Nâng cao nhận thức làm mẹ an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2024 diễn ra từ ngày 1 đến 7-10 với chủ đề “Khám thai, sinh đẻ tại cơ sở y tế để an toàn cho mẹ, mạnh khỏe cho con”.

Hưởng ứng tuần lễ này, ngành Y tế tỉnh đã phối hợp với các cấp, ngành, địa phương triển khai nhiều hoạt động phù hợp, thiết thực.

Tuần lễ Làm mẹ an toàn thuộc Dự án 7-Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng-chống suy dinh dưỡng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Thanh Hương-Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) thông tin: Làm mẹ an toàn là một trong những nội dung quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mục tiêu của tuần lễ nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, qua đó góp phần giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh.

nhan-vien-y-te-xa-de-ar-truyen-thong-ve-lam-me-an-toan-cho-phu-nu-tren-dia-ban-xa-anh-nhu-nguyen-5801.jpg
Nhân viên y tế xã Đê Ar (huyện Mang Yang) truyền thông về làm mẹ an toàn cho hội viên phụ nữ trên địa bàn. Ảnh: N.N

Hưởng ứng Tuần lễ Làm mẹ an toàn, ngày 24-9 vừa qua, tại xã Đê Ar, Trung tâm Y tế huyện Mang Yang đã tổ chức mít tinh hưởng ứng với sự tham gia của gần 150 hội viên phụ nữ trên địa bàn xã. Hoạt động truyền thông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm mẹ an toàn, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nâng cao ý thức sinh con an toàn tại cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, phổ biến các hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc trước, trong và sau sinh cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, đặc biệt là những người khó khăn, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người có hành vi nguy cơ cao.

Tham gia mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Làm mẹ an toàn, chị Nhaih (làng Don Hyang, xã Đê Ar) chia sẻ: “Tôi đang mang thai tháng thứ 7 nên rất quan tâm về vấn đề làm mẹ an toàn. Nhân viên y tế đã tư vấn, hướng dẫn tôi việc ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, khám thai định kỳ và cần sinh con tại cơ sở y tế để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé”.

Theo ông Trần Bá Thanh-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mang Yang-cho biết: Tại xã Đê Ar, mặc dù ngành Y tế đã nỗ lực tuyên truyền, vận động cùng sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, song do trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế nên vẫn còn tình trạng chị em phụ nữ dân tộc thiểu số mang thai không đến cơ sở y tế thăm khám định kỳ; việc sinh con tại nhà vẫn xảy ra.

“Ngành Y tế rất cần sự nỗ lực và chung tay góp sức của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng nhằm đẩy mạnh hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn qua đó góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở vùng khó khăn; qua đó, giảm sự khác biệt về các chỉ tiêu sức khỏe, dinh dưỡng, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030”-ông Thanh nhấn mạnh.

phu-nu-xa-ia-lang-huyen-duc-co-tham-gia-mit-tinh-huong-ung-tuan-le-lam-me-an-toan-ngay-27-9-vua-qua-anh-nhu-nguyen-7476.jpg
Phụ nữ xã Ia Lang, huyện Đức Cơ tham gia mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Làm mẹ an toàn” ngày 27-9 vừa qua. Ảnh: Như Nguyện

Lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Làm mẹ an toàn cũng được tổ chức tại xã Ia Lang (huyện Đức Cơ) ngày 27-9 vừa qua. Chị Rơ Lan Nga (làng Le 1, xã Ia Lang) cho hay: Chị được nhân viên y tế tuyên truyền về việc khám thai định kỳ, ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, tiêm vắc xin phòng uốn ván và bổ sung chất sắt đối với phụ nữ mang thai.

“Ngoài ra, nhân viên y tế cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sinh con tại cơ sở y tế đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Sau sinh thì cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cách chăm sóc trẻ sơ sinh”-chị Nga chia sẻ.

Theo y sĩ Nguyễn Thị Tuyết Phương-phụ trách chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản Trạm Y tế xã Ia Lang, không chỉ trong Tuần lễ Làm mẹ an toàn, thời gian qua, Trạm thường xuyên phối hợp tuyên truyền cho chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng như góp phần nâng cao nhận thức của người dân.

Hiện nay, phụ nữ mang thai trên địa bàn xã đã có kiến thức cơ bản, chú trọng khám thai định kỳ, chăm sóc sức khỏe sinh sản và đặc biệt sinh con tại cơ sở y tế. Vì vậy, tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh trên địa bàn giảm thấp rõ rệt.

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai thu hút nguồn nhân lực trình độ cao

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai thu hút nguồn nhân lực trình độ cao

(GLO) - Sau 1 năm đi vào hoạt động, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai đã trở thành địa chỉ khám-chữa bệnh tin cậy trong khu vực. Trong định hướng phát triển, đơn vị tiếp tục có chính sách thu hút nguồn nhân lực trình độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tốt hơn.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.