Ngân hàng Chính sách Xã hội đồng hành cùng nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Chư Sê luôn quan tâm hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vay vốn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình, góp phần nâng cao thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội.
Hỗ trợ vốn để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của gia đình anh Nguyễn Thế Nhân (thôn 6, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) là một ví dụ điển hình cho thấy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách. Trước đây, gia đình anh Nhân thu nhập chủ yếu từ vườn hồ tiêu. Tuy nhiên, tình trạng hồ tiêu nhiễm bệnh cộng với giá giảm mạnh khiến gia đình anh lâm vào cảnh khó khăn. Năm 2017, anh được Hội Nông dân xã đứng ra tín chấp với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện vay 50 triệu đồng để chuyển đổi từ trồng hồ tiêu sang nuôi gà lấy trứng. Anh Nhân cho biết: Sau khi được vay vốn, tôi đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi 1.000 con gà. Chỉ sau 6 tháng, đàn gà đã cho thu hoạch 800-850 quả trứng/ngày. Trừ các khoản chi phí, mỗi ngày tôi thu khoảng 400 ngàn đồng. Ngoài ra, tôi còn tận dụng nguồn phân gà để bán cho các hộ trồng trọt trên địa bàn xã. Nhờ đó, chỉ sau 1 năm, cuộc sống của gia đình đã bớt khó khăn”.
Gia đình anh Rơ Lan Hòa (làng Nhă, xã Ia Blang) trước đây cũng hết sức khó khăn. Năm 2014, anh được Hội Nông dân xã đứng ra tín chấp với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện vay 30 triệu đồng để phát triển sản xuất. Anh Hòa tâm sự: “Sau khi vay được vốn, tôi mua bò về nuôi. Từ 4 con bò giống ban đầu, sau 4 năm, đàn bò của gia đình tôi đã tăng lên 15 con”. Kinh tế của gia đình anh theo đó cũng thay đổi, không chỉ thoát nghèo mà còn hướng đến làm giàu. Hiện tại, ngoài chăn nuôi bò, anh Hòa đã tái canh được 1 ha cà phê và chăm sóc 800 trụ hồ tiêu. Tổng thu nhập mỗi năm của gia đình anh đạt gần 100 triệu đồng.
 Mô hình nuôi gà của gia đình anh Nguyễn Thế Nhân (thôn 6, xã Ia Blang). Ảnh: N.S
Mô hình nuôi gà của gia đình anh Nguyễn Thế Nhân (thôn 6, xã Ia Blang). Ảnh: N.S
Ông Hồ Sỹ Thuần-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Sê-thông tin: Thời gian qua, Hội Nông dân huyện đã làm tốt vai trò cầu nối giữa Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện với các hội viên, tạo điều kiện cho họ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, nhân rộng các mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Đến nay, toàn huyện có 96 tổ tiết kiệm và vay vốn của các cấp Hội Nông dân với tổng dư nợ hơn 100 tỷ đồng cho 4.300 hộ vay. Nhờ được hỗ trợ vốn và sử dụng vốn vay có hiệu quả nên nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo. 
Đồng hành cùng nông dân phát triển sản xuất
Ông Huỳnh Tấn Long-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Sê-cho biết: Xác định nhiệm vụ trọng tâm là đồng hành, hỗ trợ người nghèo vươn lên, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, chủ động triển khai đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến từng gia đình. Trong 3 tháng đầu năm 2019, doanh số cho vay của đơn vị đạt hơn 41,5 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ lên 307,4 tỷ đồng. Nguồn vốn đã ưu tiên cho vay các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, các xã có đề án giảm nghèo, xã về đích nông thôn mới năm 2018. Toàn huyện đã có 1.400 lượt hộ được vay vốn, trong đó 1.200 hộ được tạo việc làm và duy trì việc làm từ các chương trình cho vay sản xuất; có gần 500 công trình nước sạch được xây dựng, hơn 300 sinh viên được vay vốn theo học các trường trung cấp, đại học.
Ngoài ra, trong năm 2018, đơn vị đã giải ngân hơn 100,1 tỷ đồng cho 3.365 lượt khách hàng; xây dựng 1.228 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; tạo việc làm cho 120 lao động từ cho vay giải quyết việc làm; giải ngân cho sinh viên đi học gần 6,5 tỷ đồng. Kết quả hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng giúp 1.061 hộ thoát nghèo, 857 hộ thoát cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện cuối năm 2018 đã giảm 3,29% so đầu năm...
“Thời gian tới, đơn vị sẽ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ưu tiên nguồn vốn cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số; tranh thủ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH cấp trên và nguồn vốn ủy thác của địa phương để kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ nghèo; phối hợp chính quyền cơ sở, các đoàn thể làm tốt công tác rà soát, đảm bảo cho vay đúng đối tượng, đồng thời tập trung tuyên truyền về chính sách cho vay mới theo Quyết định số 12/QĐ-HĐQT của Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH là nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng/hộ, thời gian cho vay tối đa 120 tháng. Từ đó, đẩy lùi “tín dụng đen” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tạo động lực giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững”-ông Huỳnh Tấn Long cho biết thêm.
 NGỌC SANG

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Lấy ý kiến góp ý dự thảo Quyết định quy định mức nộp tiền khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất

Gia Lai: Lấy ý kiến góp ý dự thảo Quyết định quy định mức nộp tiền khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất

(GLO)- Sở Tài chính tỉnh Gia Lai vừa có văn bản về việc lấy ý kiến góp ý dự thảo Quyết định quy định mức nộp tiền khi được nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Gia Lai: Quy định thẩm quyền quyết định việc đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng CNTT

Gia Lai: Quy định thẩm quyền quyết định việc đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng CNTT

(GLO)- Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Nghị quyết số 95/2024/NQ-HĐND quy định thẩm quyền quyết định việc đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh.

Giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh

Giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh

Giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục vào thứ Năm và đang hướng đến tháng tốt nhất trong bảy tháng do nhu cầu trú ẩn an toàn trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, trong khi các nhà đầu tư chờ đợi báo cáo lạm phát của Mỹ để biết manh mối về lộ trình lãi suất.