Nâng hạn mức tín dụng chính sách: Trao thêm "cần câu" cho người nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ ngày 1-3-2019, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) Việt Nam chính thức nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ vay phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng mỗi hộ. Điều này giúp nhiều hộ dân ở huyện Phú Thiện có thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Trước đây, với định mức cho vay hộ nghèo của Ngân hàng CSXH là 50 triệu đồng/hộ, gia đình chị Siu Guai (tổ 1, thị trấn Phú Thiện) phải vay mượn thêm từ anh em, bạn bè mới đủ kinh phí đầu tư phát triển sản xuất. Khi định mức cho vay hộ nghèo được nâng lên, gia đình chị rất phấn khởi vì chủ động hơn về nguồn vốn đầu tư chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Chị Guai cho biết: “Lần này, tôi cũng như các gia đình khác được ngân hàng cho vay đến 100 triệu đồng. Tôi rất vui vì có thêm tiền để đầu tư chăn nuôi, thuê thêm đất trồng lúa, mì hay mua thêm máy móc phục vụ sản xuất”.
 Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phú Thiện giải ngân vốn cho khách hàng tại điểm giao dịch xã Chư A Thai. Ảnh: P.N
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phú Thiện giải ngân vốn cho khách hàng tại điểm giao dịch xã Chư A Thai. Ảnh: P.N
Cũng như gia đình chị Siu Guai, năm 2016, bà Rmah HBiên (tổ 16, thị trấn Phú Thiện) được Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để mua bò sinh sản. Đến nay, gia đình bà HBiên đã có cuộc sống ổn định và là một trong những hộ tiêu biểu sử dụng vốn vay chính sách đúng mục đích, hiệu quả. Bà HBiên chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi đã vay vốn từ ngân hàng để mua bò về nuôi. Hiện tại, bò giống đã sinh sản được 5 con. Lần này được ngân hàng nâng cao định mức vay, tôi sẽ có thêm tiền để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình, nuôi con cái ăn học”.
Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Phú Thiện hiện có trên 2.500 hội viên, hơn 60% trong số này làm nông nghiệp. Thực hiện chương trình ký kết với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, Hội đã đứng ra tín chấp cho hội viên thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Nguồn vốn vay được giải ngân kịp thời, đúng đối tượng đã giúp nhiều gia đình hội viên có thêm điều kiện đầu tư sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống. Bà Trần Thị Mỹ-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Phú Thiện-cho biết: “Trong năm 2018, Hội đã phối hợp với ngân hàng giải ngân cho 30 hội viên thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách vay trên 1 tỷ đồng. Nhờ được vay vốn, hàng năm có từ 35 đến 40 gia đình hội viên thoát nghèo. Năm nay, ngân hàng nâng định mức cho vay, tin rằng sẽ có nhiều gia đình hội viên khó khăn vươn lên thoát nghèo”.
Việc nâng định mức cho vay cũng yêu cầu các tổ tín dụng trên địa bàn phát huy tinh thần trách nhiệm trong lựa chọn đối tượng cho vay, tuyên truyền, vận động hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích để phát huy hiệu quả, thu hồi vốn vay đúng kỳ hạn. Bà Hà Thị Sử-Tổ trưởng Tổ tín dụng vay vốn làng Drok (xã Chư A Thai) cho biết: “Trước khi xét duyệt, chúng tôi phải xem xét kỹ cho đúng đối tượng, đúng mục đích vay vốn. Khi các hộ nhận tiền, chúng tôi tuyên truyền, vận động, giám sát, hướng dẫn họ sử dụng vốn vay đúng mục đích. Chúng tôi cũng cố gắng lựa chọn những hộ chí thú làm ăn, có ý chí thoát nghèo để giúp vay vốn phát triển sản xuất”.
Theo ông Hà Thái Dương-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phú Thiện, những năm gần đây, đơn vị đã triển khai nhiều chương trình tín dụng nhằm chung sức phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đặc biệt, từ ngày 1-3-2019, thực hiện quyết định của Ngân hàng CSXH Việt Nam về việc nâng hạn mức cho vay hộ nghèo từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng, chúng tôi đã nhanh chóng cập nhật các văn bản, hoàn thiện các thủ tục để triển khai kịp thời cho người dân. Theo đó, Phòng Giao dịch đã phân bổ lại nguồn vốn cho từng gói vay cụ thể theo hướng tăng hạn mức vay. Cụ thể: cho vay hộ nghèo tăng 8,7 tỷ đồng, cho vay hộ mới thoát nghèo tăng 9,8 tỷ đồng, cho vay sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn tăng 3,3 tỷ đồng, cho vay chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn tăng 2,5 tỷ đồng. Đến nay, chúng tôi đã giải ngân tổng nguồn vốn vay là hơn 27,3 tỷ đồng với 7.681 hộ vay.
“Theo đánh giá của các hộ vay, việc nâng hạn mức cho vay và thời hạn vay tối đa là 10 năm đem lại cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng cho nhiều gia đình gặp khó khăn về vốn. Chính sách mới không chỉ có ý nghĩa trong xóa đói giảm nghèo mà còn góp phần thúc đẩy phong trào sản xuất, phát triển kinh tế ở địa phương. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn và các đoàn thể trong việc kiểm tra, theo dõi tình hình sử dụng vốn vay; thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả”-ông Dương cho biết thêm.
 PHẠM NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.