(GLO)- Hơn 40 năm trước, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 332 (Quân khu 5) cùng với người dân đã trần lưng khai hoang, phục hóa để xây dựng cánh đồng Buôn Lưới (xã Sơ Pai, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai). Nhờ tích cực đưa những giống lúa mới vào sản xuất nên cuộc sống của người dân ngày một ấm no.
Gian nan đắp ruộng, đào hồ
Cẩn thận lật từng trang tư liệu ghi chép về những năm tháng khai hoang, phục hóa cánh đồng và hồ Buôn Lưới, Trung tá Trương Văn Nhuần-nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 332, nguyên Chủ tịch UBND huyện Kbang-cho biết: Sư đoàn 332 được thành lập sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước để làm nhiệm vụ kinh tế-quốc phòng tại Gia Lai-Kon Tum. Cuối năm 1978, Sư đoàn thành lập Tiểu đoàn Nông nghiệp, cử hơn 300 cán bộ, chiến sĩ vào xã Sơn Lang làm nhiệm vụ tăng gia sản xuất, tạo nguồn lương thực, thực phẩm. “Khi ấy, chưa có xã Sơ Pai. Núi đồi trùng điệp, rừng già hoang vu bao quanh các buôn làng heo hút. Đến năm 1985, huyện Kbang thành lập cũng là lúc một số làng của xã Sơn Lang được chia tách để thành lập xã Sơ Pai như ngày nay”-ông Nhuần nhắc nhớ.
Bắt tay thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Nông nghiệp đã trèo đèo lội suối, khảo sát kỹ toàn vùng. Khi phát hiện giữa trùng điệp núi non có một khoảng đất bằng phẳng của dân làng Buôn Lưới bị bỏ hoang, cán bộ Tiểu đoàn quyết định triển khai nhiệm vụ tại đây. “Thời điểm đó, máy móc, thiết bị thiếu thốn nên quá trình khai hoang chủ yếu dùng sức người. Để đẩy nhanh tiến độ và chuyển giao kỹ thuật gieo trồng lúa nước cho bà con, đơn vị đã vận động người dân trong vùng tham gia khai hoang, phát dọn thực bì, san lấp ruộng đồng. Trong khoảng thời gian hơn 5 năm, hàng trăm con người đã dốc hết công sức, biến bãi đất hoang hóa thành cánh đồng màu mỡ và lấy tên làng đặt cho cánh đồng”-ông Nhuần chia sẻ.
|
Người dân phấn khởi thu hoạch lúa trên cánh đồng Buôn Lưới, xã Sơ Pai, huyện Kbang. Ảnh: Ngọc Minh |
Năm 1984, Tiểu đoàn phân chia cánh đồng thành từng thửa nhỏ cho gia đình cán bộ, chiến sĩ và người dân trồng lúa nước. Tuy nhiên, do thiếu nước tưới nên bà con chỉ trồng khoai, bắp, đậu đỗ các loại. Không bỏ cuộc, Liên hiệp Lâm-nông-công nghiệp Kon Hà Nừng (phiên hiệu mới của Sư đoàn 332) đã điều động thêm 2 trung đoàn cùng Tiểu đoàn Nông nghiệp và người dân đào hồ trữ nước, phục vụ sản xuất lúa nước lâu dài. Ông Nhuần kể: “Tại khu vực nhánh suối Đak Lét phía thượng nguồn, hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ và người dân tiến hành đào đắp hàng ngàn mét khối đất để hình thành bờ đập chắc chắn. Sau hơn 3 tháng thi công, hồ Buôn Lưới đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, cơ bản đáp ứng nguồn nước để người dân thâm canh 2 vụ lúa nước”.
Chia sẻ kỷ niệm khi tham gia khai hoang cánh đồng Buôn Lưới, bà Đinh Thị Gieng (SN 1953, làng Kung) cho hay: “Bộ đội đến từng nhà vận động, vợ chồng tôi và rất đông bà con hưởng ứng. Khi cánh đồng được hình thành, bộ đội chia ruộng và hướng dẫn bà con làm lúa nước. Ban đầu, do chưa tin tưởng nên không ai chịu làm theo. Sau khi thấy bộ đội gieo cấy, cây lúa nước nhanh cho thu hoạch, năng suất lại cao hơn lúa rẫy, lúc ấy dân làng mới tin. Bà con tích cực khai hoang, tăng gia sản xuất, dần dần đẩy lùi cái đói, cái nghèo”.
Nức tiếng gạo Sơ Pai
Năm 1985, cánh đồng, hồ Buôn Lưới được Liên hiệp Lâm-nông-công nghiệp Kon Hà Nừng bàn giao lại cho chính quyền địa phương. Huyện Kbang, xã Sơ Pai và người dân không ngừng bồi đắp, cải tạo, mở rộng, nâng cấp các công trình. Hiện hồ Buôn Lưới rộng 32 ha, dung tích chứa 1,25 triệu m3 nước; thân đập có chiều rộng 5 m, chiều dài 260 m, chiều cao bình quân hơn 10 m; hệ thống kênh từ hồ đến các cánh đồng dài hơn 5.379 m. Hồ đáp ứng nguồn nước tưới cho hơn 145 ha lúa nước, trong đó có 120 ha lúa nước 2 vụ. Riêng cánh đồng Buôn Lưới chưa bao giờ thiếu nước tưới.
Với diện tích 60 ha, Buôn Lưới là cánh đồng lúa nước lớn nhất huyện Kbang. Hiện nay, hơn 190 hộ dân thôn 1 và thôn 3 canh tác 2 vụ lúa nước/năm; năng suất đạt 6,5 tấn/ha/vụ. Người dân gieo trồng các giống lúa ST24, ST25, Đài Thơm 8, Hương Châu 6, RVT…
|
Gia đình ông Nguyễn Xuân Đám (thôn 3, xã Sơ Pai, huyện Kbang) xây dựng nhà cửa, phát triển kinh tế đều nhờ vào gieo trồng cây lúa tại cánh đồng Buôn Lưới. Ảnh: Ngọc Minh |
Gắn bó với xã Sơ Pai từ khi mới thành lập, ông Nguyễn Xuân Đám (thôn 3) cho hay: Trước đó, giống lúa Tám Thơm trứ danh được người dân quê Nam Định mang vào Buôn Lưới gieo cấy. Có lẽ, do đất màu mỡ, khí hậu mát mẻ nên cây lúa thích ứng tốt và cho hạt gạo trắng trong, cơm thơm dẻo, đậm đà. Những hạt gạo Tám Thơm đã trở thành món quà thơm thảo, sản phẩm nổi tiếng. Du khách mỗi lần ghé Kbang đều mua gạo này về dùng. Từ đó, không chỉ người nông dân có thu nhập ổn định mà các cơ sở xay xát gạo có thêm việc làm, kết nối luân chuyển gạo Sơ Pai đi toàn quốc. Bao năm qua, vợ chồng tôi xây nhà, mua sắm các vật dụng, nuôi 6 người con trưởng thành, kinh tế ổn định đều nhờ vào hạt gạo Sơ Pai”.
Nhiều năm qua, bà con nông dân xã Sơ Pai không ngừng tìm tòi, học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, đưa những giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao vào canh tác. Vụ Đông Xuân 2021-2022, trên cánh đồng Buôn Lưới, ông Nguyễn Văn Huyên (thôn 3) đã gieo trồng giống lúa ST25 cho ra loại gạo ngon nhất thế giới. “Cây lúa hợp đất đai, khí hậu nên sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh; thân cây cứng, hạn chế ngã đổ; năng suất đạt gần 7 tấn/ha. ST25 nổi tiếng khắp thế giới nên gia đình sản xuất đến đâu bán hết tới đó. Giá bán 20 ngàn đồng/kg, so với các loại gạo khác trên địa bàn cao hơn 6-8 ngàn đồng/kg. Hiện trên cánh đồng Buôn Lưới đã có một vài hộ gieo trồng giống lúa ST25, mang lại hiệu quả kinh tế cao”-ông Huyên phấn khởi thông tin.
Đến nay, trên địa bàn xã Sơ Pai có cánh đồng Buôn Lưới, Đak Lét, Đak Tơ Kớt chuyên canh cây lúa nước. Theo Chủ tịch UBND xã Võ Thanh, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn luôn chú trọng đưa những giống lúa mới vào gieo trồng; thường xuyên duy tu, sửa chữa hồ Buôn Lưới, hệ thống công trình thủy lợi để người dân canh tác thuận lợi.
NGỌC MINH