Trong bối cảnh hợp tác kinh tế Việt Mỹ nhiều thuận lợi và có triển vọng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, việc mở đường bay thẳng từ Việt Nam sang Mỹ là điều có thể và Bamboo Airways làm “người tiên phong”. Đây cũng là kỳ vọng mà lãnh đạo của hãng hàng không này hướng tới và hoàn toàn có thể thực hiện được.
Trong những năm qua thị trường hàng không Việt luôn tăng trưởng ở mức “nóng”, tới nay đã có 6 hãng hàng không khai thác Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco, Bamboo Airways, Vietstar Airlines. Trong 6 đầu năm 2019, vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt xấp xỉ 27 triệu hành khách, tăng 7,7% so với năm 2018. Sự tăng trưởng của ngành hàng không đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt hội nhập quốc tế.
Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) Võ Huy Cường.
Mở ra nhiều cơ hội lớn
Chiều ngày 1/8, tại buổi toạ đàm “Bay thẳng Việt – Mỹ, sẵn sàng cho ngày cất cánh", Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) Võ Huy Cường cho biết việc thiết lập đường bay thẳng Việt - Mỹ sẽ tạo cho hãng hàng không Việt Nam khẳng định thương hiệu tầm quốc tế, nâng vị thế cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt đóng góp rất lớn trong nhiệm vụ chính trị, ngoại giao, tăng cường kết nối, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam với các cường quốc và các nước trên thế giới.
“Ngoài ra, không chỉ mang tính thương mại thuần túy mà còn thể hiện năng lực của hãng hàng không, cũng như toàn ngành hàng không và đặc biệt là thể hiện mối quan hệ toàn diện của hai đất nước”, ông Võ Huy Cường khẳng định.
Phân tích về thị trường hàng không đến Mỹ, ông Võ Huy Cường cho rằng: “Sau khi Hiệp định hàng không Việt Nam - Hoa Kỳ (Mỹ) được ký tháng 12/2003, các nhà hoạch định chiến lược của ngành hàng không Việt Nam đã phối hợp, xúc tiến xây dựng một kế hoạch khai thác các đường bay đến bờ Tây Hoa Kỳ”.
“Thị trường vận tải hàng không đến Hoa Kỳ là một thị trường lớn, giàu tiềm năng với tổng dung lượng thị trường giữa Việt Nam và Hoa Kỳ năm 2017 đạt trên 700 nghìn lượt hành khách với tỷ lệ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010 - 2017 đạt trên 8%/năm”, ông Võ Huy Cường đánh giá.
Theo ông Võ Huy Cường, từ công tác nghiên cứu thị trường, xác định sản phẩm bay hiệu quả tới việc đáp ứng mức 1 (Category 1) về năng lực giám sát an toàn hàng không theo quy định của Cục Hàng không Hoa Kỳ (FAA) trên cơ sở FAA tổ chức đánh giá An toàn hàng không toàn cầu (IASA) đối với Cục Hàng không Việt Nam cũng như công tác chuẩn bị kỹ thuật, làm chủ công nghệ khai thác, bảo dưỡng chủng loại tàu bay thế hệ mới để có thể thực hiện chuyến bay xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific) tới Mỹ.
Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị trong ngành đều xác định sự cần thiết sớm đưa vào khai thác đường bay trực tiếp đến Hoa Kỳ dù biết còn rất nhiều việc cần phải làm ở phía trước.
Phát biểu tại tọa đàm, bà Lâm Thùy Dương, Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh mở cửa, hội nhập và Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược về khu vực châu Á, triển vọng hợp tác kinh tế Việt – Mỹ đứng trước những cơ hội phát triển bền vững, thực chất, hiệu quả trong thời kỳ mới. Các yếu tố nêu trên là “điểm tựa” quan trọng để Bamboo Airways làm “người tiên phong” mở đường bay thẳng kết nối Việt Nam – Mỹ.
Bà Lâm Thùy Dương, Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đánh giá về hợp tác kinh tế Việt – Mỹ trong bối cảnh mới thuận lợi, bà Lâm Thùy Dương cho biết, quan hệ kinh tế Việt – Mỹ nói riêng và quan hệ song phương nói chung đang có triển vọng phát triển mạnh mẽ thời gian tới trong bối cảnh tình hình mỗi nước cũng như khu vực và thế giới về cơ bản thuận lợi.
Thứ nhất, Mỹ đang chuyển trọng tâm chiến lược mạnh mẽ sang châu Á, trong khi Việt Nam với tiến trình hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, đang trở thành một thành viên chủ chốt, có tiếng nói quan trọng trong khu vực và Việt Nam còn giữ vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020.
Quan hệ chính trị, đối ngoại Việt Nam – Mỹ đã chứng kiến những bước phát triển nhanh, vượt bậc cả về tầm mức và chiều sâu trong thời gian qua, với nhiều sự kiện mang ý nghĩa lịch sử như: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo một nước ASEAN đầu tiên thăm chính thức Mỹ ngay sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức; Tổng thống Trump là vị Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam 2 lần trong một nhiệm kỳ… Điều này nền tảng và động lực của quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Thứ hai, kinh tế Mỹ và Việt Nam đều trong thời kỳ tăng trưởng khá. Kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 3,2% năm 2018, trong khi kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,1% cùng năm. Hai nền kinh tế Việt Nam và Mỹ có tính bổ trợ cho nhau. Trong khi Việt Nam có các mặt hàng thế mạnh xuất khẩu sang Mỹ như thủy sản, hạt điều, dệt may, da giày… thì Mỹ cung cấp cho Việt Nam những sản phẩm công nghệ cao, trong đó phải kể đến các dự án đầu tư năng lượng hay các hợp đồng mua máy bay...
Thứ ba, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dù tạo ra không ít thách thức kinh tế, song cũng góp phần tạo nên động lực mới cho quan hệ kinh tế Việt Nam – Mỹ. Ngày càng nhiều công ty lớn của Mỹ dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội mở rộng đầu tư, xuất khẩu vào Mỹ thay thế “khoảng trống” mà doanh nghiệp Trung Quốc để lại, trong bối cảnh FDI của Trung Quốc vào Mỹ đạt đỉnh 46,5 tỷ USD vào năm 2016, nhưng đã giảm gần 90% xuống chỉ còn 5,4 tỷ USD vào năm 2018.
Bay thẳng tới Mỹ thôi, tại sao không?
Đánh giá về việc mở đường bay thẳng Việt sang Mỹ, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: "Việt Nam được cấp CAT1 khẳng định cục Hàng không Mỹ đã tin tưởng rất lớn tới hàng không Việt Nam. Đây là một lĩnh vực nếu làm được sẽ mở ra một cơ hội cho các lĩnh khách như du lịch, xuất nhập khẩu,... Đặc biệt, có một ý nghĩa rất lớn là hàn gắn vết thương chiến tranh, đánh dấu sự kiện hữu nghị ngoài giao giữa 2 nước".
"Tôi có đọc bài tham luận của TS. Trần Gia Huy, tôi rất thích cái tít "Bay thẳng tới Mỹ thôi, tại sao không?". Ngoài ra, tôi cũng thích phát biểu của ông Võ Huy Cường nói, không còn rào cản nào để bay thẳng tới Mỹ. Như vậy, việc này thể hiện sự tin tưởng của Mỹ đối với chúng ta", ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đánh giá.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (giữa ảnh).
Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways Trương Phương Thành cho biết bay thẳng tới Mỹ là một đường bay có nhiều ý nghĩa và giá trị quan trọng. Không chỉ là đường bay kết nối hai đất nước nằm ở hai châu lục, mà còn là đường bay kết nối hai nền kinh tế đang có rất nhiều tiềm năng hợp tác, khẳng định một bước tiến tốt đẹp trong quan hệ giữa chính trị, ngoại giao giữa hai nước, thúc đẩy tăng trưởng các lĩnh vực thương mại, đầu tư và du lịch.
“Chúng tôi không giấu kỳ vọng sẽ là hãng hàng không tại Việt Nam có đường bay thẳng tới Mỹ và tự tin rằng Bamboo Airways hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu này”, ông Thành nói.
Theo ông Trương Phương Thành, ngay sau khi chuyến bay đầu tiên của Bamboo Airways cất cánh tháng 1/2019, Bamboo Airways đã bắt tay chuẩn bị cho đường bay nhiều thách thức này như tiến hành ký thỏa thuận đặt mua máy bay thân rộng từ Boeing, xây dựng bộ máy nhân sự, huấn luyện phi công, tìm hiểu kỹ càng các yêu cầu về an toàn, an ninh, những điều kiện pháp lý, luật liên bang, tiểu bang của Mỹ...
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết Hoa Kỳ trong nhiều năm qua duy trì vị trí cường quốc số một về kinh tế. Ngành du lịch của Hoa Kỳ đóng góp 7,7% vào tổng GDP và 8,9% tổng số việc làm (số liệu WTTC 2019). Một hệ quả tất yếu là Hoa Kỳ có mức chi tiêu lớn dành cho hoạt động du lịch. Nhưng đồng thời cũng như là một trong thị trường có sức thu hút đối với khách du lịch nước ngoài hàng đầu thế giới.
Theo công bố của Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) năm 2017, Mỹ hiện được xếp thứ ba về tổng lượng khách quốc tế đến nhưng xếp thứ nhất về tổng doanh thu từ du lịch.
Lượng khách quốc tế đến Hoa Kỳ năm 2017 là 76,9 triệu lượt khách (tăng 0,7% so với năm 2016, chiếm 5,8% tổng lượng khách toàn thế giới) và tổng doanh thu từ du lịch là 210,7 tỷ USD (tăng 1,9% so với năm 2016, chiếm 1,3% tổng doanh thu từ du lịch của toàn thế giới). Mặc dù thứ hạng về lượng khách của Hoa Kỳ thay đổi qua các năm nhưng xét tổng doanh thu từ du lịch, Hoa Kỳ ổn định vị trí thứ nhất. Một điểm nổi bật trong cơ cấu chi tiêu của khách du lịch tới Hoa Kỳ là 70% dành cho chi tiêu cho các hoạt động giải trí (Số liệu của WTTC 2019).
Ông Vũ Thế Bình cho biết thêm, theo số liệu thống kê của Hiệp hội du lịch Việt Nam, lượng khách Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2017 là 88.500 lượt và năm 2018 là khoảng 100.000 lượt, chưa vượt quá 1% tổng lượng khách Việt Nam ra nước ngoài.
Đây là con số khiêm tốn trước bối cảnh lượng khách outbound của Việt Nam đang tăng nhanh (đạt khoảng 10 triệu năm 2018) và du lịch Việt Nam đang hướng khách du lịch Việt Nam đến với các quốc gia phát triển để người dân không chỉ khám phá văn hóa, thiên nhiên mà còn tìm hiểu cơ hội phát triển kinh tế. Trong các quốc gia đó, Hoa Kỳ là một điểm đến hấp dẫn hàng đầu của khách du lịch Việt Nam.
Tháng 2/2019, Việt Nam đã được Cục hàng không Liên bang Mỹ (FAA) trao chứng chỉ công nhận năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1). Việc phê chuẩn CAT 1 đã mở đường cho các hãng hàng không của Việt Nam bay thẳng đến Mỹ và tạo thuận lợi cho việc hợp tác liên danh giữa các hãng hàng không và nhân dân hai nước. Các hãng hàng không Việt Nam đang đẩy mạnh khai thác thị trường hàng không quốc tế, trong đó Mỹ là một trong những thị trường trọng điểm hàng đầu, được xác định trong Đề án: "Định hướng phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam với các quốc gia, địa bàn trọng điểm nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2119/QĐ-TTg ngày 28/12/2017. |
Thế Anh (Dân Việt)