Một số thí sinh hoàn thành kỳ thi sau 2 bài thi tổ hợp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng nay (8-7), các thí sinh trên địa bàn tỉnh Gia Lai tiếp tục thi tốt nghiệp THPT năm 2021 với 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Sau bài thi tự chọn này, một số thí sinh tự do và hệ giáo dục thường xuyên đã hoàn thành kỳ “vượt vũ môn”.
“Gặp khó” với Lý-Hóa-Sử
Sáng nay, tiết trời các địa phương trong tỉnh tương đối dịu mát. Tại các điểm thi, nhiều thí sinh đã có mặt từ khá sớm. Trải qua ngày thi đầu tiên tương đối thành công đã giúp sĩ tử có được tâm lý thoải mái và tự tin hơn trước khi bước vào ngày thi thứ 2 với 2 bài thi Tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Tổng thời gian thi các môn tổ hợp là 150 phút (mỗi môn thành phần 50 phút, gồm 40 câu hỏi dưới hình thức trắc nghiệm khách quan). Đề thi các môn tổ hợp năm nay tiếp tục được đánh giá là bám sát chương trình sách giáo khoa và đề tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các môn Sinh học, Địa lý, Giáo dục công dân có phần “dễ thở” hơn đối với thí sinh, trong khi đề Hóa học, Vật lý và Lịch sử lại có sự phân hóa khá rõ với nhiều câu hỏi khó. Điều này đã khiến không ít sĩ tử phải “ngậm ngùi” rời khỏi phòng thi vì bài làm chưa được như mong muốn.
Cán bộ coi thi hướng dẫn các thủ tục cho thí sinh tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Tất Thành (huyện Ia Pa) Ảnh Văn Ngọc
Cán bộ coi thi hướng dẫn thủ tục cho thí sinh tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Tất Thành (huyện Ia Pa). Ảnh: Văn Ngọc
Điểm thi Trường THPT Nguyễn Tất Thành (huyện Ia Pa) có 319 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, có 64 em đăng ký thi Tổ hợp Khoa học tự nhiên, còn lại đa phần chọn thi Tổ hợp Khoa học xã hội. Thí sinh Nông Thị Lan chia sẻ: “Ngay từ bậc THCS em đã muốn thi vào trường luật nên quyết tâm học và ôn luyện các môn khối C để theo đuổi giấc mơ. Theo em, đề thi năm nay khá vừa sức. Ở bài thi Địa lý và Giáo dục công dân, em không mất nhiều thời gian để hoàn thành. Riêng môn Lịch sử có nhiều câu khá khó, buộc thí sinh phải có kỹ năng phân tích chiều sâu”. 
Môn Sử được đánh giá có sự phân loại cao yêu cầu kỹ năng phân tích của thí sinh Ảnh Văn Ngọc
Môn Lịch sử được đa số thí sinh đánh giá là có sự phân loại cao. Ảnh: Văn Ngọc
Thí sinh Võ Thị Bích Tuyền-điểm thi Trường THPT Hà Huy Tập (huyện Kông Chro) cũng cho rằng mình có thể lấy điểm 8 ở bài thi Địa lý và Giáo dục công dân nhưng chỉ khoảng hơn 6 điểm ở môn Lịch sử vì có nhiều câu không làm được.
Thí sinh điểm thi Trường THPT Hà Huy Tập (huyện Kông Chro) hoàn thành 2 tổ hợp khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Ảnh Ngọc Minh
Thí sinh điểm thi Trường THPT Hà Huy Tập (huyện Kông Chro) hoàn thành 2 bài thi Tổ hợp Khoa học xã hội và Tổ hợp Khoa học tự nhiên. Ảnh: Ngọc Minh
Nhiều thí sinh tại điểm thi Trường THPT chuyên Hùng Vương cũng có nhận định tương tự. “Với đề Địa lý, chúng em có thể dễ dàng vận dụng Atlat để trả lời nhiều câu hỏi; đề Giáo dục công dân thì là những điều luật rất quen thuộc; còn đề Lịch sử bắt buộc thí sinh phải xâu chuỗi và hệ thống tốt kiến thức mới có thể làm được. Vì vậy, em chỉ làm được hơn 50% ở môn thi thành phần này”-thí sinh Nguyễn Lê Thanh Uyên thở dài.
Các thí sinh thi Tổ hợp khoa học tự nhiên lại càng hồi hộp và lo lắng hơn sau khi trải qua 150 phút làm bài đầy căng thẳng. Đa phần đều cho rằng, đề thi năm nay khó hơn so với đề tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và kỳ thi năm trước. Đặc biệt, đề thi môn Vật lý và Hóa học có nhiều câu bài tập đòi hỏi tính toán nhiều. Em Trần Anh Tài-học sinh Trường THPT Chi Lăng (điểm thi Trường THPT chuyên Hùng Vương) bày tỏ: “Dù môn Hóa là thế mạnh của em nhưng em vẫn thấy đề có nhiều câu khá khó. Em hoàn thành nhưng không chắc chắn về đáp án”.
Nhiều thí sinh tại điểm thi Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP. Pleiku) buồn bã rời khỏi phòng thi vì làm bài thi tổ hợp không được như mong muốn. Ảnh: Đức Thụy
Nhiều thí sinh tại điểm thi Trường THPT chuyên Hùng Vương buồn bã ra về vì làm bài thi tổ hợp không được như mong muốn. Ảnh: Đức Thụy
Tương tự, thí sinh Phạm Thị Lan Anh-điểm thi Trường THPT Nguyễn Tất Thành (huyện Ia Pa) cho hay: “Em đăng ký thi khối A và B để chọn vào các trường ngành kinh tế hoặc y dược. Tuy nhiên, em thấy đề thi môn Hóa và Lý tương đối khó, có nhiều mẫu bài tập em chưa gặp nên không biết giải thế nào. Môn Sinh thì nhẹ nhàng hơn, em làm được khoảng 70%”.
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Tất Thành (huyện Ia Pa) cho rằng đề môn Lý và Hóa tương đối khó Ảnh Văn Ngọc
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Tất Thành (huyện Ia Pa) cho rằng đề môn Vật lý và Hóa học tương đối khó. Ảnh: Văn Ngọc
Còn thí sinh Ngô Thị Thuận-điểm thi Trường THPT Nguyễn Thái Học (huyện Chư Pưh) thì lo lắng: “Đề thi tổ hợp Khoa học tự nhiên khá nặng với nhiều bạn, đặc biệt môn Hóa học. Em hoàn thành bài thi chỉ ở mức tương đối, hy vọng có thể đủ điểm để vào Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh”.
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thái Học( thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) hoàn thành buổi thi sáng ngày 8-7
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thái Học (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) hoàn thành buổi thi sáng ngày 8-7. Ảnh: Nguyễn Diệp
Nhận định về đề thi Lịch sử, thầy Ngô Minh Hiệp-giáo viên Lịch sử Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku) cho biết: “Khoảng 70% nội dung thuộc lịch sử Việt Nam giai đoạn từ 1919-1954, còn lại là lịch sử thế giới. Đề thật ra không khó nhưng có sự phân hóa rõ ràng. Đáp án rất cụ thể và không gây nhiễu cho thí sinh, chỉ cần các em ôn tập kỹ và nắm vững kiến thức, sự kiện thì có thể trả lời được. Tuy nhiên, nếu em nào chỉ quen nắm kết quả mà lơ là diễn biến lịch sử thì sẽ bị sót kiến thức và thấy khó”.
Thầy Đỗ Viết Huy-giáo viên Trường THPT Chi Lăng (TP. Pleiku) cũng đồng quan điểm với các thí sinh khi đánh giá về đề thi Vật lý. “Nội dung đề chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, chỉ 10% rơi vào kiến thức lớp 11. Mức độ nhận biết thông hiểu nằm ở 30 câu đầu tiên, 10 câu cuối cùng có độ khó tăng dần. Nhìn chung, đề thi chính thức nặng hơn so với đề minh họa. Học sinh khá-giỏi có thể đạt được 8 điểm nhưng để đạt trên 9 điểm sẽ rất khó”-thầy Đỗ Viết Huy nhận định.
Đối với đề thi Hóa học, thầy Nguyễn Bảo Hoàng-giáo viên Trường THPT Quang Trung (thị xã An Khê) phân tích: “Từ câu 1 đến câu 28, học sinh nắm vững kiến thức, áp dụng vào làm bài thì dễ lấy điểm, riêng từ câu 29 trở đi có sự phân hóa rõ nên sẽ làm khó nhiều thí sinh”.
Phấn khởi hoàn thành sớm kỳ thi
Theo quy định, thí sinh giáo dục thường xuyên dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp (Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội) do thí sinh tự chọn. Các thí sinh này cũng có thể đăng ký dự thi thêm bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh đại học. Thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT hoặc trung cấp) được đăng ký dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc môn thành phần của bài thi tổ hợp. Do đó, kết thúc buổi thi sáng nay, thí sinh ở hệ giáo dục thường xuyên và phần lớn thí sinh tự do đã hoàn thành kỳ thi của mình.
Phần lớn thí sinh tự do đã hoàn thành sớm kỳ thi với tâm trạng phấn khởi. Ảnh Đức Thụy
Phần lớn thí sinh tự do đã hoàn thành sớm kỳ thi với tâm trạng phấn khởi. Ảnh: Đức Thụy
Rời phòng thi với tâm trạng khá thoải mái, thí sinh Hoàng Đức Đạo-điểm thi Trường THPT chuyên Hùng Vương-vui vẻ nói: “Em đang thực hiện nhiệm vụ tại Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Gia Lai. Năm nay, em đăng ký dự thi 3 môn của khối C03 là Toán, Ngữ văn và Lịch sử để xét vào Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 2 ở TP. Hồ Chí Minh. Sáng nay, em đã hoàn thành bài thi cuối cùng với môn Lịch sử. So với 2 lần thi trước, em thấy đề thi lần này khó hơn nhưng em vẫn làm được khoảng 70-80%. Em rất vui vì kỳ thi năm nay của mình đã khá thành công”.
Thí sinh tự do Hoàng Đức Đạo (bìa trái) phấn khởi trao đổi bài với bạn sau khi hoàn thành môn thi cuối cùng của kỳ thi. Ảnh Hồng Thi
Thí sinh tự do Hoàng Đức Đạo (bìa trái) phấn khởi trao đổi bài với bạn sau khi hoàn thành môn thi cuối cùng của kỳ thi. Ảnh: Hồng Thi
Dù đã 2 lần thất bại trong các kỳ thi trước, song năm nay, thí sinh Nay Trân (SN 2001, thí sinh tự do trú tại huyện Ia Pa) vẫn tiếp tục đăng ký thi tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Tất Thành với quyết tâm theo đuổi đam mê trở thành sinh viên Trường Đại học Y dược Thái Nguyên. “Môn Sinh học em làm khá tốt khoảng 30 câu với những kiến thức căn bản, dễ nhận biết, còn lại 10 câu tương đối khó cần kiến những chuyên sâu và nâng cao hơn, em không chắc chắn. Môn Hóa cũng tương tự vì nhiều dạng bài tập em nghĩ sẽ dành cho các bạn học sinh giỏi. Hy vọng với việc làm tốt bài thi môn Toán hôm trước, em sẽ có điểm số cao để xét vào Đại học”-Trân thổ lộ. 
Ông Huỳnh Anh Linh- dự thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thái Học ( thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh)
Ông Huỳnh Anh Linh dự thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thái Học (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh). Ảnh: Nguyễn Diệp
Kỳ thi năm nay cũng ghi nhận nỗ lực của nhiều thí sinh lớn tuổi. Với kết quả làm bài khả quan, thí sinh Huỳnh Anh Linh (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) vui vẻ nói: “Tôi năm nay 41 tuổi rồi vẫn theo các cháu nhỏ đi thi tốt nghiệp. Sáng nay thi 2 môn thuộc Tổ hợp Khoa học xã hội là Lịch sử và Địa lý nữa là hoàn thành. Qua 1,5 ngày thi, tôi làm bài cũng tạm ổn nên rất hy vọng sẽ đạt kết quả tốt”.
Qua ghi nhận của nhóm P.V, trong buổi thi sáng 8-7, công tác phòng-chống dịch Covid-19, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và tư vấn-tiếp sức mùa thi… tại 39 điểm thi trên địa bàn tỉnh vẫn được đảm bảo và triển khai hiệu quả.
Công tác phân luồng, đảm bảo an ninh trật tự trước các điểm thi được tích cực triển khai. Ảnh Hồng Thi
Công tác phân luồng, đảm bảo an ninh trật tự trước các điểm thi được tích cực triển khai. Ảnh: Hồng Thi
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, toàn tỉnh có 4.608/4.623 thí sinh dự thi môn Vật lý (vắng 15 em), 4.624/4.642 thí sinh dự thi môn Hóa học (vắng 18 em), 4.523/4.540 thí sinh dự thi môn Sinh học (vắng 17 em), 9.209/9.270 thí sinh dự thi môn Lịch sử (vắng 61 em), 9.130/9.190 thí sinh dự thi môn Địa lý (vắng 60 em) và 8.406/8.437 thí sinh dự thi môn Giáo dục công dân (vắng 31 em); không có phát sinh thêm thí sinh không thể dự thi do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 so với số lượng ngày 7-7; không có thí sinh và cán bộ coi thi vi phạm quy chế thi.
Chiều nay, các thí sinh còn lại tiếp tục với bài thi Ngoại ngữ-môn thi cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Báo Gia Lai điện tử sẽ thông tin diễn biến đến bạn đọc.
Gia đinh và thầy cô giáo động viên tinh thần cho các thí sinh sau giờ thi. Ảnh Đức Thụy
Gia đình và thầy-cô giáo động viên tinh thần cho các thí sinh sau khi hoàn thành bài thi. Ảnh: Đức Thụy
NHÓM PHÓNG VIÊN

Có thể bạn quan tâm

Thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại Trường Tiểu học và THCS Phan Bội Châu. Ảnh: Hà Bắc

Thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại Trường Tiểu học và THCS Phan Bội Châu

(GLO)- Ngày 16-1, Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (CNCH) khu vực An Khê (Công an tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công an huyện Đak Pơ tổ chức hoạt động trải nghiệm kỹ năng chữa cháy, thoát nạn và thực tập phương án chữa cháy, CNCH tại Trường Tiểu học và THCS Phan Bội Châu (xã Phú An).

Gia Lai: Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết đối với 1 TTHC trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo

Gia Lai: Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết đối với 1 TTHC trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo

(GLO)- Ngày 15-1, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung đã ký Quyết định số 42/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết đối với 1 thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công tặng hoa chúc mừng 3 nhóm tác giả có dự án xuất sắc đại diện cho tỉnh tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Ảnh: T.D

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học, môi trường cho học sinh sáng tạo nghiên cứu

(GLO)- Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 11 (năm học 2024-2025) do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức diễn ra từ ngày 9 đến 11-1 đã trở thành sân chơi bổ ích, trí tuệ, góp phần thúc đẩy sự khám phá, đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh.

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

(GLO)- Đề án tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025 được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai triển khai đang là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục.

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

(GLO)- Chiều 3-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.