Một mình hoạt động trong lòng địch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhân chuyến công tác tại xã Nam Yang (huyện Đak Đoa), chúng tôi có dịp gặp cựu tù chính trị yêu nước Nguyễn Tẩu. Mặc dù đã 88 tuổi nhưng trông ông còn nhanh nhẹn, minh mẫn lắm. Lần giở quá khứ, ông kể cho chúng tôi nghe ký ức một thời chống Mỹ. Với ông, đó là những năm tháng không thể nào quên.
Căn nhà của ông Nguyễn Tẩu nằm ở cuối thôn 1, khá nhỏ nhưng được sắp xếp ngăn nắp, tạo sự gần gũi ấm áp. Trong căn phòng nhỏ, ông Tẩu dành không gian riêng ở cuối phòng khách để đặt chiếc bàn với rất nhiều tài liệu quan trọng, người thân trong nhà hiểu tính ông nên không mấy khi đụng đến. Đó là tài liệu ghi chép về những năm tháng hoạt động kháng chiến, về những cựu tù chính trị yêu nước đã mất và còn sống ở xã Nam Yang.
  Ông Nguyễn Tẩu (thứ 2 từ trái sang) trò chuyện cùng các cựu tù chính trị yêu nước. Ảnh: Phan Lài
Ông Nguyễn Tẩu (thứ 2 từ trái sang) trò chuyện cùng các cựu tù chính trị yêu nước. Ảnh: Phan Lài
Nhấp ngụm nước trà, ông Tẩu bắt đầu kể: Quê ông ở xã Bình Sa, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng nên ông đã sớm tham gia du kích. Năm 1957, địch nghi ông thuộc thành phần gia đình cộng sản nên tập trung đưa lên xã Lệ Chí (nay là xã Nam Yang) thuộc dinh điền Plei Piơm 2. Lên vùng đất mới, ông vừa kết nối với cơ sở cách mạng ở dinh điền, vừa tìm cách móc nối lại cơ sở cũ. Sau một thời gian,13 người có chung chí hướng đã tập hợp lại với nhau, xin ý kiến cấp trên thành lập tổ chức và hoạt động tại xã Lệ Chí, gây dựng cơ sở cách mạng trong lòng địch.
Năm 1962, nhận thấy ông Tẩu là người có tri thức trong số những người dân sống ở dinh điền Plei Piơm 2, địch cho giữ chức vụ ở xã để theo dõi mọi hoạt động của dinh điền. Nhiệm vụ này giúp ông nắm được tình hình của địch để kịp thời thông tin cho cách mạng. Tuy vậy, gia đình ông cũng không tránh khỏi những lời dị nghị của người dân, người trong tổ chức do chưa biết rõ về ông.
Hoạt động trong lòng địch dĩ nhiên là rất phức tạp, nguy hiểm. Ông kể về một trong những chiến công mà mình nhớ mãi, đó là trận đánh vào một đêm tháng 6-1963. Sau khi do thám số lượng địch đang đóng quân, vị trí địch thường qua lại, ông đã thông báo cho cơ sở cách mạng xã Lệ Chí. Sau đó, cơ sở cách mạng xã Lệ Chí phối hợp với Huyện đội tấn công Đại đội 144 gây cho địch nhiều thương vong, thu được nhiều súng đạn. Sau này khi đã hoàn hồn và nhờ có sự chi viện, địch mới kiểm soát trở lại dinh điền Plei Piơm 2.
Ngoài trận đánh trên, ông Tẩu còn giúp nhiều chiến sĩ của ta thoát khỏi sự vây bắt của địch. Năm 1964, cơ sở cách mạng ở Quảng Nam bị lộ, 4 chiến sĩ cách mạng là Võ Văn Thủy, Võ Văn Thành, Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Văn Lượng tìm đến xã Lệ Chí để nhờ giúp đỡ. Khi nắm được tình hình, ông đã kịp thời thông tin cho tổ chức bí mật đưa 4 đồng đội ra căn cứ cách mạng ở khu 6 (nay là xã Đak Sơ Mei) an toàn.
Nhấp thêm ngụm nước, ông tiếp tục kể: Năm 1965, cơ sở ở xã Lệ Chí bị lộ, ông Tẩu cùng một số người bị bắt giam. Địch đưa ông đến Trung tâm Cải huấn Pleiku (Nhà lao Pleiku). 2 tháng biệt giam trong xà lim, dù bị tra tấn dã man nhưng ông quyết không khai bất cứ thông tin gì về hoạt động cách mạng. Do vậy, địch đành đưa ông vào diện tù không án. “Chúng gọi tôi là kẻ “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”, bị quẹt điện vô lỗ tai, tra tấn chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần, thương tích đầy mình nhưng tôi xác định đã theo cách mạng thì một lòng sắt son, không bao giờ được phản bội”-ông Tẩu bồi hồi chia sẻ.
Năm 1970, ông được tha tù và bị địch bắt đi lính. Do có “tiền án” theo cách mạng nên ông chỉ được nấu cơm cho các đơn vị thiết giáp ở Pleiku. Vốn là người thông minh, nhanh nhẹn, ông tiếp tục móc nối với cơ sở và cung cấp nhiều thông tin có giá trị về tình hình địch để cách mạng có phương án đối phó hiệu quả. Sau ngày thống nhất đất nước, ông giữ nhiều chức vụ như: Phó Chủ tịch UBND xã Nam Yang, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nam Yang... Hiện nay, ông là Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị yêu nước xã Nam Yang. Nói về ông Tẩu, cựu tù chính trị Nguyễn Cương (xã Nam Yang) cho hay: “Là những cựu tù chính trị yêu nước, chúng tôi thường có những buổi kể chuyện kháng chiến để nhắc nhở con cháu phải sống xứng đáng, học tập tốt để cống hiến, xây dựng quê hương. Và câu chuyện tiếp cận địch để lấy thông tin cho cách mạng của ông Tẩu luôn được chúng tôi nhắc lại khi trò chuyện với lớp trẻ”. 
Phan Lài
--------------------
Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tài trợ cuộc thi này.

Có thể bạn quan tâm

Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.