"Nắm tay" Bầu Đức, tỷ phú Trần Bá Dương "buông tay" Dương Ngọc Minh, Thuỷ sản Hùng Vương sẽ ra sao?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Chọn HAGL Agrico của Bầu Đức là thách thức cuối cùng của cuộc đời, tỷ phú Trần Bá Dương quyết định buông tay "vua cá tra" Dương Ngọc Minh giữa thời điểm Thuỷ sản Hùng Vương còn chồng chất khó khăn. Rồi vua cá tra Dương Ngọc Minh và Thuỷ sản Hùng Vương sẽ về đâu sau cuộc "chia ly" này?

Tỷ phú Trần Bá Dương buông tay, "vua cá tra" Dương Ngọc Minh lao đao

Không bất ngờ, bởi trước đó Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương đã rút chân khỏi Thuỷ sản Hùng Vương của "vua cá tra" Dương Ngọc Minh từ cuối năm 2020 và cuộc tháo chạy của "nhóm giải cứu" như một điều tất yếu. Thế nhưng, nhiều người vẫn tỏ ra nuối tiếc về cuộc "phục hưng" của "vua cá tra" Dương Ngọc Minh một thời đã không như mong đợi, nhất là bên tham gia vào cuộc giải cứu này là Thaco cùng người đứng đầu là "thuyền trưởng" vĩ đại Trần Bá Dương.

Đến thời điểm hiện tại, Thuỷ sản Hùng Vương đã không công bố báo cáo tài chính 5 quý liên tiếp và chưa công bố báo cáo tài chính năm 2020. Do vậy, chưa thể đánh giá hết được kết quả của HVG ra sao dưới sự điều hành của nhân sự và vốn tài chính từ phía Thaco trong năm qua.

Tuy nhiên, tình hình chắc chắn vẫn kém khả quan khi cổ phiếu HVG đã bị buộc hủy niêm yết trên sàn chứng khoán TP. HCM (HOSE) vào ngày 5/8/2020, và chuyển sang niêm yết trên sàn UpCOM.

Đáng nói, từ khi chuyển sang giao dịch trên UpCOM cổ phiếu HVG đã giảm giá rất mạnh từ mức giá chào sàn 5.400 đồng/CP xuống còn 2.600 đồng/CP, tương ứng giảm hơn 50% chỉ trong vòng hơn nửa năm.


 

"Cái bắt tay" chớp nhoáng giữa Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương và Thuỷ sản Hùng Vương của "vua cá tra" Dương Ngọc Minh (Ảnh: Thaco)
"Cái bắt tay" chớp nhoáng giữa Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương và Thuỷ sản Hùng Vương của "vua cá tra" Dương Ngọc Minh (Ảnh: Thaco)


Ngoài ra, sở giao dịch chứng khoán Hà Nội mới đây cũng áp dụng hạn chế giao dịch cổ phiếu HVG trên thị trường UPCoM do chậm công bố báo cáo tài chính năm 2020 đã được kiểm toán.

Thông qua báo cáo tài chính mới nhất vào 31/12/2019 có thể thấy "vua cá tra" Hùng Vương vẫn ngập trong khó khăn khi khoản lỗ ròng lên đến hơn 1.120 tỷ đồng và lỗ luỹ kế hơn 1.740 tỷ đồng. Theo đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này còn chưa đến 660 tỷ đồng. Trong khi đó khoản nợ phải trả gấp hơn 10 lần vốn chủ sở hữu, lên đến 7.100 tỷ đồng.

Vì sao tỷ phú Trần Bá Dương "buông tay"?

Trở lại với thương vụ Thaco đầu tư vào Thuỷ sản Hùng Vương từ đầu năm 2020 thông qua công ty con Thadi.

Theo thoả thuận, Thadi và những cổ đông liên quan sở hữu 35% cổ phần và tham gia quản trị, cử đại diện giữ chức Phó chủ tịch HĐQT, giám đốc tài chính và các chuyên gia phụ trách kỹ thuật, bán hàng. Hai bên lập liên doanh phát triển mảng sản xuất heo giống với quy mô 45.000 con, trong đó Thadi nắm 65% tương ứng giá trị đầu tư 2.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cũng thời điểm này dịch tả lợn châu phi bùng phát mạnh mẽ trên cả nước. Năm 2020, dịch tả lợn châu Phi (ASF) tại Việt Nam đã khiến khoảng 86.000 con lợn bị thiệt hại, tương đương 1,5% số lợn bị tiêu hủy trong năm 2019.

Trước tác động tiêu cực của dịch tả lợn Châu phi, bắt đầu từ tháng 6 năm 2020 lần đầu tiên Việt Nam cho phép nhập khẩu lợn hơi từ Thái Lan để chăn nuôi/giết mổ nhằm bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt trong nước.

Ngoài ra, năm 2020, Việt Nam nhập 43.806 con lợn giống (trong đó có 1.219 lợn đực giống) với 79% từ Thái Lan, còn lại từ Canada, Mỹ, Đan Mạch, Pháp và Đài Loan. Như vậy, có thể thấy, đây sẽ là yếu tố tác động không nhỏ đến quá trình hoạt động sản xuất của liên doanh này.


 

Tỷ phú Trần Bá Dương còn có một cuộc giải cứu khác cần - nhiều - nguồn - lực hơn. Ảnh: HNG
Tỷ phú Trần Bá Dương còn có một cuộc giải cứu khác cần - nhiều - nguồn - lực hơn. Ảnh: HNG


Một nguyên nhân khác nữa, xuất phát từ sự cạnh tranh đến từ làn sóng đầu tư chưa từng có vào lĩnh vực chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng, tạo thêm đối thủ cạnh tranh trên thị trường với liên doanh Hùng Vương - Thadi.

Ví dụ như ba trang trại chăn nuôi heo của New Hope ở các tỉnh Bình Định, Bình Phước và Thanh Hóa với tổng sức chứa 27.000 con heo nái; hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn nhằm phát triển mạng lưới các dự án chăn nuôi quy mô lớn tại Tây Nguyên; Trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam tại tỉnh Bình Phước với công suất 130.000 con xuất chuồng / năm (tương đương khoảng 140.000 tấn thịt heo), và khu liên hợp giết mổ và chế biến Masan Meatlife tại tỉnh Long An với công suất hàng năm là 140.000 tấn.

Ngoài ra, nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát, cũng đầu tư phát triển chuỗi giá trị FarmFeed-Food (3F) và các trang trại trên toàn quốc để cung cấp lợn giống bố mẹ, lợn giống thương phẩm, lợn thịt chất lượng cao với mục tiêu cung cấp 500.000 con lợn thương phẩm mỗi năm tới chợ.

Cuối cùng, trong một cuộc giải cứu ông lớn nông nghiệp khác là Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico – HNG) của Bầu Đức, tỷ phú Trần Bá Dương cho biết Thaco đã rót vào công ty này 40.000 tỷ đồng nên phải bắt tay vào làm. Vị tỷ phú USD này khẳng định sẽ không bán HAGL Agrico như đồn đoán mà đã kế hoạch vực dậy công ty trong thời gian tới.

Tỷ phú Trần Bá Dương nhấn mạnh, vực dậy HNG là thử thách cuối cùng của cuộc đời ông, sau khi đã thành công vượt qua 2 thách thức lớn nhất cuộc đời mình là biến 1 xưởng sửa chữa ô tô nhỏ trở thành 1 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về buôn bán – sản xuất ô tô, cũng như vùng sình lầy Thủ Thiêm trở thành khu đô thị kiểu mẫu Sala.


 

 Vực dậy HNG là thách thức cuối cùng của tỷ phú Trần Bá Dương. Ảnh: DV
Vực dậy HNG là thách thức cuối cùng của tỷ phú Trần Bá Dương. Ảnh: DV


Rõ ràng, con số 40.000 tỷ đồng mà tỷ phú Trần Bá Dương chi cho Bầu Đức lớn hơn rất nhiều so với giá trị đầu tư 2.000 tỷ đồng chi cho "vua cá tra" Dương Ngọc MInh. Và khẳng định của tỷ phú Trần Bá Dương còn gắn liền với danh dự, trách nhiệm, nên quyết định rút chân khỏi HVG để toàn lực đầu tư cho HNG là quyết định có tính toán.


Thuỷ sản Hùng vương của "vua cá tra" Dương Ngọc Minh sẽ về đâu?

Đối với Thuỷ sản Hùng Vương, quyết định buông tay của "nhóm giải cứu" Thaco biết đâu đấy lại "tìm sự sống trong cái chết". Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng một số mặt hàng nông, thủy sản tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu thủy sản đạt 4,1 tỷ USD, tăng 12,5%. Điều đó cho thấy cơ hội vực dậy Thuỷ sản Hùng Vương của "vua cá tra" Dương Ngọc Minh.

Bên cạnh đó, mặc dù kinh doanh thua lỗ, nhưng dư địa của HVG về tài sản, năng lực sản xuất, hệ sinh thái vẫn còn rất lớn mạnh với 24 công ty thuộc Tập đoàn, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất cá giống; sản xuất heo giống; thức ăn thuỷ sản; thức ăn chăn nuôi; nuôi trồng thuỷ sản; chế biến cá; chế biến tôm; sản xuất mỡ cá, bột cá...

Vấn đề còn lại là "vua cá tra" Dương Ngọc Minh sẽ giải bài toán gì để vực dậy Thuỷ sản Hùng Vương.


https://danviet.vn/nam-tay-bau-duc-ty-phu-tran-ba-duong-buong-tay-duong-ngoc-minh-thuy-san-hung-vuong-se-ra-sao-20210712145404591.htm

Theo Quang Dân (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.