Men say làng Teng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những ngôi nhà sàn dần thưa vắng thay vào đó là những ngôi nhà ngói. Con gái làng Teng giờ nhiều người học đại học, cao đẳng rồi về công tác ở địa phương, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống.

Làng Teng (xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) nằm bên Quốc lộ 24 (nối Quảng Ngãi với Tây Nguyên) và dòng sông Liêng hiền hòa. Con gái dân tộc H’rê trong làng nổi tiếng vừa xinh đẹp vừa giỏi giang.

Mấy ai kiên nhẫn chờ mùa trăng

Bạn tôi, anh Phạm Xuân Hậu (ngụ thôn Nước Trinh, xã Ba Chùa, huyện Ba Tơ) vốn là người kín tiếng. Thế nhưng, mỗi khi tán chuyện về con gái làng Teng là anh sôi nổi ngay. Anh khoát tay, nhận xét: "Con gái H’rê nói chung là đẹp. Nhưng nhiều người đẹp chắc chắn là phải ở làng Teng. Thì đâu phải bây giờ, khi con đường nối từ Quốc lộ 24 về làng được bê-tông, mà ngày xưa khi còn bê bết bùn đất, trai làng bên có mấy ai kiên nhẫn chờ đến mùa trăng sáng mà trong những ngày mưa cũng tìm về nơi đây hò hẹn".

Anh Hậu nằm trong tốp đó. Anh mê cô bạn cùng lớp tên Phạm Thị Sung dáng người nền nã, hát hay, múa giỏi. Nhưng chuyện đời, hoa thơm nên nhiều ong bay lượn. Người xinh ai chẳng muốn dành tình cảm cho riêng mình. Anh Hậu biết thế nên càng bỏ công theo đuổi. Anh cười, thú nhận: "Có những hôm ông trăng tròn đã khuất sau núi, tiếng con gà rừng gáy trên nương, mình mới rời làng Teng". Rồi cái ngày mong ước cũng đến. Anh Hậu cưới chị Sung. Trong đám cưới, nhiều trai làng đến chúc phúc. Có người khen anh Hậu tốt duyên. Bao trai làng tiếc ngẩn tiếc ngơ.

 

 Con gái làng Teng trong điệu múa truyền thống của người H’rê
Con gái làng Teng trong điệu múa truyền thống của người H’rê


Mà đâu phải chỉ có anh Phạm Xuân Hậu cưới được vợ ở làng Teng. Ông Phạm Văn Néo, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, ngẫu hứng liệt kê: "Này nhé, còn có ông Phạm Văn Sáu rồi ông Quốc A Soa, nguyên Bí thư Huyện ủy Ba Tơ giai đoạn 1963-1970 và 1971-1973, đều là dân xã khác đến làng Teng cưới vợ. Bí thư Huyện ủy Ba Tơ hiện nay là ông Đinh Ngọc Vỹ, quê ở huyện Sơn Hà, cũng chọn con gái làng Teng làm bạn đời đấy nhé".

Anh Phạm Văn Xuân (quê làng Teng), Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Ba Tơ, nói: "Mình đi nhiều nơi, có người hỏi sao con gái làng mày đẹp thế. Có phải do con nước sông Liêng? Nghe lập luận như thế, mình cười vì cho là không thỏa đáng. Bởi con nước sông Liêng lững lờ trôi qua nhiều xã, biết bao nhiêu cư dân chung sống ở đó chứ nào có phải riêng làng Teng".

Rồi anh Xuân lý giải: "Sở dĩ con gái làng Teng nổi tiếng là nhờ có nghề dệt thổ cẩm lâu đời và hiện là làng duy nhất trong cộng đồng dân tộc H’rê ở đây biết dệt thổ cẩm. Ở những làng quê làm nông nghiệp, con gái ngày ngày phải lên rẫy, ra đồng cấy cày gieo hạt, chịu nắng, chịu mưa. Con gái làng Teng cũng có làm ruộng, làm rẫy nhưng ít thôi, mà đa phần sống bằng nghề dệt, thường ngày ở trong nhà sàn nên nước da trắng. Vả lại, nghề dệt đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu, nên các cô gái làng Teng có đôi tay khéo léo. Chưa kể sống bằng nghề dệt nên chị em thường mua bán, trao đổi với người Kinh và đồng bào các dân tộc khác trong vùng nên hầu như cô gái nào cũng nhanh nhẹn, cũng sõi tiếng Kinh và nhiều người có học thức cao".

Chẳng ai ngoảnh mặt sang ngang

Lý giải nhiều cách nhưng rồi ai cũng gật đầu khen con gái làng Teng xinh đẹp so với nhiều làng khác trên địa bàn huyện Ba Tơ. Nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh về Ba Tơ thăm di tích cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và những thắng cảnh trên địa bàn, đến khi được xem những cô gái làng Teng nhảy múa, uốn người theo điệu cồng, điệu chiêng, đều xuýt xoa, tán thưởng.

 

 


Được xem những tấm thổ cẩm có đường nét tinh xảo của làng Teng, nhiều du khách buột miệng: "Con gái làng Teng khéo thật". Riêng cánh mày râu, khi ngồi ở đầu nhà sàn thưởng thức món thịt trâu nướng, cá niêng nướng chấm muối ớt vừa ngọt vừa béo, rồi vít triêng hút một hơi rượu cần do con gái làng Teng ngâm ủ, nghe điệu ca lêu cất lên từ những cô gái làng Teng thì nhiều anh chơi vơi. "Có thế lũ đàn ông mới say, mới tìm về làng Teng chứ" - bà Phạm Thị Thiều, vợ ông Quốc A Soa, cười nói.

Rồi bà Thiều hồi ức về những ngày tháng cũ. Ngày đó, dọc sông Liêng nối tiếp nhau là những ruộng bông. Trong nắng chiều buông, sông Liêng trôi êm đềm. Dưới ruộng, thấp thoáng những cô gái làng Teng lưng gùi, hái bông đem về xe thành sợi làm nguyên liệu để dệt thổ cẩm. Tiếng nói cười, tiếng hát vang rộn khắp triền sông.

Con gái làng Teng một khi đã có người thương thì lại càng say sưa bên khung cửi để dệt tấm thổ cẩm cho riêng mình trong ngày cưới, rồi làm quà cho bố mẹ chồng và xa hơn là dệt tấm địu để mai này địu con trên lưng lên rẫy, ra nương.

Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ bùng lên, thanh niên làng Teng đua nhau vào bộ đội, du kích hoặc đi dân công gánh gạo nuôi quân, tải vũ khí, đạn dược cho bộ đội. Đồng bào dân tộc H’rê ở huyện Ba Tơ đều chung một lòng tất cả cho tiền tuyến để đánh thắng kẻ thù, thống nhất đất nước.

Giữa tháng ngày rền tiếng súng, tiếng bom vẫn có những đêm trăng sáng vằng vặc trên đồi. Trai làng lại thổi sáo hò hẹn người yêu. Nhiều cô gái làng Teng có chồng đi bộ đội, sao khỏi bồn chồn. Nhưng rồi tất cả đều hiểu người thương của mình đang dốc lòng cho kháng chiến nên một mực thủy chung, chờ chồng, chẳng ai ngoảnh mặt sang ngang.

Riêng với bà Thiều, sau ngày thống nhất, ông Quốc A Soa lại bận rộn công việc của thời hậu chiến, vợ chồng tuổi cũng đã cao nên kết cục họ chẳng thể nào có được mụn con. Rồi ông ốm đau và ra đi mãi mãi. Bà Thiều ở vậy, vui chung niềm vui của người làng.

Khác xưa nhiều lắm

Làng Teng bây giờ khác xưa nhiều lắm. Những ngôi nhà sàn dần thưa vắng thay vào đó là những ngôi nhà ngói. Con gái làng Teng giờ nhiều người học đại học, cao đẳng rồi về công tác ở địa phương, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống.

Chị Phạm Thị Sung, vợ anh Phạm Xuân Hậu, sau khi tốt nghiệp Khoa Công tác xã hội Trường Đại học Quảng Nam đã quay về làng. Dù có chồng, có một con còn nhỏ nhưng chị vẫn thường xuyên tham gia văn nghệ trong những ngày hội làng.

Đưa tay chỉ về một cửa hàng nhỏ xinh xinh nằm đối diện với Khu Bảo tồn và Phát huy giá trị văn hóa làng Teng, chị Sung nói: "Cái shop của mình đó. Nó nảy sinh sau khi mình đi dự lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất, năm 2018".

Tại shop của chị, du khách có thể tìm thấy toàn bộ trang phục của người H’rê là chiếc váy cho phụ nữ, tấm choàng, tấm địu con, chiếc khố cho đàn ông. Thổ cẩm của người H’rê truyền thống chỉ có hai màu đen, trắng cùng những hoa văn họa tiết phản ánh đời sống của đồng bào dân tộc. Nhưng để đáp ứng nhu cầu du khách, chị Sung dệt những tấm thổ cẩm phá cách có xen lẫn màu xanh, màu hồng.

Cũng từ nhu cầu của du khách, chị Sung còn dùng thổ cẩm để may thành quần áo. Một tấm thổ cẩm bình thường giá 800.000 đồng nhưng đem may thành bộ áo quần có giá 950.000 đồng. Không chỉ dừng lại ở những sản phẩm thổ cẩm, tại shop này, du khách còn có thể tìm thấy những vật dụng về đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc H’rê như nỏ, chiêng, gùi tre hay vật trang sức của đồng bào là những chiếc kiềng đồng. Chị Sung cho hay ngoài việc mua bán trực tiếp, bây giờ người mua có thể đặt hàng với chị qua mạng, qua Facebook, bưu điện.

Còn chị Phạm Thị Y Hòa, cộng tác viên thuyết minh của Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ, kể: "Mình đi dự nhiều đám cưới của bạn bè mới thấy mong muốn của các cô dâu. Nếu giữ nguyên trang phục truyền thống chàng trai đóng khố, con gái khoác tấm Cà Tu trong ngày cưới thì nhiều bạn trẻ bây giờ không thích. Nhưng theo trang phục ngày cưới của cô dâu, chú rể người Kinh thì nhiều bạn trẻ cũng không hài lòng. Thế là mình suy nghĩ rồi lên mạng tìm tòi để cách tân váy cưới của đồng bào H’rê. Rồi chiếc váy cưới cách tân của Y Hòa ra đời. Không chỉ con gái làng Teng mà người ở tận các huyện Minh Long, Sơn Hà cũng đến gặp chị để thuê váy cưới. Người khá giả thì đặt chị dệt may cho riêng mình một chiếc váy cưới.

 


Càng có điều kiện phô diễn

Làng Teng bây giờ là điểm đến trong tour du lịch về với vùng An toàn khu Ba Tơ. Tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư 10,5 tỉ đồng để triển khai dự án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng Teng trên mặt bằng rộng gần 1,5 ha với nhà văn hóa và 3 nhà sàn truyền thống. Mục đích làm nơi dạy nghề dệt thổ cẩm, tổ chức hát dân ca, dân nhạc. Những cô gái làng Teng càng có điều kiện phô diễn vẻ đẹp, sự giỏi giang của mình để những đấng mày râu lại đến tìm người thương.


Theo Bài và ảnh: Võ Quý Cầu (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

(GLO)- Năm 1993, Sở Văn hóa-Thông tin (VH-TT) và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã ký kết chương trình phối hợp hành động với nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có mô hình “Điểm sáng văn hóa vùng biên”.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.

Tiết mục hát dân ca của em Đinh Doanh và đoàn nghệ nhân xã Pờ Tó trong chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tại huyện Ia Pa. Ảnh: V.C

Cồng chiêng cuối tuần trở lại Ia Pa

(GLO)- Tối 17-11, chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tiếp tục được tổ chức tại huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Chương trình mang đến nhiều tiết mục đặc sắc làm nức lòng người dân và du khách.

Giá trị của liên hoan

Giá trị của liên hoan

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Cần Thơ vừa khép lại. Bên cạnh những hồ hởi, vui vẻ, nhiều nỗi niềm của sân khấu cải lương truyền thống cũng đã bộc lộ trong mùa liên hoan năm nay.

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

(GLO)- Cứ mỗi buổi sinh hoạt, khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) lại rộn ràng tiếng cồng chiêng. Âm thanh quen thuộc ấy đến từ đôi tay nhỏ bé của các em học sinh thuộc Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng của trường.