Lội rừng nhặt hạt kơ nia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tuy chỉ ăn theo bài hát “Bóng cây kơ nia” nổi tiếng, nhưng hạt của loại cây này đang được nhiều người biết đến và vươn xa tận Thủ đô Hà Nội như lời ca rễ cây kơ nia “uống nước nguồn miền Bắc”. Sự tò mò về một loại quà đặc sản của núi rừng Tây Nguyên khiến chúng tôi có chuyến lội rừng nhặt hạt kơ nia.

Lộc rừng

Chính sự tò mò muốn thưởng thức loại hạt từng là món ăn dân dã của người dân tộc thiểu số bỗng chốc trở thành đặc sản đã thôi thúc chúng tôi làm một chuyến lội rừng ngay đầu năm mới. Người dẫn đường lần này là Ksor Đíu (làng Ya, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh) trông có vẻ rất nhanh nhẹn và hiểu biết. Trên đường vào rừng tìm “Bóng cây kơ nia”, Đíu mới “thú thật” là anh không khác gì chúng tôi, cũng mới biết hạt kơ nia bán được cách đây chừng… hơn tháng. Loại cây mà ngày ngày lên rẫy đều thấy, bà con thường tìm đến nghỉ ngơi dưới bóng cây, nhặt hạt đập ăn cho vui miệng hay chống đói mỗi lần lỡ bữa. Chàng trai dẫn đường cho hay: Chỉ cần tìm những cây to, có tán xòe rộng là tha hồ nhặt. Mùa này, quả kơ nia rụng đầy gốc, nằm lớp lớp dưới đất. Chịu khó một tí, chỉ sau 1 giờ là có thể nhặt đầy bao tải. “Còn nhặt cả khu rừng này thì có đến hàng tấn. Nhiều lắm, sóc, chuột ở đây ăn không xuể”-Đíu hài hước nói.

 Một cây kơ nia cổ thụ ở cánh rừng làng Ya (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh). Ảnh: Minh Triều
Một cây kơ nia cổ thụ ở cánh rừng làng Ya (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh). Ảnh: Minh Triều


Từ làng Ya chạy xe máy chừng 5 phút là đến bìa rừng, lội bộ thêm khoảng 10 phút nữa là thấy có bóng dáng cây kơ nia. Theo lời Đíu, ở đây cây này nhiều vô kể, mọc đầy trong rẫy của người dân, mọc khắp rừng. Đếm không xuể, ước chừng có trên 1.000 cây. Đíu dừng chân trước một thân cây to có lá màu bạc, ước chừng một người ôm, có tán rộng nằm ven đường mòn hướng lên rừng. Đíu nhanh nhảu khom người nhặt những hạt sẫm màu dưới đất. “Đây là hạt kơ nia”. Vừa dứt lời, chúng tôi còn chưa kịp nhìn đã thấy Đíu ngồi xổm xuống đất với tay nhặt cục đá rồi kê hạt lên đập “cạch cạch”. Phần nhân hạt lần lượt được bóc tách lộ ra lớp vỏ màu cánh gián, bên trong là phần thịt trắng ngà. Bỏ vào miệng nhai sẽ cảm nhận ngay được vị bùi, béo. Với chúng tôi thì cảm giác này khá lạ lẫm vì lần đầu tiên được thưởng thức nhưng với Đíu thì bao ký ức như chợt ùa về.

Trầm ngâm, Ksor Đíu chậm rãi cất lời: “Tuổi thơ của em cũng như những đứa trẻ làng Ya gắn liền với hạt này. Buổi trưa, lúc đàn bò gặm cỏ thì chúng em núp dưới bóng cây đập hạt ăn”. Quả kơ nia nhìn khá giống trái xoan, to hơn ngón chân cái người lớn chút xíu, khi chín có màu vàng nhạt. Phần thịt cũng ăn được nhưng phần hạt tươi rất khó tách, nếu ăn nhân hạt lúc này có cảm giác nhớt nhớt xen lẫn mùi hăng tinh dầu sẽ không ngon. Chỉ khi quả chín tự rụng, sau thời gian nhũn hết phần thịt bên ngoài, trơ ra phần hạt, tiếp tục nằm phơi mình dưới đất cho đến khi lớp vỏ gỗ khô cứng thì mới dễ đập. Lúc này, chỉ cần kê hạt lên trên một tảng đá dùng dao đập nhẹ vài lần là hạt tách làm đôi rơi ra phần nhân bên trong.

Chỉ tay về phía xa, nơi cây cổ thụ nằm đơn lẻ trên đỉnh đồi, Đíu nói: Đó chưa phải là cây to nhất ở rừng này và cũng không phải nơi có nhiều cây kơ nia nhưng là gần nhất, đường dễ đi. Len lỏi theo đường mòn, vượt qua mấy dốc cao, cây kơ nia cổ thụ hiện ra sừng sững trước mắt. Thân cây to, phải đến 3 người ôm, cao chừng 25-30 m. Không cần phải nói, khắp mặt đất đâu đâu cũng là hạt, nằm xếp lớp cả một khoảng đồi.

 Công đoạn khó nhất là phần tách hạt kơ nia để lấy phần nhân bên trong. Ảnh: Minh Triều
Công đoạn khó nhất là phần tách hạt kơ nia để lấy phần nhân bên trong. Ảnh: Minh Triều


Trên đường tiếp tục chuyển hướng sang cây kơ nia cổ thụ gần đó, chúng tôi gặp chị Ken (cùng làng, là họ hàng với anh Đíu) đang mải mê nhặt hạt. Chị Ken cho hay: “Hạt này đầy dưới đất, nhặt bao nhiêu cũng có, nhất là những cây to, tán dày như thế này. Việc đập hạt cũng rất nhẹ nhàng, khó nhất là công đoạn đập lấy nhân, phải đều tay, đúng nhịp thì mới không bị vỡ. Chỉ cần bỏ ra vài tiếng là có chút thu nhập mua thịt cá cho gia đình, mình chỉ bỏ công chứ đâu có mất tiền chăm bón, gieo trồng. Lộc trời thì mình cứ nhặt, vừa có tiền, vừa có việc làm”.

Xây dựng thương hiệu đặc sản

Từ lâu, người làng Ya đã xem quả kơ nia là đặc sản của núi rừng ban tặng, nhưng chẳng ai nghĩ đến ngày có người tìm đến làng thu mua. Chuyện bắt nguồn từ việc anh Ksor Đíu lấy vợ ở xã Ia Mơ Nông. Gần nhà chị Rơ Chăm HLuên-vợ của Đíu-có người hàng xóm thu mua hạt này về chế biến, bán với giá rất cao. Tình cờ nhớ lại lời chồng kể là ở rừng làng Ya có nhiều loại cây này, chị không khỏi mừng thầm. Trở về làng Ya, hai vợ chồng rủ nhau lên rừng, thành quả đầu tay là 10 kg nhân hạt kơ nia, nhẹ nhàng “bỏ túi” 500 ngàn đồng. Chị H'Luên cho hay: “Khi đơn hàng lớn, em rủ thêm một số chị em trong làng lên rừng đập hạt mang về bán thì họ cũng rất bất ngờ. Họ cứ tưởng em đùa, vì đơn giản là xưa nay chưa thấy ai mua bao giờ. Chỉ đến khi em đứng ra mua với giá 45.000 đồng/kg nhân hạt thì họ mới nghe. Thế mà, những lúc nghỉ giữa buổi, có người đập được 3-5 kg, có người nhiều hơn thì thu đến 7-8 kg, rủng rỉnh tiền đi chợ. Giờ cứ cách 2-3 ngày là em qua xã bên giao 10-15 kg, tùy theo lượng đặt mua”.

Với việc thu mua 50.000 đồng/kg nhân hạt, chị HUyên Nie (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) đã giúp bà con có thêm thu nhập từ nhặt hạt kơ nia. Ảnh: Minh Triều
Với việc thu mua 50.000 đồng/kg nhân hạt, chị H'Uyên Nie (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) đã giúp bà con có thêm thu nhập từ nhặt hạt kơ nia. Ảnh: Minh Triều


Theo chị H'Luên, xưa người dân chỉ biết nhặt hạt đập ăn, giờ có người mua, thấy tiền “nằm sẵn dưới đất” nên ai cũng ham. “Vợ chồng em cũng đang tính chuyện nhặt hạt về dự trữ, đồng thời rao bán trên mạng, tìm đầu ra cho sản phẩm. Em thấy không nơi nào có nhiều cây kơ nia như ở đây, vùng nguyên liệu thiên nhiên sẵn có rất dồi dào”-chị H'Luên dự tính.

Rời làng Ya, chúng tôi tìm đến nhà chị H'Uyên Nie-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Mơ Nông-người có công đưa hạt rừng dân dã này ra tận Thủ đô. Vừa địu con, vừa tất bật đảo tay trộn hạt kơ nia trong chảo, chị H'Uyên cho biết: Đơn hàng này đến 40 kg, chị rang gửi cho một khách hàng ở Hà Nội đặt mua. Còn ngay trong đầu năm mới, chị đã nhận của khách đặt đến hơn 100 kg. Nhiều cửa hàng tạp hóa ở thị trấn Phú Hòa, Ia Ly cũng đặt rang để bán trong dịp Tết. Thu mua của bà con với giá 50.000 đồng/kg nhân hạt, chị loại bỏ những hạt xấu, bị hư rồi phơi khô, rang lên, đóng bì bán với giá 140.000 đồng/kg. “Rang lên sẽ làm mùi tinh dầu hăng nồng trong hạt mất đi, khi ăn không còn cảm thấy nhớt nhớt trong miệng như lúc nhai sống, phần nhân hạt lúc này trở nên thơm hơn, béo ngậy và giòn tan. Những ai dù chỉ thử một lần loại hạt rừng dân dã này sẽ đâm ra nghiện ngay”-chị H'Uyên tự hào cho hay.

Cuối năm 2019, chị H'Uyên rang thử rồi bán cho bạn bè, người quen. Tận dụng công nghệ 4.0 chị đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu khắp các trang mạng. Nhiều người đặt mua, ăn thấy ngon rồi dần trở thành khách hàng thân thiết. Từ thời điểm đó đến nay, chị đã bán trên 200 kg nhân hạt, chủ yếu qua mạng. Chị H'Uyên thừa nhận, chính bài hát “Bóng cây kơ nia” đã giúp cho việc bán mặt hàng này trở nên thuận lợi hơn. Họ tò mò muốn dùng thử hạt của loại cây đã đi vào thơ ca này có mùi vị như thế nào. “Thời gian tới, tôi cố gắng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để nhiều người biết đến, bán được số lượng nhiều hơn, tạo điều kiện cho bà con trong xã, huyện có thêm thu nhập từ việc nhặt hạt kơ nia. Đồng thời, tôi cũng tính toán đưa sản phẩm này vào dự án phát triển du lịch cộng đồng của xã, giới thiệu mặt hàng đặc sản địa phương đến các du khách”-chị H'Uyên chia sẻ.

Chúng tôi ra về với món quà đặc trưng của núi rừng cùng với một cảm giác thư thái trong ngày đầu năm mới. Hy vọng một ngày gần nhất hạt kơ nia sẽ trở thành đặc sản đại diện địa phương ghi điểm du khách gần xa mỗi lần đến với Gia Lai.

 

MINH TRIỀU
 

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.