Miệt mài Đăk Bla

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trải qua bao biến thiên của tự nhiên và lịch sử vùng đất “Làng Hồ”, dòng sông Đăk Bla vẫn miệt mài chảy đưa nước về tưới tắm cho ruộng đồng phì nhiêu thành phố Kon Tum và tích nước cho thủy điện Ia Ly để tạo ra nguồn điện, góp phần cho sự phát triển của đất nước hôm nay và mai sau.

Mùa xuân Quý Mão năm 2023 lại về, dòng sông Đăk Bla ngày đêm êm đềm chảy, miệt mài mang nước tưới tắm cho các cánh đồng và cung cấp nước cho thủy điện Ya Ly. Đâu đó, dấu tích của những trận mưa rừng còn sót lại ở phía thượng nguồn, mang theo cả phù sa về tài bồi cho những cánh đồng màu mỡ ở thành phố Kon Tum. Đi dọc dòng sông đoạn qua các làng đồng bào DTTS sống ven sông, chúng tôi thấy ngoài sản xuất nông nghiệp, phần lớn bà con đều gắn liền với nghề đánh bắt thủy sản.

Những ngày cận Tết Nguyên đán, cùng với những chiếc thuyền độc mộc nhỏ làm bằng gỗ, bà con DTTS nơi đây thường xuống sông bắt cá, bắt tôm đem về chế biến những món ăn cho gia đình. Những người không có thuyền độc mộc thì ra bờ sông đoạn nước chảy lững lờ ngồi câu cá. Tiếng đùa vui với sông nước của bà con hòa với cảnh mùa Xuân về, càng làm cho không gian chốn làng quê vùng sơn cước thêm phần tươi đẹp. Bên bếp lửa chiều trên những ngôi nhà sàn, mùi cá nướng tỏa ra thơm phức, béo ngậy, càng làm cho cuộc sống nơi đây thêm phần thi vị.

Dòng sông Đăk Bla đoạn chảy qua trung tâm thành phố Kon Tum. Ảnh: VH

Dòng sông Đăk Bla đoạn chảy qua trung tâm thành phố Kon Tum. Ảnh: VH

Ngược lên phía thượng nguồn dòng sông Đăk Bla, tuy các làng đồng bào DTTS sống thưa thớt, nhưng các con đường rộng mở dọc theo hai bên dòng sông đã được Nhà nước và nhân dân đầu tư xây dựng, nên vấn đề giao thông đi lại rất thuận tiện. Những vườn cà phê, cao su, bời lời, tiêu, cây ăn quả và nay có thêm những vườn cây dược liệu nữa, cho thấy cuộc sống của bà con đã khấm khá lên nhiều. Điều đó chứng tỏ, dù trực tiếp hay gián tiếp, dòng sông Đăk Bla đã góp phần cho màu xanh quê hương Kon Tum ngày càng phát triển.

Nhưng tất cả phù sa của dòng sông Đăk Bla đều hội tụ về thành phố Kon Tum, nơi có những cánh đồng lúa và mía rộng thẳng cánh cò bay ở các xã, phường vùng ven. Các cánh đồng không những cung cấp lương thực cho người nông dân làm lúa, mà còn cung cấp cho cả thành phố Kon Tum không bị “đứt bữa” trong những tháng ngày giáp hạt.

Sau khi tắm mát đất trời thành phố Kon Tum, dòng sông Đăk Bla hợp lưu với dòng sông Pô Kô để trở thành dòng sông Sê San và tạo ra lòng hồ thủy điện Ia Ly do bàn tay của con người làm nên. Tại đây, nguồn điện từ sức nước của dòng nước Sê San đã hòa vào lưới điện quốc gia, góp phần cung cấp nguồn năng lượng lớn cho đất nước thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay và mai sau.

Đến với thành phố Kon Tum, ngồi ngắm dòng sông Đăk Bla chảy ngược, thả hồn bên ly cà phê hương vị đắng chát, lòng người cảm thấy nhẹ nhàng, khoan thai mỗi khi ngẫm suy dòng sông thân thương mang nhiều huyền thoại đã đi vào lòng người dân phố núi Kon Tum bao đời nay. Dù thời gian có xóa nhòa, thì sông Đăk Bla vẫn là con sông nghĩa tình, thủy chung đối với những ai từng biết, từng gắn bó với nó.

Cầu treo Kon Klor về đêm. Ảnh: Nguyễn Ban

Cầu treo Kon Klor về đêm. Ảnh: Nguyễn Ban

Một trăm mười năm kể từ ngày tỉnh Kon Tum được thành lập cho đến nay, trải qua bao thời khắc lịch sử, dòng sông Đăk Bla vẫn là biểu tượng thanh bình cho một tỉnh phía Bắc Tây Nguyên giàu lòng cách mạng. Bên “dòng sông chảy ngược” ấy, Ngục Kon Tum là nơi biết bao chiến sĩ cộng sản sáng ngời khí tiết, một lòng vì nước vì dân, quyết đem xương máu của mình để bảo vệ Tổ quốc thân yêu.

Cũng bên dòng sông Đăk Bla thân yêu, bao nghệ nhân của các DTTS như Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai… vẫn miệt mài ngày đêm bảo tồn, lưu truyền và phát triển các giá trị văn hóa của dân tộc mình cho thế hệ mai sau. Những chiếc thuyền độc mộc nhẹ nhàng lướt trên dòng nước, những dụng cụ đánh bắt thủy sản trên sông, hay những tấm áo choàng thổ cẩm sặc sỡ sắc màu trên làn da sạm nắng của các chàng trai, cô gái các DTTS nơi đây, cho ta thấy sức sống trường tồn của một nền văn hóa Tây Nguyên đa sắc tộc.

Bây giờ đời sống tinh thần và vật chất của cư dân sống đôi bờ dòng sông Đăk Bla có nhiều thay đổi, nhưng nét đẹp văn hóa truyền thống vẫn được bà con, đặc biệt là thế hệ trẻ giữ gìn, nâng niu và coi đó như là báu vật của tổ tiên để lại. Vào các dịp lễ hội, ở các làng đồng bào DTTS đều đánh cồng chiêng, múa xoang thâu đêm suốt sáng dưới mái nhà rông. Với tín ngưỡng đa thần, người dân sinh sống dọc hai bên bờ sông này, kể từ phía thượng nguồn cho đến phía hạ lưu, đều vẫn múa hát gọi thần sông Đăk Bla về phù hộ độ trì, bởi họ coi đó là dòng sông cái.

Mùa xuân Quý Mão năm 2023 đã về. Dòng sông Đăk Bla ánh lên một màu nước bạc. Thành phố Kon Tum bây giờ phát triển rộng ra cả hai bờ phía Bắc, phía Nam. Nhà cửa cao tầng san sát. Xe cộ chạy ngược, chạy xuôi. Lòng người tất bật hối hả. Thế nhưng, dòng sông Đăk Bla vẫn hiền hòa chảy, nước xuôi về phía thủy điện Ia Ly. Và điều đặc biệt, trong lòng dòng sông chảy ngược ấy vẫn miệt mài mang nặng những hạt phù sa vượt qua thác ghềnh để đem về vùng hạ lưu thành phố Kon Tum bồi đắp cho những cánh đồng màu mỡ hôm nay và cho cả mai sau thêm xanh tươi hơn.

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.