Manh áo bạc vì dịch: Sa bẫy lừa việc làm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
'Họ thách tôi báo công an. Mỗi lần đi xa, tôi phải bồng theo con nhỏ nhưng số tiền đó là mồ hôi nước mắt nên tôi không cam tâm...', chị G. bực dọc.
Chị N.T.G phải mất 4 lần chạy lên xuống mới đòi được tiền đã đóng cho Công ty V.A nhưng không nhận được việc làm. ẢNH: NHẬT LINH
Chị N.T.G phải mất 4 lần chạy lên xuống mới đòi được tiền đã đóng cho Công ty V.A nhưng không nhận được việc làm. ẢNH: NHẬT LINH
Sau mỗi đợt dịch, người lao động thất nghiệp lại ồ ạt tìm việc. Đây cũng là “thời cơ” cho những công ty môi giới việc làm “đểu” vươn vòi lừa đảo trên địa bàn TP.HCM, khiến người lao động khi sa vào “bẫy” chịu cảnh “tiền mất tật mang”.
Ròng rã đòi tiền
“Người ta nghèo, người ta cần việc, vậy sao nỡ lòng lừa người ta?”. Đó là câu nói gây ám ảnh chúng tôi của một phụ nữ đi đòi tiền ở Công ty TNHH dịch vụ đầu tư Thống Nhất (gọi tắt Công ty Thống Nhất; đường số 13, khu dân cư Phong Phú, xã Phong Phú, H.Bình Chánh) hồi tháng 5.2020, sau đợt giãn cách xã hội. Mồ hôi nhễ nhại, chị nói như van xin những nhân viên tại đây trả tiền cho chị.
Thời điểm này, qua loạt bài điều tra Cảnh giác bẫy lừa việc làm, Báo Thanh Niên liên tục phản ánh về nạn lừa đảo môi giới việc làm ở Công ty Thống Nhất; Công ty TNHH phát triển quốc tế Sài Gòn Group (P.Tân Tạo, Q.Bình Tân); Công ty TNHH dịch vụ phát triển quốc tế Hưng Thịnh (gọi tắt Công ty Hưng Thịnh, P.4, Q.8; hiện đều không còn hoạt động). Những công ty này lợi dụng uy tín của các siêu thị, cửa hàng lớn như Big C, Co.opmart, The Coffee House... lập hàng trăm trang tuyển dụng ảo, dẫn dụ người lao động (NLĐ) đóng tiền, nhưng thực chất không hề có việc làm; khi nạn nhân đến đòi tiền bị nhân viên viện lý do, hứa hẹn để tránh việc trả tiền. Rất nhiều lao động không phân biệt độ tuổi, chuyên môn... “sập bẫy”.
H.P.L (19 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) sống với bà ngoại từ nhỏ vì ba mẹ ly thân. Hoàn cảnh khó khăn, L. nghỉ học từ năm 12 tuổi. Chưa tròn 20 tuổi, L. đã phải làm nhiều nghề như phụ hồ, bốc vác, bán vé số... để sinh nhai. Ngày 1.5, khi đăng ký xin việc ở Công ty Thống Nhất, L. mượn bà ngoại 500.000 đồng, cộng với tiền của mình để đóng 800.000 đồng, chờ ngày nhận việc. Thế mà “công như công cốc”. Quá ấm ức vì không có việc, cứ bị hẹn lần lữa, ngày 13.5, L. đến công ty, quả quyết nếu không lấy lại tiền sẽ không về. Cuối cùng sau khi trình báo công an xã Phong Phú xuống làm việc, công ty mới trả lại cho L. được 500.000 đồng, vậy mà L. đã reo sung sướng: “Với em vậy đủ rồi. Về với ngoại được rồi”.
Bà L.T.N rơm rớm nước mắt đếm những tờ tiền mới đòi được. ẢNH: PHẠM THU NGÂN
Bà L.T.N rơm rớm nước mắt đếm những tờ tiền mới đòi được. ẢNH: PHẠM THU NGÂN
Việc đòi tiền của bà L.T.N (60 tuổi, quê Vĩnh Long) cũng gian nan không kém. Từ tờ mờ sáng 13.5, bà đã cùng cháu trai chạy từ Q.12 lên Công ty Thống Nhất. Bà N. kể, con gái và cháu trai của bà trước đó là công nhân nhà máy, nhưng vì dịch Covid-19 nên thất nghiệp. Khi đó, họ theo chỉ dẫn của một trang tuyển dụng nhân viên siêu thị mới đến Công ty Thống Nhất, đóng tổng cộng 1,6 triệu đồng. Bà muốn để tiền ăn đến cuối tháng, nhưng muốn cho con, cháu có việc nên đành “bóp bụng”, mượn thêm người quen 600.000 đồng. Nhưng sau đó không hề có việc, liên hệ công ty không được.
Cũng trong ngày 13.5, bà N. đội nắng chờ, bức xúc: “Sáng nay tôi đến gọi cửa, có một người đàn ông ra, chẳng những không giải quyết mà còn chửi tôi làm phiền giấc ngủ, rồi cầm cây ra dọa đánh tôi”. Đến chiều bà quyết liệt đòi mới nhận được tiền, xòe những tờ tiền ra đếm, bà N. rơm rớm nước mắt.
Nhưng không phải ai cũng may mắn đòi được tiền. Như em L.T.K.H (quê Bến Tre, sinh viên của một trường cao đẳng). H. mới 19 tuổi, sống cùng mẹ và em ở một nhà trọ tại H.Bình Chánh. Mẹ H. là công nhân nhưng do dịch bị giảm giờ làm. Muốn đỡ đần cho mẹ, H. tìm việc trên Facebook rồi bị sa vào bẫy lừa. Ngày 11.5, H. lén mẹ bắt hai chuyến xe buýt đến Công ty Hưng Thịnh (P.4, Q.8) để đăng ký công việc. Ở đây H. lấy hết 700.000 đồng tiền tiết kiệm để đóng, được hẹn ngày 12.5 đến Công ty Thống Nhất nhận việc. Ai ngờ đúng ngày hẹn đến Công ty Thống Nhất, H. thấy đông người bị lừa chờ đòi tiền, quay lại trụ sở Công ty Hưng Thịnh mới biết công ty này đã đóng cửa, liên hệ nhân viên không được...
Mới đây, H. bảo với tôi rằng số tiền đó vẫn “bặt vô âm tín”. Mẹ H. đã đi làm lại, còn H. giờ đang phụ bán trà sữa. “Quan trọng em đã đỡ đần mẹ đôi chút cho qua dịch này, chứ em không trông mong gì lấy lại được số tiền đã mất”, H. nói.
Mánh khóe lừa gạt tinh vi hơn
Đến giữa tháng 9.2020, chúng tôi tiếp tục nhận nhiều phản ánh việc Công ty TNHH dịch vụ an ninh V.A (Công ty V.A, trụ sở ở Q.Thủ Đức) có những chiêu trò lừa NLĐ tương tự. Khi thâm nhập công ty này, chúng tôi gặp nhiều “gương mặt thân quen” ở 3 công ty trước đó.
Cẩn thận với kênh trung gian tuyển việc làm ở siêu thị
Trả lời Thanh Niên, đại diện Saigon Co.op, Big C nhiều lần cảnh báo họ không ký kết hợp tác, không ủy quyền và không sử dụng bất kỳ dịch vụ tuyển dụng nào của các công ty trung gian.
Liên quan vấn đề thu tiền môi giới việc làm, luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết NLĐ tìm việc chỉ trả các khoản phí cho công ty môi giới khi họ và bên sử dụng lao động ký hợp đồng. Nếu không ký hợp đồng và không có thỏa thuận trước với bên môi giới, NLĐ sẽ không phải trả khoản tiền này. Theo quy định tại điều 153 luật Thương mại 2005 về quyền hưởng thù lao môi giới, các trung tâm môi giới thu tiền là có cơ sở. Đồng thời, tại Thông tư 72 năm 2016 của Bộ Tài chính, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm chỉ được thu không quá 10.000 đồng cho hoạt động tư vấn, không quá 200.000 đồng cho dịch vụ việc làm...
Theo luật sư Tuấn, NLĐ cần tránh những nơi ép mình đóng khoản tiền lớn, thu tiền không có biên lai hay không có các thỏa thuận đúng pháp luật; cần báo cho các cơ quan như phòng LĐ-TB-XH quận, huyện; công an địa phương nơi có các công ty lừa đảo đó, cũng như có văn bản tố cáo hành vi thu tiền bất hợp pháp, không giới thiệu việc làm... để có cơ sở thanh kiểm tra và xử lý, trường hợp vi phạm sẽ tước giấy phép, xử lý theo quy định. Ngoài ra, NLĐ nên tìm đến những trung tâm tư vấn việc làm của nhà nước để đăng ký việc làm.
Luật sư Tuấn cũng cho rằng chính quyền địa phương cần tăng cường thanh kiểm tra thường xuyên đối với công ty môi giới trên địa bàn, yêu cầu công ty công khai giá dịch vụ giới thiệu việc làm...; sổ sách ghi chép cẩn thận, cụ thể, cần có bản cam kết với chính quyền địa phương về hoạt động giới thiệu việc làm của mình không vi phạm pháp luật. Cơ quan chức năng khi phát hiện cần xử lý mạnh tay, rút giấy phép; nếu vi phạm pháp luật hình sự, chuyển cơ quan công an có thẩm quyền xử lý.
Song Mai

Với chiêu trò lừa gạt tinh vi hơn, lập ra với hình thức cung ứng lao động giám sát, bảo vệ, Công ty V.A tạo nhiều trang tuyển dụng ảo, tuyển các vị trí như thu ngân, bán hàng để NLĐ ứng tuyển, rồi lừa họ ký vào hợp đồng thỏa thuận giới thiệu công việc làm bảo vệ. Đến khi nhận việc, NLĐ mới “tá hỏa” mình bị lừa.

“Những người học ít như chúng tôi làm sao nghĩ đến mấy thỏa thuận đó chỉ tuyển bảo vệ. Tôi ứng tuyển làm nhân viên bán hàng, họ cũng tuyển vô luôn làm bảo vệ, chứ có thông báo gì đâu?”, một NLĐ than.
Quá trình đòi tiền cũng lắm gian nan. Như chị N.T.G (30 tuổi) bị mất việc ở một xí nghiệp may ở ấp Xuân Thới Thượng (H.Hóc Môn). Đầu tháng 9, thấy trên Facebook đăng tuyển công việc sắp xếp hàng hóa nên chị liên hệ rồi được hẹn phỏng vấn nhận việc tại Công ty V.A. 
“Em gái tôi cũng bị mất việc nên 2 chị em rủ nhau chạy từ Hóc Môn xuống tận đây, đóng 1,8 triệu đồng cho công ty này... Cuối cùng họ lừa tôi làm bảo vệ, lương thấp lắm, không như công việc ban đầu tôi đăng ký”, chị G. kể.
Ngày chúng tôi gặp 2 chị em G. trước Công ty V.A, họ đã phải chạy lên chạy xuống 4 lần mới đòi lại được số tiền mình đã đóng, do công ty này liên tục thoái thác, bảo chị G. đã ký vào thỏa thuận làm bảo vệ!
“Họ thách tôi báo công an. Mỗi lần đi xa, tôi phải bồng theo con nhỏ nhưng số tiền đó là mồ hôi nước mắt nên tôi không cam tâm. May gặp hôm có nhiều người đến lớn tiếng cùng, rồi có thêm công an làm việc, tôi mới lấy được tiền”, chị G. bực dọc.
Không chỉ riêng chị G., N.T.T (ngụ Q.11) đăng ký làm nhân viên của The Coffee House qua một trang tuyển dụng trên Facebook, đến Công ty V.A ngày 22.8 và đóng 900.000 đồng, chờ ngày nhận việc. Tới hẹn, T. đến chi nhánh chỗ mình đăng ký làm mới biết họ không tuyển nhân viên. “Tôi liên lạc mãi công ty không được, đến đây họ hẹn hoài. Chiều 24.9, đến công ty lớn tiếng, tôi mới nhận lại tiền”, T. nói và cảnh báo mọi người đừng đóng tiền vào công ty này.
Theo Phạm Thu Ngân (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.