Mang Yang quan tâm phát triển doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bám sát Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020, huyện Mang Yang, Gia Lai đã có nhiều giải pháp nhằm phát triển DN cả về số lượng lẫn chất lượng.
Ông Tạ Văn Hùng (thôn Nhơn Tân, xã Đak Ta Ley) bắt đầu hoạt động kinh doanh, chế biến và bảo quản các loại củ quả như: chanh dây, mắc ca, măng khô, măng tươi và các loại đậu cách đây gần chục năm. Tháng 7-2018, hộ kinh doanh này đã chuyển đổi mô hình hoạt động thành Công ty TNHH Nông sản Việt Tâm An Gia Lai. Ông Hùng cho biết: “So với việc kinh doanh theo mô hình hộ gia đình, DN sẽ rắc rối hơn về giấy tờ như: phải kê khai và báo cáo thuế cũng như nhiều thủ tục khác. Tuy nhiên, việc chuyển đổi mô hình hoạt động thành DN là cần thiết bởi sẽ thuận lợi hơn trong tạo dựng tên tuổi, uy tín với các đối tác. Hiện tại, khách hàng của chúng tôi chủ yếu là trong nước nhưng hướng sắp tới là xuất khẩu. Cũng may, nhờ sự hướng dẫn và tạo điều kiện của huyện mà việc chuyển đổi mô hình hoạt động diễn ra khá nhanh chóng, thuận lợi”.
 Nhiều hộ kinh doanh ở Mang Yang đang được vận động chuyển đổi mô hình hoạt động thành doanh nghiệp. Ảnh: Hà Duy
Nhiều hộ kinh doanh ở Mang Yang đang được vận động chuyển đổi mô hình hoạt động thành doanh nghiệp. Ảnh: Hà Duy
Cũng như Công ty TNHH Nông sản Việt Tâm An Gia Lai, các DN khác trên địa bàn huyện Mang Yang cũng nhận được sự tư vấn, hướng dẫn về thủ tục cần thiết, về chính sách khi thành lập. Theo thông tin từ Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Mang Yang, năm 2017, huyện đã thành lập mới 11 DN. Trong 9 tháng năm 2018, huyện có thêm 10 DN thành lập mới (kế hoạch là 11 DN), nâng tổng số DN trên địa bàn lên 49 DN. Dự kiến trong năm 2019, huyện sẽ có 14 DN thành lập mới; năm 2020 sẽ phát triển được 16 DN, nâng tổng số DN trên địa bàn huyện lên 92 DN.
“Để đạt chỉ tiêu đề ra, thời gian qua, huyện đã triển khai rất nhiều giải pháp, từ công tác tuyên truyền, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ mặt bằng cho đến xây dựng chính sách phát triển DN nhằm tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của người dân và DN, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thân thiện, đảm bảo mọi DN thuộc các thành phần kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường, được quyền tự do sản xuất kinh doanh các lĩnh vực theo quy định của pháp luật. Với mỗi giải pháp, huyện đều phân công, phân nhiệm rõ ràng để các ngành cùng vào cuộc, cùng có trách nhiệm”-bà Trương Thị Luận-Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Mang Yang-cho biết.
Cải cách thủ tục hành chính luôn là giải pháp được huyện Mang Yang quan tâm hàng đầu. Theo bà Luận, huyện luôn đảm bảo công khai, minh bạch các thủ tục hành chính bằng cách niêm yết tại trụ sở của các cơ quan có liên quan; phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban có liên quan để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ cho DN, đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định về quy chế hoạt động, quy trình thẩm định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc sử dụng dịch vụ hành chính công qua mạng internet được huyện triển khai hướng dẫn, khuyến khích DN thực hiện. Bên cạnh đó, huyện luôn quán triệt nâng cao tư tưởng, đạo đức của cán bộ các phòng, ban chuyên môn, nhất là các cán bộ có liên quan trực tiếp đến hoạt động của DN.
Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, công tác vận động các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi mô hình hoạt động thành DN ở huyện Mang Yang vẫn gặp không ít khó khăn. Trên địa bàn huyện có 41 hộ kinh doanh cá thể nhưng tới nay chỉ mới có 2 hộ chuyển đổi mô hình hoạt động. “Các hộ kinh doanh cá thể nghĩ rằng chuyển thành DN sẽ tốn nhiều chi phí, phải thuê kế toán, phải báo cáo thuế, trong khi hiện tại họ chỉ chịu mức thuế khoán không cao. Khó đặt ra mục tiêu cụ thể về số hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình hoạt động thành DN nhưng huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị và các địa phương vận động các hộ kinh doanh có số lao động từ 5 người trở lên hoặc có vốn đầu tư kinh doanh trên 500 triệu đồng, hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều ngành nghề phát triển lên thành DN”-Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Mang Yang cho biết.
Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.