“Mùa vàng” ở khu vực Đông Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những ngày này, nông dân khu vực Đông Nam tỉnh đang tất bật thu hoạch lúa Đông Xuân. Vụ lúa năm nay không chỉ đạt năng suất cao, bán được giá mà bà con nông dân còn thu được khoản tiền khá nhờ giá rơm tăng mạnh.
Người dân thôn Thanh Trang (xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) thu hoạch lúa Đông Xuân. Ảnh: Ngọc Sang

Người dân thôn Thanh Trang (xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) thu hoạch lúa Đông Xuân. Ảnh: Ngọc Sang

Tại cánh đồng thôn Thanh Trang (xã Ia Peng, huyện Phú Thiện), không khí lao động hết sức khẩn trương. Tiếng máy gặt đập liên hợp, máy cuốn rơm, xe máy vận chuyển lúa, rơm xen lẫn với tiếng nói cười rộn rã của người dân như xua tan cái nóng oi bức. Ông Vũ Văn Phú cho biết: Gia đình vừa thu hoạch 4 ha lúa, năng suất đạt 8 tấn/ha. Năng suất lúa cao hơn năm ngoái vì ít bị ảnh hưởng bởi mưa bão, đổ ngã. Với giá bán lúa tươi tại ruộng 7 ngàn đồng/kg, tăng hơn vụ trước 1,4 ngàn đồng/kg, gia đình ông lãi hơn 120 triệu đồng. Ngoài bán lúa, ông Phú còn bán rơm với giá 800 ngàn đồng/ha. Vụ trước, thương lái chỉ mua rơm với giá 400 ngàn đồng/ha. Từ việc bán rơm, gia đình ông có thêm nguồn thu nhập.

Còn ông Nguyễn Ngọc Minh (buôn Ơi HLy, xã Ia Hiao) thì cho hay: “Vụ Đông Xuân 2022-2023, gia đình tôi gieo trồng 3 ha lúa, thu hoạch được gần 25 tấn, thương lái thu mua tại ruộng với giá 7 ngàn đồng/kg, cao hơn vụ trước 1,4 ngàn đồng/kg. Ngoài ra, tôi còn bán rơm tươi tại ruộng được 2,4 triệu đồng. Nhờ bán được rơm nên tôi không phải đốt bỏ, tránh được tình trạng chai đất và gây ảnh hưởng môi trường”.

Cũng theo ông Minh, trước đây, giá rơm rất rẻ, khoảng 400 ngàn đồng/ha nhưng có rất ít người mua. Nhiều hộ phải đốt bỏ hoặc cho người khác mang về làm thức ăn cho bò hay phủ gốc giữ ẩm cho cây trồng. Song gần 1 tháng nay, rơm rạ được thương lái đến thu mua với khối lượng lớn và giá khá cao, mang lại niềm vui cho người dân. Những người được thuê bốc vác rơm khô, mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng.

Anh Bùi Đình Tài (xã Ia Peng) cho biết: “Vào mùa thu hoạch lúa Đông Xuân, tôi đưa máy đến ruộng cuộn rơm cũng kiếm được thu nhập khá. Mỗi ha lúa thu hoạch xong cho hơn 100 cuộn rơm. Hầu hết người dân đều bán rơm chứ không đốt bỏ trên ruộng như trước đây. Bình quân mỗi sào ruộng, tôi mua rơm với giá 80 ngàn đồng. Sau đó, bán lại cho các mối ở huyện Krông Pa và tỉnh Phú Yên với giá 20-23 ngàn đồng/cuộn rơm. Mỗi ngày, tôi có thể cuộn 200-300 cuộn rơm, trừ chi phí thì thu nhập hơn 1 triệu đồng”.

Giá rơm cũng tăng cao khiến nhiều nông dân phấn khởi. Ảnh: Ngọc Sang

Giá rơm cũng tăng cao khiến nhiều nông dân phấn khởi. Ảnh: Ngọc Sang

Vụ Đông Xuân 2022-2023, huyện Phú Thiện gieo sạ trên 6.600 ha lúa, gồm các giống: LH12, J02, ST24, ST25… Đến nay, người dân đã thu hoạch hơn 1.000 ha, năng suất bình quân đạt 7,7 tấn/ha. Ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-thông tin: “Hiện giá lúa dao động trong khoảng 6,5-7 ngàn đồng/kg, cao hơn năm ngoái hơn 1.000 đồng/kg, người dân lãi hơn 30 triệu đồng/ha, cao hơn vụ trước 7-8 triệu đồng/ha. Không chỉ được mùa, được giá mà bà con còn có nguồn thu từ việc bán rơm để bù vào chi phí đầu tư”.

Theo ông Trần Đình Đức-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa, vụ Đông Xuân 2022-2023, toàn huyện gieo sạ khoảng 3.000 ha lúa. Hiện nay, nông dân đã cơ bản thu hoạch xong, năng suất bình quân đạt 7,8 tấn/ha. Giá lúa năm nay tăng 1.000-1.500 đồng/kg so với năm ngoái nên nông dân rất phấn khởi. Đạt được kết quả này là nhờ quá trình thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao.

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Kho xăng dầu của Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) hiện chưa được chấp thuận đấu nối vào quốc lộ. Ảnh: V.T

Cửa hàng xăng dầu đấu nối vào đường giao thông: Vướng mắc cần tháo gỡ

(GLO)- Theo Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan, các công trình xây dựng, trong đó có cửa hàng xăng dầu nằm dọc quốc lộ, tỉnh lộ phải xây dựng ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ và thực hiện đấu nối đúng vị trí được UBND cấp tỉnh phê duyệt.