Nâng cao chất lượng điều trị tại chỗ, hạn chế chuyển tuyến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các bệnh viện tuyến trên phải cân nhắc khi tiếp nhận người bệnh chuyển tuyến từ các tỉnh về. Vì thế, các bệnh viện của tỉnh Gia Lai đang nỗ lực nâng cao chất lượng điều trị tại chỗ, hạn chế chuyển tuyến.
Trước đây, các trường hợp bệnh nhi nặng, vượt khả năng điều trị, Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai thường chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh) hoặc các bệnh viện tại Huế, Đà Nẵng. Hiện nay, các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng-chống dịch. Vì vậy, Bệnh viện Nhi tỉnh buộc phải nỗ lực kết nối hội chẩn, khám-chữa bệnh từ xa, nâng cao chất lượng điều trị tại chỗ, chỉ chuyển tuyến trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách.
Bác sĩ Phan Thị Thùy Trang-Trưởng khoa Hồi sức tích cực-Chống độc (Bệnh viện Nhi tỉnh) thông tin: Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Trung ương Huế đều đã có công văn cho biết chỉ chuyển những bệnh hội chẩn chuyên môn có khả năng cứu được tính mạng người bệnh và đồng ý tiếp nhận thì mới được chuyển chứ không như trước đây. “Việc chuyển tuyến trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay càng gây thêm khó khăn. Vì vậy, chúng tôi nỗ lực hết mình để chăm sóc và điều trị tại chỗ. Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc đã được đầu tư máy móc hiện đại, chuyển giao nhiều thủ thuật, kỹ thuật cao nên đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh. Bên cạnh đó, chúng tôi thực hiện khám-chữa bệnh thông qua hội chẩn qua Zalo, Facebook để các đồng nghiệp tuyến trên hướng dẫn cụ thể phục vụ công tác điều trị tại chỗ. Từ đầu năm đến nay, số ca chuyển tuyến giảm 2/3 so với cùng kỳ năm trước”-bác sĩ Trang nói.
18-7-2021 Số ca chuyển tuyến tại Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc (Bệnh viện Nhi Gia Lai) giảm nhiều so với trước. Ảnh Như Nguyện
Số ca chuyển tuyến tại Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc (Bệnh viện Nhi tỉnh) giảm nhiều so với trước. Ảnh: Như Nguyện
Chị Ksor Khanh (làng Kép, phường Đống Đa, TP. Pleiku) chia sẻ: “Con tôi được chẩn đoán bị viêm não vi rút và điều trị tại Bệnh viện Nhi tỉnh. Lúc nhập viện, cháu liên tục sốt cao, co giật, tình hình vô cùng nguy cấp. Các bác sĩ đã nỗ lực chăm sóc và chữa trị. Đến nay, sức khỏe cháu đã cải thiện đáng kể”.
Để đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19, mỗi ca chuyển viện phải qua rất nhiều thủ tục liên quan. Bác sĩ Từ Thị Mai Linh-Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh-cho biết: “Hiện nay, khi chuyển tuyến cho bệnh nhi, chúng tôi cân nhắc cẩn thận và chỉ quyết định trong trường hợp thực sự cần thiết về chuyên môn. Khi chuyển viện, chúng tôi thực hiện test nhanh Covid-19 hoặc làm xét nghiệm PCR cho bệnh nhi và người nhà đi cùng. Trước đó, chúng tôi phải thông báo, hội chẩn chuyên môn và khi có sự  đồng ý thì mới chuyển viện”.
Theo bác sĩ Linh, với trường hợp gia đình bệnh nhi muốn chuyển tuyến nhưng chưa thật sự cần thiết, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể, hướng dẫn, giải thích. Theo đó, nhiều gia đình bệnh nhi yên tâm để con cháu điều trị tại đây.
Bác sĩ Khoa Lão (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện
Bác sĩ Khoa Lão (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thời gian qua, số ca phải chuyển tuyến trên điều trị giảm rõ rệt. Với sự đầu tư trang-thiết bị hiện đại, được tiếp nhận, chuyển giao nhiều kỹ thuật cao từ các bệnh viện tuyến trên và ứng dụng hiệu quả trong khám-chữa bệnh đã giúp điều trị bệnh nhân tại chỗ thành công, hạn chế chuyển tuyến. Tiến sĩ Nguyễn Thành Công-Trưởng khoa Lão (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho hay: “Nhiều ca bệnh khó, chúng tôi hội chẩn chuyên môn trực tuyến, khám-chữa bệnh từ xa. Qua đó, các ca khó được điều trị thành công, bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên giúp giảm chi phí điều trị mà vẫn đảm bảo về mặt chuyên môn”.
Trao đổi với P.V, bác sĩ Phạm Bá Mỹ-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh-cho biết: Hiện nay, Bệnh viện đã nhận chuyển giao rất nhiều kỹ thuật cao và ứng dụng hiệu quả trong chẩn đoán, khám-chữa bệnh và trị liệu cho người dân, đặc biệt là trong các lĩnh vực tim mạch, sản phụ khoa, răng hàm mặt, chấn thương chỉnh hình. Nhiều trường hợp trước kia phải chuyển tuyến, nay có thể điều trị tại chỗ, giảm thời gian và chi phí, càng ý nghĩa hơn trong tình hình dịch bệnh như hiện nay. Cùng với đó, tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân, thực hành y đức của đội ngũ y-bác sĩ luôn được chú trọng, góp phần nâng cao chất lượng điều trị tại chỗ, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Đau nửa đầu bên phải là dấu hiệu bệnh gì?

Đau nửa đầu bên phải là dấu hiệu bệnh gì?

Có những cơn nhức đầu khó chịu và vùng đau chủ yếu nằm ở nửa bên phải đầu. Cảm giác đau nhức này có thể xuất hiện ở sau đầu, hàm, mắt hay xoang. Tuy nhiên, tất cả đều nằm ở nửa bên phải đầu. Nguồn gốc của những cơn đau nhức có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau.
WHO phê duyệt vaccine mới ngừa dịch tả

WHO phê duyệt vaccine mới ngừa dịch tả

Do hãng dược phẩm EuBiologics (Hàn Quốc) sản xuất, vaccine Euvichol-S được phát triển từ một công thức đơn giản hóa, sử dụng ít thành phần hơn, rẻ hơn và có thể sản xuất nhanh hơn phiên bản trước.