Lụa trời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chẳng biết từ khi nào, tôi thường mặc nhiên cho rằng, không gian Tây Nguyên mùa xuân là “lụa”, được dệt bằng tơ, mỏng, mềm, mịn, mát. 

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

Bắt đầu từ ánh rạng đông buông những sợi tơ óng ả dệt một ngày mới. Ngàn tia nắng sớm mai nhuộm những áng mây thành tấm lụa hồng lãng đãng trên tầng cao. Phía rừng xa, rèm sương như được ai đó vén dần lên để khoe bức tranh sơn xuân xanh biếc. Dòng nước thanh khiết chảy róc rách từ khe suối, trải trên những tảng đá trông như dải lụa đang phơi từ đôi tay khéo léo, dịu dàng.

Trên cánh đồng mênh mông, thảm lúa đang thì trổ đòng, lượn sóng theo gió, thơm mùi sữa. Thảng hoặc, điểm xuyết bởi những cánh cò trắng phau lúc là là ngọn lúa, lúc thấp thoáng chân ruộng. Mương nước như dải lụa nhỏ uốn mềm dưới nắng. Mặt ao hồ gợn sóng lăn tăn như tấm lụa vừa trải ra chưa kịp phẳng, mỏng tang; thỉnh thoảng vài con cá lớn phóng lên quẫy đuôi tung nước.

Mùa xuân choàng lên núi đồi tà áo lụa dệt từ hương sắc của muôn loài hoa. Từng đàn bướm vàng rập rờn trong nắng. Bè trầm cho vũ điệu ấy là tiếng vo vo của bầy ong đi tìm mật, nốt cao vút lên lảnh lót là tiếng hót của chim sơn ca. Trong vườn, lụa chuối đang chờ “gió nơi đâu gượng mở xem”, lụa cau (bẹ cau non) đưa hương thoang thoảng. Lộc mai, lộc đào, chồi non cây cỏ mơn mởn mướt xanh. Vũ khúc mùa xuân được hòa quyện giữa hương thơm, âm thanh và màu sắc.  

Chiều xuân cao nguyên như một bức tranh lụa, màu sắc nhẹ nhàng, không gian phóng khoáng, thơ mộng... Đêm về, tiếng chiêng từ buôn làng nào đó vọng lại, rung ngân những lượt sóng âm thanh mềm mại. Bầu trời là màn nhung bao la, đính những hạt kim cương là vì sao nhấp nháy. Gió từng làn mát mẻ, êm dịu “như được nắm một bàn tay son trẻ”. Mùa trăng, ánh sáng như dải lụa bạc lỡ tuột từ tay Hằng Nga đến mặt đất. Đâu đây, bất chợt tiếng kêu của một loài chim vút qua như tiếng xé lụa.

Đó là “lụa trời”, chẳng biết “ai dệt với ai căng” để mùa xuân thêm phần tươi mới, hấp dẫn. Và nổi bật trên đó là lụa từ người đẹp: tà áo dài thướt tha, thanh thoát bay bay trên hè phố, vào công sở, đến trường học. Lụa thật sinh động, gợi cảm, cuốn hút! Lụa kín đáo quyến rũ từ những đường cong, từ ánh mắt, từ mái tóc. Bất chợt, tôi thấy được cả những làn gió trên chiếc áo dài. Gió muôn màu, muôn hình với bao hoa văn, họa tiết về vẻ đẹp của thiên nhiên và cuộc sống con người. Tất cả như cùng bay lên trong làn gió mùa xuân!

PHAN VĂN THIÊN

Có thể bạn quan tâm

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Ngày 4-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển văn học. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ nền văn học Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

(GLO)- Sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất, đời sống văn hóa tại nhiều ngôi làng Bahnar, Jrai có nhiều đổi mới, nhất là xóa bỏ những gánh nặng liên quan đến hủ tục. Nhưng để bảo tồn những giá trị cốt lõi của văn hóa vẫn là một hành trình cần “gạn đục khơi trong”.

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

(GLO)- Sinh ra trong một gia đình trí thức người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), cô Kpă H’Nina-Giáo viên môn Tiếng Anh ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) không chỉ được rèn giũa tinh thần ham học, mở mang kiến thức mà còn được thừa hưởng vẻ đẹp của cả bố và mẹ.

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

(GLO)- Mặc nhiên, việc sáng tạo văn học nghệ thuật luôn mang tính độc lập và tự giác cao độ của mỗi văn nghệ sĩ, nhưng hành trình ấy sẽ không đơn độc nếu có sự dìu dắt chân tình của người đi trước. Tại phố núi Pleiku, nhiều tác giả trẻ đã tìm được điểm tựa tinh thần đáng quý như thế.