Năm học 2022-2023, các cơ sở giáo dục công lập không tăng học phí

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Theo Nghị quyết 165/NQ-CP ngày 20-12-2022, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022. 

Không tăng học phí

Theo nghị quyết, đối với học phí của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên thì giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 do HĐND tỉnh đã ban hành áp dụng tại địa phương. Trường hợp địa phương tăng học phí năm học 2022-2023 thì ngân sách địa phương đảm bảo phần chênh lệch tăng thêm so với số thu học phí năm học 2021-2022. Mức hỗ trợ cho từng cơ sở giáo dục do địa phương xem xét quyết định. 

Đối với cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên, cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, cơ sở giáo dục xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, trình Ủy ban nhân dân để đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt.

Chính phủ quyết định không tăng học phí đối với cơ sở giáo dục công lập trong năm 2022-2023. Ảnh: Phương Vi
Chính phủ quyết định không tăng học phí đối với cơ sở giáo dục công lập trong năm 2022-2023. Ảnh: Phương Vi

Khuyến khích các địa phương bố trí ngân sách tăng chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục.

Đối với học phí của các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 do cơ sở giáo dục đã ban hành theo quy định của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27-8-2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Nhà nước cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm học 2021-2022 đã quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. 

Khuyến khích các địa phương bố trí và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện việc hỗ trợ tiền đóng học phí năm học 2022-2023 đối với học sinh, sinh viên đang theo học các ngành, nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các ngành nghề bị tác động do dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ ngày 30-1-2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Chủ động hỗ trợ học phí cho học sinh, sinh viên

Trước khi nghị quyết được ban hành, nhiều địa phương và trường đại học trong cả nước đã có chính sách riêng trong việc hỗ trợ học phí cho học sinh, sinh viên. Theo Dân Trí, có 8 địa phương trên cả nước quyết định miễn học phí cho học sinh các cấp, gồm: Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ, Quảng Bình. 

Cụ thể, tỉnh Bắc Ninh miễn 100% học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông trên địa bàn. Tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ lên đến 193 tỉ đồng. 100% học sinh các cấp ở TP. Hải Phòng được miễn học phí. Mỗi năm, thành phố trích hơn 400 tỉ đồng từ ngân sách địa phương hỗ trợ cho giáo dục. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng miễn toàn bộ học phí cho trẻ em 5 tuổi, học sinh tiểu học và THCS công lập, tư thục giai đoạn 2022-2025. Trong đó, trẻ mầm non 5 tuổi được hưởng chính sách này từ năm học 2022-2023 đến hết năm học 2023-2024, học sinh THCS được hưởng từ năm học 2022-2023 đến hết năm học 2024-2025. Dự kiến ngân sách tỉnh chi hơn 568 tỉ đồng cho giai đoạn 2022-2025, riêng mức học phí dự kiến chi cho năm học 2022-2023 là hơn 110 tỉ đồng. 

Theo VnExpress, ở nhiều địa phương, học phí mầm non, phổ thông năm 2022 cũng tăng vọt, như Hà Nội gấp đôi, TP. Hồ Chí Minh tăng gấp 5 lần. Để giảm áp lực tài chính cho phụ huynh, nhiều tỉnh, thành đã cấp bù chênh lệch giữa học phí mới và cũ, số tiền thực nộp của phụ huynh như năm 2021. Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh dự chi 1.541 tỷ đồng, Hà Nội 1.330 tỷ, Đà Nẵng 450 tỷ, Quảng Ninh 458 tỷ, Hải Phòng 400 tỷ.

Cũng theo Báo Người Lao Động, nhiều trường đại học cho hay sẽ không tăng học phí như dự kiến. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thông báo mức học phí dự kiến năm học 2022-2023 đối với khóa nhập học năm 2022 (K67) chỉ tăng nhẹ so với khóa trước (K66). Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Phong Điền-Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, học phí đợt 1 của học kỳ I năm học 2022 - 2023 sẽ là học phí tạm thu vì nhà trường chưa có quyết định chính thức về mức học phí năm học 2022-2023 do còn đợi nghị quyết của Chính phủ. Sau khi có quyết định về học phí năm học 2022-2023, nhà trường sẽ tính toán đúng mức học phí phải nộp của từng sinh viên vào đợt 2.

Lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cũng cho biết năm học 2022 - 2023, nhà trường dự kiến mức thu học phí 16-22 triệu đồng/năm/sinh viên chính quy. Với chương trình đặc thù, học phí là từ 45-65 triệu đồng. Đây là mức học phí được nhà trường duy trì ổn định kể từ năm 2019 đến nay.

Một loạt trường khác như Trường Đại học Giao thông-Vận tải TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học Nha Trang cũng cho biết không tăng học phí năm học 2022-2023.

PHƯƠNG VI(theo Báo Tin Tức, VnExpress, Dân Trí, Tuổi Trẻ, Người Lao Động)

Có thể bạn quan tâm

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.