Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine nhưng không từ bỏ các điều kiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Đại sứ Nga tại Anh cho biết Nga sẵn sàng đàm phán hòa bình với Ukraine nhưng không có đe dọa từ Ukraine với Nga và người Nga ở Ukraine sẽ được đối đãi giống như tất cả các quốc gia khác trên thế giới.
Đại sứ Nga tại Anh Andrei Kelin. (Nguồn: PA)

Đại sứ Nga tại Anh Andrei Kelin. (Nguồn: PA)

Nga sẵn sàng đàm phán hòa bình với Ukraine nhưng sẽ không từ bỏ các điều kiện của mình là phát biểu mới của Đại sứ Nga tại Anh Andrei Kelin khi trả lời phỏng vấn hãng BBC ngày 28/5.

Hãng tin TASS dẫn lời đại sứ Kelin nêu rõ Nga muốn hòa bình nhưng tất nhiên là với một số điều kiện cụ thể. Với Nga, có 2 điều quan trọng. Đầu tiên đó là không có đe dọa từ Ukraine với Nga. Thứ hai là người Nga ở Ukraine sẽ được đối đãi giống như tất cả những quốc gia khác trên thế giới, "giống như người Pháp được đối đãi ở Bỉ hoặc như người Italy và người Đức được đối đãi ở Thụy Sĩ".

Ông Kelin bày tỏ quan ngại về những diễn biến ở Ukraine trong những năm gần đây như "chủ nghĩa dân tộc cực đoan".

Ông Kelin nêu rõ hòa bình có thể đạt được trong ngày mai nếu phía Ukraine chuẩn bị để đàm phán nhưng ông lo ngại chưa có tiền đề cho điều này.

Nhà ngoại giao Nga cũng không tin rằng việc chỉ dừng xung đột là một ý tưởng tốt vì điều đó không tạo nền tảng cho nền hòa bình ổn định và lâu dài ở châu Âu.

Đại sứ Nga tại Anh tái khẳng định Moskva không có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân trong xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, ông lo ngại về tình trạng xung đột không ngừng leo thang, đề cập tới các hoạt động cung ứng vũ khí cho Kiev đang được tăng tốc.

Trước đó, ngày 26/5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin cho biết việc Ukraine từ chối gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU), trở lại trạng thái trung lập là một trong những điều kiện để đạt được hòa bình.

Thứ trưởng Galuzin nêu rõ Nga tin rằng chỉ có thể đạt được một giải pháp nếu Lực lượng Vũ trang Ukraine chấm dứt sự thù địch và phương Tây ngừng cung cấp vũ khí.

Để đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài, Ukraine phải trở lại tình trạng trung lập không liên kết, được khẳng định trong Tuyên bố chủ quyền quốc gia năm 1990, và từ chối gia nhập hai cơ chế trên.

Trước đó, Nga nhiều lần nêu rõ việc phương Tây cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí mới, trong đó có máy bay chiến đấu, sẽ không thể thay đổi căn bản diễn biến của chiến dịch quân sự đặc biệt.

Điều đó khiến phương Tây ngày càng tham gia vào cuộc xung đột cũng như kéo theo nhiều nguy cơ. Nga nhấn mạnh điều này đòi hỏi Moskva có những biện pháp phòng ngừa nhất định.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 27/5 cho biết, phát biểu trong cuộc gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Moskva, Đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu Lý Huy nêu rõ: "Dựa trên các điều khoản của văn kiện 'Lập trường của Trung Quốc về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine', Bắc Kinh sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác và đối thoại với tất cả các bên, bao gồm cả Nga, và nỗ lực thực sự vì một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine".

Ông khẳng định Trung Quốc luôn kiên trì lập trường công bằng và khách quan về Ukraine, theo đuổi hòa bình và thúc đẩy đàm phán.

Có thể bạn quan tâm