Lớp học xóa mù chữ giữa rừng sâu núi thẳm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giữa “tâm lõi” của rừng quốc gia Cát Tiên (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) có một lớp học đặc biệt gồm 21 học sinh. Lớp học này không chỉ “đặc biệt” bởi đa phần học trò ở lứa tuổi lên chức ông bà, mà còn “đặc biệt” bởi lần đầu tiên ở giữa rừng sâu núi thẳm có những thầy cô giáo hi sinh hạnh phúc riêng tư, miệt mài gieo chữ với tâm nguyện xóa mù cho người đồng bào dân tộc thiểu số.

Học trò đặc biệt và bữa cơm nghĩa tình

Chiều tối Tết Dương lịch - 1-1-2018, tại điểm trường thôn 3 - Trường tiểu học Phước Cát 2 huyện Cát Tiên-Lâm Đồng, Trung tâm giáo dục cộng đồng của xã phối hợp Trường tiểu học Phước Cát 2 tổ chức khai giảng “lớp học xóa mù” cho 21 học sinh là người dân tộc S Tiêng, Châu Mạ, C Ho sinh sống trên địa bàn xã. Đây là chủ trương của huyện Cát Tiên trong chương trình “xây dựng nông thôn mới”, xóa mù chữ cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn.

 

Giờ học đầu tiên của “lớp học xóa mù”.
Giờ học đầu tiên của “lớp học xóa mù”.

Vượt gần chục km đường rừng xa xôi, chị Điểu Thị Máp không kể xiết niềm vui khi lần đầu tiên đánh vần ê a con chữ. Chỉ biết, gương mặt chị ánh lên niềm xúc động tự hào, khi các cô giáo Trường Tiểu học Phước Cát 2 đến tận nhà mời chị đến trường học chữ. Ở cái tuổi 38 chưa hề biết chữ là gì, nay được cầm cây bút, nhìn thấy tập giấy, chị Máp hết bỡ ngỡ này đến bỡ ngỡ khác. Chồng đi làm rẫy xa, chị dắt hai con lớn, lưng địu đứa nhỏ đến nhà văn hóa xã Phước Cát từ 2 giờ chiều. Chị phấn khởi chia sẻ khi tiếng kinh chưa sõi: “Nhà em ở xa lắm. Bên kia rừng kìa. Nghe được đi học em thích lắm. Ba mẹ con đi luôn. Được xã cho ăn, cho học chữ là vui cái bụng lắm. Nhà em, bố, mẹ, chồng cũng không biết chữ. Gia đình nghèo khó, ở rừng sâu nên không có điều kiện đi học. Nay được học là sướng rồi”. Chị Máp lấy từ túi áo ngực ra cái điện thoại “cùi bắp” tróc hết bàn phím khoe: “Cái này có dùng được đâu. Em bỏ trong túi cho thích đó chớ. Mỗi lần con đòi em lại cho nó chơi”.

Cũng là “học trò đặc biệt”, ông Điểu Ka Minh là người cao tuổi nhất của lớp học xóa mù này. Năm nay ông Minh bước sang tuổi 53- cái tuổi lên chức ông nội, ông ngoại, song chưa một lần học chữ. Ông Minh vui mừng rơi nước mắt khi lần đầu tiên ngồi trên chiếc ghế gỗ dưới mái trường lợp mái tôn khang trang. Ông Minh chia sẻ: “Nhà tui ba thế hệ không biết chữ. Nay được đi học tui thích lắm. Học mà mở mang đầu óc, để biết đọc, biết viết là sướng rồi”.

Được cô giáo Trịnh Thị Út dạy từng nét chữ, chàng trai dân tộc Châu Mạ, Điểu Ca Bảy không giấu được xúc động, nước mắt rưng rưng không nói nên lời. Còn nhiều thanh niên trong xã chỉ biết nhìn cô giáo Út, cô giáo Bùi Thị Anh, thầy giáo Nguyễn Văn Nam trân trọng. Không chỉ chị Điểu Thị Máp, ông Điểu Ka Minh, anh Điểu Ca Bảy, mà 18 học sinh khác của “lớp học đặc biệt” đều có chung một tâm trạng phấn khởi, vì được học chữ, học làm người. Trong ánh mắt trong veo như dòng suốt giữa rừng già Cát Tiên của những chàng trai Châu Mạ, cô gái S Tiêng, ánh lên niềm cảm ơn chân thành. Họ hi vọng những con chữ mà họ đang học sẽ là ánh sáng của cuộc đời, là văn minh của đồng bào thôn, bản.

Để động viên và “kích cầu” tinh thần học tập của bà con, UBND xã Phước Cát đã tổ chức “chiêu đãi” lớp học xóa mù chữ bữa cơm trắng ăn với thịt lợn và rau rừng tại nhà văn hóa thôn 3. Xúc động trước nghĩa cử của cán bộ xã và tinh thần dạy chữ cho bà con, ông Điểu Ka Minh chia sẻ: “Được học chữ lại no cái bụng, tui mừng lắm. Tui học chữ xong ở trường về sẽ dạy lại cho vợ và cháu tui ở nhà”.

Trước Tết điện sẽ về thôn?

Đó là câu hỏi và cũng là ước mơ của bà con thôn 3 cùng gần 40 thầy trò của Trường tiểu học Phước Cát 2. Hiện tại bốn phòng học ở điểm trường thôn 3 gắn sẵn 4 quạt trần và bóng đèn điện ne-on, nhưng chưa một lần quạt quay, đèn điện chưa một lần sáng, mặc dù trước cổng trường cột điện đã dựng sẵn, dây điện đã kéo về.

Hỏi, bao giờ mới có điện về thôn? Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Phước Cát 2, thầy giáo Nguyễn Văn Nam cho biết, ngành điện lực hứa hẹn trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất sẽ có điện lưới, lúc đó học sinh sẽ không phải học bằng đèn dầu nữa: “Lớp học xóa mù này học tuần ba buổi tối các cô giáo phải chủ động đèn dầu, nến và bình ắc qui. Đèn ắc qui treo đầu bảng, còn nến và đèn dầu để bàn cho học sinh viết. Ban ngày phòng học dành cho các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 6, học xoay vòng, tối dành phòng học cho lớp học xóa mù”, thầy Nam, chia sẻ.

 

21 học sinh đặc biệt được xã Phước Cát chiêu đãi cơm trắng sau giờ khai giảng.
21 học sinh đặc biệt được xã Phước Cát chiêu đãi cơm trắng sau giờ khai giảng.

Cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết thêm, cái khó khăn nhất hiện nay của 2 điểm trường này là không có điện thắp sáng. Ngày nắng, các em học sinh phải ngồi học dưới cái nóng hầm hập do nắng từ mái tôn hắt xuống. “Các thầy cô giáo ở thôn 3 tự đào giếng lấy nước ăn, còn ở thôn 4, mọi người ăn uống, tắm giặt đều dùng nước suối. Để đỡ vất vả, chúng tôi dùng ống nứa, luồng dẫn nước về. Mỗi điểm trường đều bố trí nhà ở tạm cho giáo viên độc thân, kết hợp dạy chữ buổi tối cho bà con trong thôn. Do chưa có điện nên đời sống tinh thần ở đây gặp không ít khó khăn. Tối đến, các thầy, cô dạy chữ cho bà con trong thôn chủ yếu bằng đèn dầu” - cô Hằng chia sẻ.

Những hy sinh thầm lặng

Để có “lớp học xóa mù”, bốn cô giáo ở điểm trường thôn 3 và 2 giáo viên nam ở điểm trường thôn 4 đã băng rừng lội suối đến từng nhà vận động bà con đi học. “Vượt rừng, lội suối đã quá cực nhọc, nhưng đến vận động bà con không chịu đi học càng thất vọng hơn. Nhưng vì quyết tâm “xóa mù vùng lõm”, nên chúng tôi kiên trì thuyết phục. Cuối cùng bà con cũng hiểu ra và theo luôn về trường. 21 học sinh lớp học xóa mù này đều là những người nghèo khó, nhà ở tận rừng sâu, ít khi tiếp xúc với bên ngoài. Bằng mọi cách chúng tôi sẽ giúp bà con biết đọc, biết viết, biết đếm con số”, cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hằng, nói

Gần 30 năm trước, điểm trường thôn 3 bây giờ là rừng sâu, núi cao, thú dữ, chim muông, không có dấu chân người. Bây giờ, nơi đây đã hình thành một dãy trường dạy chữ với 4 phòng liền kề. Mặc dù cơ sở vật chất, bàn ghế không khang trang hiện đại như miền xuôi, nhưng đây là nơi “truyền chữ” và thắp sáng tri thức cho nhiều thế hệ học sinh; là niềm tự hào của người dân thôn bản nơi xa xôi hẻo lánh. Bây giờ lại có thêm “lớp học xóa mù” nữa, người dân bản xứ càng thêm phấn khởi. Bởi, không chỉ con cháu của họ ở lứa tuổi học sinh được đến trường, mà bản thân họ- những người lên chức ông, bà và thanh niên “vượt ngưỡng” tuổi học sinh cũng được đến lớp học chữ. Song ít ai biết rằng, để đưa 31 học sinh từ lớp lớp 1 đến lớp 6 và 21 “học sinh đặc biệt” của “lớp học xóa mù” ở nhiều thôn bản giữa rừng già Cát Tiên đến trường, nhiều thầy, cô giáo đã phải lăn lộn lên rừng chặt cây, dựng chòi dạy học; nhiều bữa ăn cơm nắm, uống nước suối, ngủ giữa rừng sâu. Ngày nắng cũng như mưa, sương lạnh cũng như oi bức; các thầy cô nhiệt tình bám trường dạy chữ. Và có thầy, cô giáo dù tuổi đã “xế chiều”, nhưng vẫn cô đơn. Không phải các thầy, cô kén chọn, nhưng ở giữa rừng sâu núi thẳm, tìm thấy dấu chân người cũng đã khó huống hồ tìm bạn trăm năm.

Nói về khó khăn trở ngại của các cô giáo dạy “lớp học xóa mù”, cô giáo Trịnh Thị Út cho chia sẻ: “Đối với các em học sinh nhỏ tuổi dạy dễ dàng hơn nhiều, vừa tiếp thu nhanh lại dễ bảo. Còn dạy cho học sinh lớp học xóa mù cũng là một thử thách. Vì có người lớn tuổi bằng bố, thậm chí bằng ông nội mình. Việc tiếp thu cũng khó khăn hơn. Đặc biệt là tâm lý học sinh lớn tuổi, tự ái cao, nếu không biết cách động viên, hiểu tâm lý và biết tiếng dân tộc sẽ rất khó khăn trong truyền thụ kiến thức”.

“Lớp học xóa mù” đã khởi động. Ở giữa rừng sâu núi thẳm ấy, những thầy giáo Nguyễn Văn Nam, cô Trịnh Thị Út, cô Bùi Thị Anh ngoài thời gian dạy học chính khóa sáng chiều trong tuần; tối tối, các thầy cô lại cần mẫn gieo chữ cho 21 “học sinh đặc biệt”. Ánh sáng đèn dầu trong đêm tối chỉ đủ soi con chữ trên trang giấy nhỏ, nhưng nó cũng thắp sáng tri thức cuộc đời và đem đến văn minh cho người dân bản xứ nơi đây.

Mai Thắng/laodong

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.