Nâng cao hiệu quả bán hàng nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong bán hàng đã trở thành xu hướng tất yếu để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất. AI có thể hỗ trợ người bán hàng trong việc thiết kế và triển khai các chương trình marketing, tăng cường tương tác và trải nghiệm cho khách hàng.

Tiếp cận AI mới được một thời gian ngắn nhưng chị Đoàn Thị Thúy-Chủ cơ sở nuôi ong Phước Hỷ (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) đã nhận thấy rõ hiệu quả mang lại. Theo chị Thúy, AI có thể phân tích dữ liệu để tìm ra những xu hướng, thông tin quan trọng về đối tượng khách hàng, đưa ra dự đoán về các xu hướng tiêu dùng mới giúp người bán có chiến lược marketing phù hợp. Đặc biệt, AI có thể tìm kiếm khách hàng tiềm năng trên các nền tảng mạng xã hội, từ đó giúp người bán tiếp cận khách hàng hiệu quả. Hơn nữa, AI như một trợ thủ đắc lực có thể tạo ra các trải nghiệm tương tác thông qua hệ thống tự động trả lời và hỗ trợ khách hàng, giúp nâng cao sự hài lòng và tăng khả năng giữ chân khách hàng.

“Hiện nay, kênh bán hàng online chiếm đến 60-70% tổng doanh thu của cơ sở nên việc sử dụng AI là vô cùng hữu ích, nhất là với những cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ”-chị Thúy chia sẻ.

Tương tự, ông Ngô Viết Giỏi-Chủ cơ sở chả cá thác lác Cô Sáu (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện) cho biết: “Với AI, tôi có thể tìm hiểu về sở thích, nhu cầu dùng sản phẩm của khách hàng. Ví dụ khi đặt câu hỏi cho AI về vấn đề này, tôi nhận được câu trả lời rất thú vị về nguồn khách hàng tiềm năng được khoanh vùng rõ ràng. Từ đó, tôi có thể tham khảo để đưa ra các chiến lược marketing cho mình. Việc dùng AI để hỗ trợ thiết kế mẫu email chào hàng cũng rất chuyên nghiệp và nhanh chóng”.

Ngoài các kênh truyền thông, nhiều hợp tác xã, hộ sản xuất đang đẩy mạnh quảng bá và bán hàng qua kênh online để mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: Vũ Thảo

Ngoài các kênh truyền thông, nhiều hợp tác xã, hộ sản xuất đang đẩy mạnh quảng bá và bán hàng qua kênh online để mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: Vũ Thảo

Hiện nay, việc bán hàng qua kênh online không tốn chi phí cho khâu trung gian, lại có sức lan tỏa rộng đến nhiều đối tượng khách hàng ở khắp mọi nơi. Với những cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, để có một video về sản phẩm giới thiệu đến khách hàng đòi hỏi chi phí lớn; nếu tự làm thì không có kinh nghiệm cũng như kiến thức về quay video, viết kịch bản… Nhưng khi bán hàng qua kênh online, nhất là mạng xã hội Facebook, TikTok thì việc chia sẻ video về sản phẩm lại đơn giản hơn và không tốn chi phí.

Chia sẻ về điều này, chị Đinh Thụy Hà Tiên (cơ sở cà phê Mybella, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) cho hay: “Tôi đang lên ý tưởng làm video về Dự án trải nghiệm cà phê nhằm quảng bá cho thương hiệu sản phẩm của mình nên đã sử dụng AI để tìm hiểu cách lên kịch bản. Thật bất ngờ, AI đã hỗ trợ những kiến thức cơ bản nhất và trên cơ sở những ý tưởng đó, tôi có thể bắt tay vào làm những video đơn giản, gần gũi nhất để giới thiệu sản phẩm đến khách hàng mục tiêu. Một video thường thể hiện được nhiều nội dung về sản phẩm, từ việc trồng, chăm sóc đến chế biến. Xem video, khách hàng có cái nhìn toàn diện hơn về sản phẩm, từ đó tạo ấn tượng và tăng cảm nhận cho khách hàng về sản phẩm”.

Ông Liêu Hưng Tiến-CEO Học viện Chuyển đổi số NextAcademy chia sẻ các kiến thức về ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào kinh doanh để nâng cao hiệu quả bán hàng. Ảnh: Vũ Thảo

Ông Liêu Hưng Tiến-CEO Học viện Chuyển đổi số NextAcademy chia sẻ các kiến thức về ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào kinh doanh để nâng cao hiệu quả bán hàng. Ảnh: Vũ Thảo

Ông Liêu Hưng Tiến-CEO của Học viện Chuyển đổi số NextAcademy (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cần biết ứng dụng AI để nâng cao khả năng cạnh tranh trong thời đại chuyển đổi số hiện nay. Khi sử dụng AI, chủ doanh nghiệp ngành sản xuất sẽ quan tâm đến quá trình tối ưu hóa sản xuất để tiết kiệm chi phí; phân tích dữ liệu sản xuất; dự đoán nhu cầu và xu hướng thị trường, giúp doanh nghiệp lên kế hoạch sản xuất hiệu quả và tăng khả năng cạnh tranh; giải đáp cho khách hàng các câu hỏi của sản phẩm, giúp doanh nghiệp cải thiện hình ảnh thương hiệu; tư vấn về sản phẩm, dịch vụ của mình để khách hàng có trải nghiệm tốt hơn, tăng sự hài lòng.

Còn chủ doanh nghiệp ngành bán lẻ sẽ quan tâm đến việc tư vấn sản phẩm để giúp khách hàng tìm kiếm và mua sản phẩm một cách nhanh chóng, tiện lợi hơn; phân tích dữ liệu để nắm bắt xu hướng mua sắm và cải thiện trải nghiệm của khách hàng; giải đáp các thắc mắc về sản phẩm cho khách hàng; dự đoán xu hướng thị trường và đưa ra các quyết định kinh doanh đúng đắn.

“Tuy nhiên, để sử dụng AI trong bán hàng, người bán cần thu thập và lưu trữ đủ dữ liệu, chọn các công cụ AI phù hợp. Hiện có nhiều công cụ và hệ thống AI khác nhau có thể được sử dụng để tối ưu hóa việc bán hàng. Khi đã chọn được công cụ AI phù hợp, doanh nghiệp cần đào tạo nhân viên của mình để sử dụng công cụ này một cách hiệu quả”-ông Tiến cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tập trung nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Gia Lai tập trung nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương quán triệt quan điểm, định hướng, phát huy tinh thần “1 mục tiêu”, “2 trụ cột”, “3 đột phá”, “4 không”, “5 đẩy mạnh, tăng cường” nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn.

Sở Y tế Gia Lai hướng dẫn triển khai thí điểm sổ sức khoẻ điện tử phục vụ tích hợp trên VNeID

Sở Y tế Gia Lai hướng dẫn triển khai thí điểm sổ sức khoẻ điện tử phục vụ tích hợp trên VNeID

(GLO)- Sáng 8-11, Sở Y tế Gia Lai tổ chức hội nghị trực tuyến hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh triển khai kế hoạch số 2597/KH-UBND của UBND tỉnh Gia Lai về thí điểm thực hiện sổ sức khoẻ điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID.