Lo bữa ăn giúp người khó: Tình thương đem về muôn nơi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong những ngày dịch bệnh Covid-19 căng thẳng càng thấy rõ hơn nghĩa tình mà người ở TP.HCM dành cho nhau.

Đông đảo người khó khăn đến giáo xứ Tân Trang nhận những suất cơm được chuẩn bị sẵn. ẢNH: X.K
Đông đảo người khó khăn đến giáo xứ Tân Trang nhận những suất cơm được chuẩn bị sẵn. ẢNH: X.K
Không phân sang hèn, tín ngưỡng, cùng chung tay chăm lo bữa ăn cho người khó khăn, bấp bênh mưu sinh giữa lúc dịch giã.
Từ thiện từ tâm
Gần 1 tháng nay, cứ khoảng 6 giờ sáng, chùa Giác Tánh nằm trên đường Lạc Long Quân (P.8, Q.Tân Phú) đã bắt đầu chuẩn bị nấu cơm để kịp phân phát cho người có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi người mỗi việc, tất cả đều khẩn trương. Sức nóng từ bếp lửa, từ những món ăn khiến ai nấy đều lấm tấm mồ hôi.
Những ngày dịch bệnh, chùa Giác Tánh tạm ngưng các hoạt động, nghi lễ đông người. Khi chùa nấu cơm chay hỗ trợ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, công việc khá nhiều, chùa phải nhờ một số phật tử tới hỗ trợ. Mọi hoạt động đều đảm bảo tuân thủ khuyến cáo 5K về phòng chống dịch bệnh.
“Trước đây tình hình dịch chưa căng thẳng như thế này, chùa cũng nấu cơm chay để san sẻ cho nhiều bà con hoàn cảnh khó khăn, tần suất 4 ngày mỗi tháng. Giờ thì tình hình nhiều người khó khăn, nhiều người cần được giúp đỡ nên chùa và các phật tử quyết tâm làm liên tục mỗi ngày”, sư thầy Thích Chí Lực, trụ trì chùa Giác Tánh, chia sẻ và cũng tất bật cùng các phật tử lo chuyện bếp núc, chia cơm đã nấu chín vào từng hộp để sẵn.
Thời gian này thành phố thực hiện giãn cách xã hội, lại hạn chế tụ tập đông người. Từ khâu thu mua thực phẩm cho đến chế biến, rồi phân phát đều do chùa Giác Tánh cùng phật tử thực hiện. Để phong phú hơn bữa ăn cho mọi người, chùa cũng chuẩn bị luân phiên bữa chay bữa mặn, riêng bữa mặn thì do các gia đình phật tử nấu ở nhà đem tới.
“Có những lúc khó khăn về tài chính, nguồn thực phẩm. Những lúc kẹt, may sao người ta tin tưởng nên mình thường có thể mua trước trả sau, rồi phật tử trong chùa có cái gì đem tới đóng góp cái đó, từ chai dầu ăn đến bao gạo. Chân tình vậy đó”, thầy Thích Chí Lực chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Bé (ngụ Q.Tân Bình) là phật tử thường xuyên tham gia chuẩn bị cho việc nấu cơm tại chùa, nói: “Mỗi sáng tôi sửa soạn chút việc nhà rồi tới chùa nấu cơm. Mấy thầy cũng chuẩn bị sơ qua hết rồi, chúng tôi tới là nấu liền. Làm những hộp cơm này mình cũng không mong gì to lớn, chỉ biết người ta ăn no và ngon miệng là mình vui rồi”.
Là giáo viên ở Q.Tân Phú, ngoài thời gian giảng dạy, anh Gia Huy thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện tại chùa. Gần 1 tháng nay, anh đảm nhận công việc đưa những hộp cơm đến tận tay người cần, với một cái thùng nhựa lớn được buộc chắc chắn sau xe, anh rong ruổi khắp các con đường để đưa cơm. “Để người dân không phải đi xa đến nhận cơm, với tránh tụ tập đông người nữa nên mình đưa cơm đi tặng cho những ai cần đến, khi nào hết mới về. Nhiều lúc mình đi về nhưng không dám vào gặp ba mẹ vì cũng lo mà, đi ngang chào 2 ông bà, mua gì cũng khử khuẩn bên ngoài xong gửi vào, rồi mới về phòng trọ”, anh Gia Huy kể.
Trên đường đi, mỗi khi gặp những người thu nhặt ve chai, bán vé số, xe ôm..., anh Gia Huy luôn mở lời: “Bà con mình có lấy cơm không, có cơm chay với cơm mặn, miễn phí không mất tiền đâu...”. Có nhiều người đã quen thuộc, khi anh Gia Huy dừng xe là chủ động đến nhận các phần cơm, gửi lời chào, và rồi “người đưa cơm” vội đi tìm thêm những hoàn cảnh khác.
Bán vé số tại một góc nhỏ trên đường Lạc Long Quân (Q.Tân Phú), bà Đặng Thị Huệ, năm nay gần tròn 80 tuổi, nhận 3 hộp cơm từ anh Gia Huy; bà chưa kịp cám ơn thì anh đã chạy xa tít. “Tui ngồi đây bán mỗi ngày, ngày nào mấy cháu cũng cho cơm nên quen mặt rồi. Tui xin 3 hộp cho 2 người như tôi nữa, chứ già rồi ăn đâu hết”, bà Huệ vẫn cười nói chậm rãi khi chúng tôi hỏi thăm, dù nghe không rõ vì tai đã nặng.
Chạy xe xích lô nhưng vì dịch nên hiếm ai thuê, ông Nguyễn Nhì (81 tuổi) tới chùa Giác Tánh nhận cơm từ sớm, tiện thể mang giúp vài phần cho những người bạn không tiện di chuyển mà ông biết. Nhận cơm, ông lại đạp xe về nơi mà ông vẫn thường ngồi chờ chuyến ở một góc trên đường Năm Châu (P.12, Q.Tân Bình). Đối với một lao động nghèo như ông Nhì, mỗi hộp cơm được tặng chính là động lực để ông vượt qua những ngày dài dịch giã.
Với sư thầy Thích Chí Lực, chia sẻ những phần ăn giúp người khó nghèo vượt qua thời điểm khó khăn này là niềm vui, là lý tưởng của người tu hành, phật tử. “Cầu mong Việt Nam vượt qua đại dịch. Niềm vui của người Việt mình là tinh thần chia sẻ và đoàn kết. Những lúc khó khăn như thế này mình mới thấy được cái chân tình giữa người với nhau”, sư thầy bày tỏ.

Sư thầy Thích Chí Lực, trụ trì chùa Giác Tánh, cùng phật tử chuẩn bị các suất cơm để phát tặng
Sư thầy Thích Chí Lực, trụ trì chùa Giác Tánh, cùng phật tử chuẩn bị các suất cơm để phát tặng
Bữa cơm yêu thương mỗi ngày
Tấm bảng “Bữa cơm yêu thương mỗi ngày, hỗ trợ trong mùa dịch Covid-19” được tổ chức bởi giáo xứ Tân Trang (P.8, Q.Tân Bình) cũng đã trao tặng rất nhiều phần cơm tới người khó khăn quanh khu vực chợ Tân Bình, dù chỉ mới hoạt động.
Cha xứ Đinh Văn Thọ, đại diện giáo xứ Tân Trang, chia sẻ để có thể triển khai được những bữa cơm hỗ trợ người khó khăn như thế này, giáo xứ Tân Trang cùng các giáo dân đã bàn bạc với nhau để làm sao nấu được những phần cơm ngon, vừa đảm bảo an toàn về phòng chống dịch bệnh theo quy định của nhà nước.
Anh Nguyễn Minh Phúc và vợ bán cơm chủ yếu cho các tiểu thương tại chợ Tân Bình, nghỉ bán từ đầu tháng 6. Sẵn việc, anh được giáo xứ nhờ cộng tác để nấu cơm tặng cho người dân, cả nhà anh 6 người cùng phụ nhau làm. “Ở nhà nhiều, người nó bứt rứt mệt mỏi khó chịu lắm, giờ giáo xứ giao mình nấu cơm, vừa vui vì góp một phần sức lực của mình giúp người khó khăn, vừa có việc để làm cho vui tay vui chân nữa”.
Những ngày đầu, giáo xứ tổ chức phát 150 suất thử nghiệm, rất nhanh sau đó các phần cơm đã được phát hết mà không xảy ra tình trạng chen lấn, người khó khăn đến đều xếp hàng trật tự chờ tới lượt, đảm bảo được các quy định về phòng chống dịch bệnh.
Nhận thấy hiệu quả, giáo xứ tăng lên thành 350 suất cơm mỗi ngày. Đã có kinh nghiệm từ những ngày trước, việc phân phát cơm cho người khó khăn diễn ra nhanh chóng và thuận lợi. Những người đến nhận cơm đa phần vất vả mưu sinh với nghề bán vé số, thu lượm ve chai, xe ôm, hàng rong...
Dù phân phát khẩn trương nhưng từng hộp cơm vẫn mang đầy đủ sự trân trọng và sẻ chia đến từng người nhận. Chỉ sau 30 phút, việc phát cơm cho người dân đã hoàn thành. Mọi người xếp hàng, giữ khoảng cách, được khử khuẩn tay. Sau khi nhận cơm thì được hướng dẫn rời đi, tránh tụ tập đông người.
Sắp tới, giáo xứ Tân Trang dự kiến sẽ áp dụng mô hình ATM trượt ống (tặng bánh mì, cơm hộp, mì gói, gạo hoặc khoai lang, rau củ quả...) như tại giáo xứ Tân Sa Châu (387 Lê Văn Sỹ, P.2, Q.Tân Bình). Mô hình ATM trượt ống tại giáo xứ Tân Sa Châu tuy không mới, nhưng trong thời buổi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thì hết sức cần thiết. Bởi ngoài việc hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn hay các đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, việc bảo vệ chính những người tham gia các hoạt động thiện nguyện cũng cần phải chú trọng.
Rong ruổi qua nhiều địa bàn dân cư ở TP.HCM để ghi nhận về các cá nhân, tổ chức chăm lo bữa ăn giúp người khó, chúng tôi chứng kiến quá nhiều cảnh đời cơ hàn. Với bao người lao động nghèo, gánh nặng mưu sinh như chồng chất thêm trên đôi vai họ trong những ngày dịch Covid-19 hoành hành, thu nhập thất bát, công việc thất thường. Chúng tôi thầm mong tất cả bình an trước bao gian lao vẫn còn bủa vây tứ bề, để có thể cùng nhau vượt qua được đại dịch.
Theo Trần Xuân Khánh (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.