Lộc của ngày mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau cơn mưa, tôi tranh thủ ra vườn cuốc dọn đám cỏ dại đang mọc tốt um. Bất ngờ phát hiện trong vườn có ổ nấm mối, tôi mừng rỡ chụp ngay vài tấm ảnh để khoe với cả nhà.

Nhìn thấy bức ảnh, mọi người trong nhóm chat gia đình bỗng chộn rộn hẳn lên. Bởi với những người lớn lên từ nương rẫy như tôi, nấm mối đã trở thành món ăn quen thuộc và rất được ưa thích. Ngày ấy, nấm mối mọc rất nhiều. Chỉ cần sau vài cơn mưa đầu mùa, khi những con mối cánh bắt đầu bay vào nhà tìm ánh sáng thì hôm sau ra vườn đã có thể tìm được những ổ nấm mối mới nhú, bum búp rất đẹp.

Chẳng hiểu sao lũ trẻ con, nhất là những đứa hay đi chăn bò lại rất giỏi trong việc phân biệt loại nấm nào ăn được, loại nào không. Vậy nên, mỗi khi tìm được ổ nấm, việc đầu tiên là phải đi tìm người có thể xác định xem là nấm ăn được hay không mới dám đào.

Lộc của ngày mưa. Ảnh: Kim Sơn

Lộc của ngày mưa. Ảnh: Kim Sơn

Đôi lúc, tôi chẳng cần nhờ người có kinh nghiệm cũng có thể tự tin nhổ nấm. Đấy là khi ngay cạnh đám nấm có thêm một ổ mối bự thì tôi có thể khẳng định chắc nịch đó là nấm mối. Loại nấm này ăn ngon nhất là vào buổi sáng sớm, khi mà những búp nấm mới đội đất nhô lên.

Những mũi nấm nhọn thường mang theo một chút đất như nói lên quá trình chật vật, vất vả của mình để xuyên qua đất cứng mới có thể xuất hiện trên đời. Đám trẻ thường nhảy cẫng lên khi tìm được một ổ nấm, một niềm vui rất giản đơn mà trong trẻo như được nhận một món quà của mùa mưa.

Sau khi chụp hình xong, tôi vội vào nhà tìm rổ, tìm dao và rủ thêm người đi đào nấm mối. Tôi chợt nhớ lời bà mà khựng lại, thay vì dùng dao thì đi tìm cây gỗ nhọn một đầu để đào nấm. Bà ngoại luôn dặn rằng: Kim khắc mộc, nấm cũng là một loại thảo mộc nên muốn năm sau nơi ấy vẫn còn nấm để ăn thì không được đào bằng dao nhọn.

Nhưng ngày ấy, vì nấm mọc nhiều, vả lại, việc đào nấm bằng dao tiện hơn nên nếu không có bà, tôi vẫn thường học theo các bạn mà dùng dao để đào nấm. Chẳng biết có phải vì tương khắc như lời bà dạy hay không mà những ổ nấm mối năm sau cứ ít dần, ít dần.

Sau khi cẩn thận đào được 2 rổ nấm, trời lại sầm sập mưa. Tìm trong tủ lạnh còn một gói bột gạo, tôi quyết định làm món bánh xèo. Nấm mối rất hợp với bánh xèo. Nhớ ngày còn nhỏ, mỗi lần làm bánh xèo, bà lại phải vần cái cối đá to nặng trong góc nhà ra, cọ rửa cho sạch sẽ rồi úp xuống đợi khô. Bà quay vào vo gạo rồi ngâm qua nước cho mềm.

Thấy vậy, mấy chị em tôi tự động đi làm nấm. Bà dặn loại nấm này phải lấy dao gạt bỏ hết đất bẩn rồi mới được đem rửa cho sạch. Rửa xong thì xé sợi nhỏ. Việc xé sợi thì chúng tôi đứa nào cũng thích vì nấm mối có thớ dọc, xé rất dễ.

Đến đầu buổi chiều, bà mới chuẩn bị đủ rau giá, ít thịt ba chỉ băm nhỏ và một rổ rau cải non. Ở ngoài sân, bà xay bột. Trong bếp, mẹ lúi húi nhóm lửa, rửa khuôn. Sau khi đã chuẩn bị xong mọi thứ, mẹ mới bắt tay làm bánh. Lửa liu riu vừa đủ soi hồng mặt mẹ, đám con háu ăn để mặc bà ngoại một mình lúi húi xay bột ở ngoài, khi vừa nghe tiếng xèo trong bếp là chạy vội vào ngồi quanh mẹ đợi bánh.

Chị Hai chạy lại đưa mẹ chiếc rá lót lá chuối hơ lửa, trong đặt con dao nhỏ, mẹ vừa úp xong vung ở cái khuôn thứ hai vội đỡ lấy cái rá, mở nắp rồi dùng dao lách nhẹ xung quanh một vòng, gập đôi cái bánh xèo vàng rộm lại, đổ vào rá.

Cả căn bếp toàn là mùi thơm của mỡ, mùi của bột gạo quện chút nghệ vàng, dậy mùi của nấm, thêm mùi của khói bếp và có cả mùi mồ hôi của mẹ, khiến chúng tôi cứ xôn xao, nhấp nha nhấp nhổm.

Mẹ đổ được hơn chục cái bánh thì chị Hai cũng vừa dầm xong chén nước mắm ớt đỏ au. Chúng tôi chạy ra giúp bà rửa cối xong thì được chị Hai cho phép ăn bánh.

Chẳng phải khi nào tìm được nấm mối là cũng có bánh xèo để ăn đâu mà phải là những hôm bà và mẹ rảnh, còn không, nấm đó cứ xào lên hoặc nấu canh, không thì đem nấu cháo. Thế nên hôm nào được ăn bánh xèo nấm mối thì vui phải biết!

Những ngày mưa rảnh rỗi ấy đã lùi vào quá khứ. Bây giờ, muốn ăn bánh xèo thì ra quán ngồi, chẳng còn mấy ai phải hì hụi vất vả như xưa. Kể cả tôi bây giờ cũng vậy. Nhưng hôm nay, nhờ ổ nấm mối này, tôi mới lại có dịp nhớ về những kỷ niệm của ngày xưa cũ để rồi chẳng cần khói cay mà mắt cũng ướt nhòe.

Có thể bạn quan tâm

Gia tài của cha

Gia tài của cha

(GLO)- Hoài niệm về ký ức quãng đời sống cùng cha mẹ, anh chị em chúng tôi thường nhắc đến gia tài của cha-di sản truyền thế hệ, chất keo kết dính tình thủ túc dường như chẳng có nỗi buồn.

Nhớ khói đốt đồng

Nhớ khói đốt đồng

(GLO)- Mỗi khi tiết trời chuyển mình vào hạ, tôi lại chộn rộn một nỗi nhớ không tên. Tôi nhớ quê, nhớ cánh đồng, nhớ mùi khói đốt đồng lan trong gió chiều nhè nhẹ. Đó là mùi của đất, của nắng, của thời gian và tuổi thơ nơi đồng bãi.

Bên chiếc cầu thang nhà dài

Bên chiếc cầu thang nhà dài

(GLO)- Ngày trước, khi đến buôn Đôn (Đắk Lắk), tôi được ngắm nhìn những ngôi nhà dài bằng gỗ lâu niên của người Ê Đê đẹp đến nao lòng. Ấn tượng đầu tiên là 2 chiếc cầu thang dẫn lên nhà sàn còn in đậm vết thời gian.

Vấn vương bông gòn

Vấn vương bông gòn

(GLO)- Trong vườn còn sót lại một cây gòn. Đến mùa, chúng bung ra những bông nhẹ bẫng, mềm như mây trắng vắt ngang trời, theo gió tản mát muôn phương.

Nẻo về tháng Tư

Nẻo về tháng Tư

(GLO)- Bước chân trên dải biên cương một ngày tháng Tư nắng đượm, tôi thốt nhiên nhớ tới mấy câu thơ của Nguyễn Bình Phương: “Những cột mốc vùng biên bóng trải xiêu xiêu/Dãy núi oằn lên từng nhịp thở”.

Gió đồng mùa hạ

Gió đồng mùa hạ

(GLO)- Gió từ cánh đồng quê lại thổi tràn qua ô cửa nhỏ, mang theo hương thơm nồng nàn của lúa non và mùi ngai ngái của đất sau cơn mưa đầu mùa.

Mùa rẫy tới

Mùa rẫy tới

Mấy ngày nay thường hay có dông vào buổi chiều. Gió ùn ùn thốc tới. Mây từ dưới rừng xa đùn lên đen sì như núi, bao trùm gần kín khắp bầu trời. A Blưn thấy ông nội lẩm nhẩm tính rồi nói mấy hôm nữa đi phát rẫy.

Bài học đầu đời

Bài học đầu đời

(GLO)- Mãi đến bây giờ, cánh tay tôi vẫn còn một vết sẹo. Vết sẹo đỏ ửng, kéo dài trông thật “thiếu thẩm mỹ”. Bạn bè khuyên đi xóa sẹo nhưng tôi lại không muốn. Bởi lẽ, với tôi, vết sẹo ấy gắn liền cùng kỷ niệm về bài học đầu đời.

Tháng Tư về nguồn

Tháng Tư về nguồn

(GLO)- Chúng tôi đến TP. Hồ Chí Minh giữa những ngày tháng Tư lịch sử, vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Mưa đầu hạ

Mưa đầu hạ

(GLO)- Pleiku vào hạ không báo trước bằng cái nóng gắt gao, cũng chẳng cần đến tiếng ve râm ran hay sắc phượng rực trời. Chỉ cần một cơn mưa đầu mùa, bất chợt, ào ạt mà vô cùng êm dịu là biết hè đã chạm ngõ.

Lưu bút

Lưu bút

(GLO)- Lưu bút không đơn thuần là một cuốn sổ. Nó là nơi giữ lại cả một khoảng trời tuổi trẻ, nơi từng nét chữ đều mang theo một phần ký ức.

Mùa cá cơm

Mùa cá cơm

(GLO)- Đã mấy bận đến xã Nhơn Lý (TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), tham quan hầu hết thắng cảnh, thưởng thức đủ mọi đặc sản bậc nhất, tôi từng nghĩ mình am tường vùng đất này lắm. Vậy mà, khi lang thang đến bến cá Nhơn Lý, tôi mới nhận ra những gì mình biết chỉ lớp vỏ bên ngoài.

Hương ngọc lan

Hương ngọc lan

(GLO)- Hương ngọc lan là mùi hương thanh khiết nhất mà tôi được biết trong tuổi thơ của mình. Đó là sự dịu ngọt nhẹ nhàng và vô cùng gây thương nhớ cho người lữ khách.

Đọc để hiểu mình

Đọc để hiểu mình

(GLO)- Khi nhìn một người ngồi đọc sách, tôi thường có cảm giác rất bình an. Sự bình an như nguồn năng lượng được truyền đến từ hình ảnh rất đẹp trước mắt.

Cơn mưa ngang qua

Cơn mưa ngang qua

Tiết trời vào sáng sớm khá oi nồng, nhưng bầu trời lại phủ kín một màu mây xám đục chứ không trong trẻo như mọi khi. Rồi bất chợt mưa rào rào mà không có gió, có sấm báo trước.

Giai âm tiếng lòng

Giai âm tiếng lòng

(GLO)- Nếu tin rằng mọi thứ đều có nguyên do thì lý do ra đời của cây đàn guitar chắc hẳn là niềm ưu ái vô bờ mà thượng đế đặc biệt ban tặng cho con người.

 Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

(GLO)- "Bầu trời trở lại" của Lữ Hồng là bài thơ giàu hình ảnh và cảm xúc, gợi lên sự chuyển mình của thiên nhiên, lòng người. Bài thơ là bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, cũng là một hành trình nội tâm sâu sắc, nơi con người giao hòa với đất trời, với những giấc mơ và niềm tin vào ngày mai.

Xôn xao chợ núi

Xôn xao chợ núi

(GLO)- Chợ núi cũng như bao khu chợ ở nhiều vùng miền khác, là nơi mua bán trao đổi, gặp gỡ chuyện trò. Song, chính sự chân chất, bình dị của những phiên chợ này lại khiến bao người nhớ nhung.