Dù được khuyến cáo nhiều nhưng vẫn xảy ra các trường hợp người dân tự bắt bệnh rồi ra tiệm mua thuốc về sử dụng. Thậm chí có cả trường hợp người nước ngoài tự uống 30 viên thuốc Paracetamol trong 2 ngày và phải nhập viện vì... ngộ độc thuốc.
Bà E.H (43 tuổi) - người Úc đã phải nhập viện cấp cứu do uống 30 viên thuốc Paracetamol trong 2 ngày - Ảnh: BVCC
Riêng về mắt, chỉ nên tự ý mua nước mắt nhân tạo hoặc nước muối sinh lý hay thuốc bổ để nhỏ. Còn tất cả các loại thuốc khác buộc phải có chỉ định của bác sĩ. BS nguyễn Hữu Nghị |
BS Nguyễn Hữu Nghị - giám đốc Trung tâm Giám định y khoa Đà Nẵng, nguyên trưởng khoa mắt Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng - cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ là bà N.T.T. (55 tuổi, ở Hải Châu, Đà Nẵng) với một bên mắt vĩnh viễn chỉ nhìn thấy trong cự ly 0,5m.
"Coi như mù một mắt"
Theo BS Nghị, qua tìm hiểu, bà N.T.T. cho biết gần 2 năm nay một bên mắt của bà hay bị ngứa, chảy nước mắt. Mỗi lần như vậy bà T. thường đến tiệm thuốc gần nhà mua thuốc để nhỏ.
Lần đầu tiên, nhân viên bán thuốc tư vấn nên mua lọ thuốc nhỏ mắt Tobradex và sau vài ngày bà T. thấy khỏi. Nhưng khoảng chục ngày sau bệnh tái phát, lần này bà T. đến tiệm thuốc và mua đúng lọ thuốc đó.
Nhân viên tiệm thuốc bán và không có cảnh báo nào. Nhiều lần như vậy, cứ tái phát ngứa mắt là bà T. lại đến tiệm thuốc mua lọ thuốc Tobradex.
Mắt của bà T. cứ ngày một mờ nên bà đến bác sĩ chuyên khoa mắt để khám. "Khi bà T. đến khám với lý do một bên mắt mờ hẳn, thị lực chỉ còn 0,5m. Nghĩa là bịt mắt kia, đưa ngón tay ra cho bà T. đếm, bà chỉ đếm được trong cự ly nửa mét thôi, còn ra xa hơn thì không thấy, điều này xem như đã mù" - BS Nghị cho hay.
BS Nghị cho biết trường hợp của bệnh nhân này qua thăm khám, chẩn đoán là glaucoma (cườm nước), điều này đồng nghĩa một bên mắt vĩnh viễn chỉ nhìn thấy trong cự ly 0,5m, nếu không muốn nói là sẽ tụt thêm.
"Tôi đã giải thích và tư vấn cho bà T., mục tiêu của điều trị là giữ lại tầm nhìn như cũ chứ không phải làm cho mắt sáng hơn" - ông cho hay.
Theo BS Nghị, Tobradex là thuốc nhỏ mắt phối hợp giữa tobramycin và dexamethasone, tức là giữa kháng sinh và corticoide, rất hiệu quả trong điều trị các viêm nhiễm ở mắt, nhất là đau mắt đỏ.
Người sử dụng thuốc này chỉ khi có chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên trong cộng đồng, thuốc được nhiều người tự ý mua về nhỏ mắt và hiệu thuốc cứ thế bán, không đưa ra khuyến cáo nào. Điều này rất nguy hiểm bởi đó chính là con dao hai lưỡi.
Dexamethasone là loại corticoide nếu nhỏ thường xuyên, kéo dài sẽ gây tăng nhãn áp (cườm nước) làm tổn thương thần kinh thị giác, giảm thị lực, mà một khi đã giảm thị lực thì không bao giờ hồi phục.
BS Nghị chia sẻ thời gian qua đã gặp rất nhiều trường hợp người dân tự mua thuốc về sử dụng, để lại hậu quả nặng nề. Một số người bị dị vật văng vào mắt, gây trầy giác mạc (tròng đen), tự mua thuốc về dùng mà có chất kháng viêm corticoide thì chỉ sau vài ngày sẽ loét giác mạc, chữa rất lâu lành, thậm chí phải bỏ mắt...
Ngộ độc Paracetamol
Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cũng vừa tiếp nhận và điều trị cho một người nước ngoài bị ngộ độc thuốc Paracetamol do tự uống 30 viên thuốc chỉ trong 2 ngày.
Theo Bệnh viện Hoàn Mỹ, bệnh nhân người Úc là bà E.H. (43 tuổi), nhập viện trong tình trạng đau bụng, mệt mỏi, chán ăn, sốt, có dấu hiệu suy gan cấp.
Qua tìm hiểu bệnh nhân được biết trước đó bà E.H. đã tự mua và uống 30 viên Paracetamol (15g) để giảm đau chỉ trong vòng 2 ngày. Tiến hành các xét nghiệm thì thấy chỉ số xét nghiệm men gan tăng cao từ 700 UI/L lên đỉnh điểm là gần 7.000 UI/L, rối loạn đông máu nặng.
Các bác sĩ đã điều trị bằng phác đồ giải độc gan N-acetylcystein (NAC), điều trị hỗ trợ gan, điều chỉnh rối loạn đông máu. Qua nhiều ngày điều trị, tình trạng sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, chỉ số xét nghiệm men gan (SGOT-SGPT) đã giảm về mức an toàn, chỉ số rối loạn đông máu đã ổn định, ăn uống tốt...
BS Phạm Hữu Huyền - trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng - cho biết Paracetamol là loại thuốc giảm đau, hạ sốt, được sử dụng phổ biến trên thị trường, người dân có thể tự mua dễ dàng tại các quầy thuốc.
Ngộ độc Paracetamol có xu hướng tăng lên ở nước ta, đây là một loại ngộ độc dễ gặp nhưng dễ bị bỏ sót, chẩn đoán chậm trễ, đặc biệt khi bệnh nhân lạm dụng Paracetamol để tự điều trị với mức độ quá liều lặp lại nhiều lần.
Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ suy gan cấp, suy đa tạng và tử vong.
Nguy hiểm thói quen tự mua thuốc BS Phạm Hữu Huyền cảnh báo người dân nên lưu ý liều lượng sử dụng của thuốc Paracetamol theo chỉ định của bác sĩ. Nếu có những dấu hiệu bất thường sau khi sử dụng thuốc Paracetamol, người dân nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí và điều trị kịp thời. BS Nguyễn Hữu Nghị thì cho rằng hiện có rất nhiều trường hợp người dân tự ý đến nhà thuốc khai triệu chứng của bệnh và hiệu thuốc bán theo lời khai đó, hoặc tự tra cứu trên mạng rồi ra hiệu thuốc để mua. Những điều trên rất nguy hiểm, vì thuốc là dùng cho từng người chứ không phải ai cũng như nhau, hoặc sẽ xảy ra tình trạng dùng kháng sinh tràn lan sinh ra những chủng vi khuẩn kháng thuốc rất nguy hiểm cho cộng đồng. Điều này Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo và còn nhiều điều không tốt khác. |
Đoàn Cường (TTO)