Mỹ thể hiện rõ chính sách chính trị hóa vấn đề vũ khí và thương mại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ khi căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc bùng phát vào năm 2018, Mỹ đã liên tục sửa đổi chính sách kiểm soát xuất khẩu nhằm ngăn Trung Quốc tiếp cận các sản phẩm và công nghệ quan trọng.

anh-minh-hoa-thx.jpg
Ảnh minh họa: THX

Tình hình càng trở nên phức tạp khi những động thái gần đây của Mỹ thể hiện rõ xu hướng chính trị hóa vấn đề vũ khí và thương mại.

Mỹ liên tục áp dụng chính sách hạn chế hàng hóa và công nghệ đối với Trung Quốc

Theo thông báo từ Bộ Thương mại Mỹ vào ngày 26/3, Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) đã bổ sung 80 thực thể từ Trung Quốc, UAE, Nam Phi, Iran và một số quốc gia khác vào danh sách hạn chế vì các hoạt động bị cho là đi ngược lại an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ.

Những đơn vị này sẽ bị hạn chế tiếp cận hàng hóa và công nghệ Mỹ nếu không có sự cho phép đặc biệt từ chính phủ.

Trong số này, 6 công ty con của Inspur Group - tập đoàn hàng đầu về dịch vụ dữ liệu lớn và điện toán đám mây tại Trung Quốc - bị đưa vào diện hạn chế xuất khẩu. BIS cáo buộc các công ty này đã tìm cách mua công nghệ Mỹ để phục vụ các dự án siêu máy tính cho chính phủ và quân đội Trung Quốc. Tập đoàn Inspur từng bị đưa vào danh sách này vào năm 2023.

Ngoài Inspur, danh sách mới còn có hơn 50 công ty Trung Quốc, cùng các thực thể đến từ Đài Loan, Iran, Pakistan, Nam Phi và UAE.

Một số công ty đáng chú ý khác bao gồm Nettrix Information Industry Co., Suma Technology Co. và Suma-USI Electronics, với cáo buộc hỗ trợ Trung Quốc phát triển siêu máy tính exascale - hệ thống có khả năng xử lý dữ liệu khổng lồ và thực hiện các mô phỏng phức tạp.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick nhấn mạnh rằng Washington sẽ không để các đối thủ lợi dụng công nghệ Mỹ để tăng cường sức mạnh quân sự và đe dọa an ninh nước này.

Ngoài ra, Mỹ cũng đưa vào danh sách hai thực thể từ Iran và Trung Quốc, với cáo buộc hai đơn vị này đã tìm cách mua các sản phẩm từ Mỹ để phục vụ cho ngành công nghiệp quốc phòng và chương trình phát triển máy bay không người lái (drone) của Iran.

Báo cáo đánh giá mối đe dọa hằng năm của cộng đồng tình báo Mỹ công bố hôm 25/3 xác định Trung Quốc là mối đe dọa quân sự và không gian mạng hàng đầu với Washington, với mục tiêu thay thế Mỹ trở thành cường quốc trí tuệ nhân tạo (AI) số một vào năm 2030.

Theo báo cáo, Trung Quốc có khả năng tấn công Mỹ bằng vũ khí thông thường, phá hoại cơ sở hạ tầng của Mỹ qua các cuộc tấn công mạng và nhắm vào tài sản của Mỹ trong không gian.

Mỹ liên tục có nhiều động thái để tăng cường năng lực tác chiến quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương giữa sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tối 24/3, tạp chí Newsweek đưa tin quân đội Mỹ vừa thử nghiệm tên lửa tấn công chính xác PrSM Increment 1 tại một căn cứ ở California. Được bắn đi từ Hệ thống pháo binh cơ động cao (HIMARS), tên lửa thử nghiệm đã bắn đến mục tiêu ở khoảng cách xấp xỉ 500 km.

Trung Quốc cảnh báo đáp trả không khoan nhượng

Trước cáo buộc trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Mỹ "lợi dụng an ninh quốc gia để đàn áp phi lý các công ty Trung Quốc" và cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả.

Guo Jiakun- phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng, Washington đang chính trị hóa và vũ khí hóa thương mại, vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của các công ty trên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc.

Ông khẳng định không lệnh trừng phạt nào có thể cản trở sự phát triển của Bắc Kinh, cũng như không có áp lực nào làm lung lay quyết tâm của nước này trong việc nâng cao năng lực công nghệ của mình.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cũng chỉ trích Mỹ đang biến thương mại thành vũ khí và yêu cầu chấm dứt các hành động này.

Bao Jianyun, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Chính trị Quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định động thái mới nhất của Mỹ đánh dấu sự leo thang trong nỗ lực kiềm chế công nghệ Trung Quốc.

Đặc biệt, các chính sách mới của Mỹ tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và các công nghệ tiên tiến khác.

Có thể bạn quan tâm

Mỹ dừng đóng phí cho WTO

Mỹ dừng đóng phí cho WTO

Reuters dẫn các nguồn tin cho biết, Mỹ đã tạm dừng đóng góp tài chính cho Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cắt giảm chi tiêu chính phủ và rút lui khỏi các thể chế toàn cầu mà họ coi là trái ngược với chủ trương "Nước Mỹ trên hết".