Lực lượng Ukraine chỉ còn cách nhà máy điện hạt nhân Kursk của Nga 30 km

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Bước qua ngày thứ ba giao tranh bên trong lãnh thổ Nga, quân đội Ukraine đã chỉ còn cách nhà máy điện hạt nhân Kursk khoảng 30 km.

Theo Reuters, giao tranh giữa quân đội Ukraine và quân đội Nga ở vùng Kursk đã bước sang ngày thứ ba. Các thay đổi trên mặt trận cho thấy các mũi tiến công của Kiev chưa có dấu hiệu sẽ dừng lại và họ đang tiến gần đến cơ sở hạt nhân Kursk.

Ngày 8/8, quân đội Ukraine dù tấn công mạnh vào Sudzha nhưng vẫn chưa chiếm được thị trấn này.

Một số blogger người Nga cho biết lực lượng Ukraine đang chuyển hướng mũi tấn công và tiến về phía nhà máy điện hạt nhân Kursk, nằm cách Sudzha khoảng 60 km về phía đông bắc.

Xe tăng của quân đội Nga di chuyển trên một tuyến cao tốc ở Kursk hôm 8/8. (Ảnh: Kommersant)

Xe tăng của quân đội Nga di chuyển trên một tuyến cao tốc ở Kursk hôm 8/8. (Ảnh: Kommersant)

Yuri Podolyaka, một blogger quân sự người Ukraine cho biết, đã xảy ra những cuộc giao tranh dữ dội cách nhà máy hạt nhân Kursk khoảng 30 km - cơ sở hạt nhân này là nơi cung cấp điện cho một vùng rộng lớn ở miền Nam nước Nga.

Quân đội Ukraine vẫn im lặng về cuộc tấn công xuyên biên giới Kursk, mặc dù Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ca ngợi quân đội Ukraine vì khả năng "gây bất ngờ" và đạt được kết quả lớn trên chiến trường. Tuy nhiên ông Zelensky không nhắc đến Kursk.

Cũng theo Reuters, ước tính quân đội Ukraine điều động ít nhất 1.000 quân tham gia vào chiến dịch ở Kursk. Đây cũng là lần đầu tiên Kiev sử dụng quân chính quy tấn công sâu vào lãnh thổ Nga vào ngày 6/8.

Giao tranh chủ yếu diễn ra xung quanh thị trấn Sudzha, nơi khí đốt tự nhiên của Nga chảy vào Ukraine, làm dấy lên lo ngại về khả năng dừng đột ngột dòng khí đốt trung chuyển đến châu Âu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi cuộc tấn công của Ukraine là "một hành động khiêu khích lớn".

Trong khi đó Nhà Trắng khẳng định không hề biết trước về vụ tấn công.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết động thái của Ukraine tại khu vực Kursk phù hợp với chính sách của Mỹ.

Bà Singh cho biết, động thái của Ukraine không phải là leo thang căng thẳng vì "Ukraine đang làm những gì cần thiết để đạt được mục tiêu trên chiến trường".

Bộ Quốc phòng Nga ngày 8/8 cho biết quân đội và Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) đã ngăn chặn được bước tiến của Ukraine và đang giao tranh với các đơn vị của Kiev ở khu vực Kursk.

Chiến dịch Kursk của Ukraine diễn ra vào thời điểm quan trọng trong cuộc xung đột, cuộc chiến tranh trên bộ lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ 2. Kiev lo ngại rằng sự ủng hộ của Mỹ có thể suy yếu nếu ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11.

Ông Trump đã tuyên bố sẽ chấm dứt chiến tranh, và cả Nga và Ukraine đều mong muốn giành được vị thế mặc cả mạnh nhất có thể trên chiến trường.

Ukraine muốn khống chế lực lượng Nga, hiện đang kiểm soát 18% lãnh thổ của nước này, mặc dù tầm quan trọng chiến lược của cuộc tấn công biên giới vẫn chưa rõ ràng.

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết, cuộc tấn công của Ukraine là một nỗ lực nhằm buộc Moskva phải chuyển hướng nguồn lực khỏi tiền tuyến và để chứng minh với phương Tây rằng Ukraine vẫn có thể chiến đấu.

Ông Medvedev cho biết sau vụ tấn công Kursk, Nga nên mở rộng mục tiêu chiến tranh của mình để bao gồm cả việc chiếm toàn bộ Ukraine.

Theo Trà Khánh (Nguồn: Reuters/VTC News)

    Có thể bạn quan tâm

    Cận kề ngày Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để tấn công Nga và phản ứng của các nước

    Cận kề ngày Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để tấn công Nga và phản ứng của các nước

    (GLO)- Sau khi tổng thống Biden quyết định cho Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga, Anh và Pháp cũng liền có động thái tương tự. Một số nguồn tin dự đoán vài ngày tới có thể Ukraine sẽ tiến hành những đợt tấn công đầu tiên vào đối phương với tên lửa có tầm bắn tới 306 km.

    Triều Tiên tố Hàn Quốc chuyển những thứ rác rưởi sang lãnh thổ của mình

    Triều Tiên tố Hàn Quốc chuyển những thứ rác rưởi sang lãnh thổ của mình

    (GLO)- Lâu nay, hoạt động tuyên truyền của Hàn Quốc và thả rác thải của Triều Tiên gây nên mâu thuẫn và căng thẳng giữa 2 nước. Tuy nhiên mới đây, đến lượt Triều Tiên tố Hàn Quốc sử dụng truyền đơn và đồ dùng mà Bình Nhưỡng gọi là rác rưởi sang lãnh thổ của mình với mục đích chống phá.

    Đức xuống nước thừa nhận sai lầm, Tổng thống Trump nói Nga và Ukraine phải dừng lại

    Đức xuống nước thừa nhận sai lầm, Tổng thống Trump nói Nga và Ukraine phải dừng lại

    (GLO)- Hãng tin Reuters ngày 15/11 đưa tin Thủ tướng Đức Scholz trong cuộc phỏng vấn với báo Sueddeutsche Zeitung, thừa nhận Đức phải thay đổi mức chi tiêu để ứng phó với "tình trạng khẩn cấp về tài chính" do xung đột ở Ukraine gây ra, sau khi phe đối lập trung hữu đề cập chính sách "phanh nợ".