn, tôi tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng vườn cà phê”.
 
Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã tập trung triển khai các chương trình tín dụng chính sách nhằm tạo động lực góp phần phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Doanh số cho vay 5 tháng đầu năm của hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đạt gần 1.300 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt 5.143 tỷ đồng (tăng 247,4 tỷ đồng so với đầu năm) với 141.413 khách hàng dư nợ. Đồng thời, để hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn, Ngân hàng thường xuyên chỉ đạo các phòng giao dịch huyện, thị xã cập nhật sát sao những trường hợp vay vốn bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan như thiên tai, dịch bệnh; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể hướng dẫn khách hàng vay lập hồ sơ đề nghị xử lý rủi ro. Thông qua đó, Ngân hàng đã lập hồ sơ đề nghị xử lý rủi ro 2 đợt, gia hạn nợ gần 55 tỷ đồng với 1.774 hộ vay; khoanh nợ 645 triệu đồng với 20 hộ vay.

Ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh-nhấn mạnh: “Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội tranh thủ nguồn vốn trung ương để tập trung giải ngân vốn tín dụng đảm bảo nhu cầu sản xuất của khách hàng. Đồng thời, đơn vị chủ động thực hiện các biện pháp hỗ trợ như gia hạn nợ, khoanh nợ giúp khách hàng vượt qua khó khăn do dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,13% tổng dư nợ. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng cho vay, nâng mức hạn cho vay đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển sản xuất của người dân, phục vụ tốt mục tiêu giảm nghèo”.

SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Ứng dụng thuế điện tử (eTax). Ảnh: Internet

Toàn bộ hệ thống thuế điện tử chính thức hoạt động trở lại

(GLO)- Theo thông tin Ban Công nghệ, chuyển đổi số và tự động hóa (Cục Thuế) cho biết, từ 8 giờ ngày 17-3, toàn bộ hệ thống thuế điện tử sau một thời gian tạm dừng (từ 17 giờ ngày 12-3 đến 8 giờ ngày 17-3) để phục vụ nâng cấp, chuyển đổi các danh mục của cơ quan thuế đã chính thức hoạt động trở lại.

Theo công bố của Cục Thuế tỉnh Gia Lai, có 83.053 hóa đơn điện tử đủ điều kiện tham gia kỳ lựa chọn "Hóa đơn may mắn" quý III năm 2024. Ảnh: Sơn Ca

Gia Lai có 334 người nộp thuế đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền

(GLO)- Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế (trước đây) về việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, trong năm 2024, toàn tỉnh Gia Lai có 334 người nộp thuế đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Bắt kịp xu thế

Bắt kịp xu thế

Liên quan quản lý tiền kỹ thuật số (tiền số, 'tiền ảo'), Tổng Bí thư Tô Lâm vừa nhấn mạnh không để chậm chân, không để mất cơ hội, không tạo khoảng cách hoặc khu biệt với các hình thái tài chính mới cũng như những phương thức giao dịch hiện đại.

Ưu đãi lãi vay thôi chưa đủ

Ưu đãi lãi vay thôi chưa đủ

Lãi vay thấp, thời hạn vay dài là điều kiện quá tốt để người trẻ nói riêng và người có thu nhập thấp nói chung sở hữu một chỗ an cư. Thế nhưng chỉ ưu đãi lãi vay thôi thì chưa đủ mà cần có thêm nhiều biện pháp đồng bộ khác nữa thì cung - cầu trên thị trường bất động sản mới có thể gặp nhau.