Liên tiếp xuất hiện 'hố tử thần' ở Bắc Kạn, chuyên gia khuyến cáo gì?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bắc Kạn vừa xuất hiện thêm "hố tử thần" trên đường vào vườn quốc gia Ba Bể.

Vị trí xuất hiện "hố tử thần" cách nơi ghi nhận hố tử thần ở Kim Lư, huyện Na Rì khoảng 50 km. Trước đó, từ ngày 29-3, xã Kim Lư, huyện Na Rì xuất hiện 7 hố tử thần, đe dọa 21 hộ dân và 12 ha đất nông nghiệp. Ngày 14-5, tỉnh ban bố tình huống khẩn cấp về sụt lún, điều tra nguyên nhân sụt.

Lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy nạn nhân rơi xuống hố tử thần ở xã Kim Lư. Ảnh: Báo Bắc Kạn
Lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy nạn nhân rơi xuống hố tử thần ở xã Kim Lư. Ảnh: Báo Bắc Kạn

Hậu quả, tối 27-5, một người đàn ông đã tông đổ rào tôn quây hố tử thần trên quốc lộ 3B, đoạn qua xã Kim Lư và mất tích.

Ở Tuyên Quang, ngày 20-5, một hố sụt lún đường kính khoảng 1 m đã xuất hiện sát tuyến đường tỉnh ĐT188, thuộc địa phận xã Phúc Sơn, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.

Cùng ngày, tại km25+300 quốc lộ 4D (thuộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) cũng xảy ra sụt lở nghiêm trọng, khiến 2/3 mặt đường quốc lộ 4D bị lún, sạt, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao.

Theo TS Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, qua khảo sát sơ bộ, các khu vực xảy ra sập sụt trên đều có nền địa chất là các đá giàu cacbonat (đá vôi, đá sét vôi…).

Các đá này dễ xảy ra quá trình karst hóa - sự hòa tan, rửa lũa đá cacbonat do tác động của nước, đặc biệt là nước mưa mang tính axit nhẹ (do CO₂ trong khí quyển hòa tan tạo thành H₂CO₃ - axit carbonic yếu).

Đặc biệt, tại các thung lũng karts, nơi có các hoạt động đứt gãy kiến tạo phát triển mạnh kết hợp với quá trình lưu thông của nước dưới đất, thuận lợi cho quá trình karst hóa phát triển mạnh tạo nên hệ thống khe nứt, hang hốc karst ngầm.

Quá trình sập sụt có thể được hình thành từ hiện tượng trôi chảy đất đá vào các khe nứt hoặc hang hốc karst ngầm ở phía dưới và diễn ra từ từ nhưng cũng có trường hợp xảy ra bất ngờ do toàn bộ trần hang hoặc phần đất phủ trên mặt bị sập xuống.

Hiện tượng sập sụt thường xảy ra khi gặp điều kiện thời tiết đặc thù như: khi mưa lớn kéo dài nước ngầm cuốn trôi đất đá trong các khe nứt, hang hốc gây rỗng hóa nền móng; khi thời tiết hanh khô hoặc khai thác nước quá mức làm mực nước ngầm hạ xuống tạo các khoảng rỗng làm giảm khả năng chống đỡ của trần hang và phần đất phủ trên mặt dẫn đến sập sụt, gây ra "hố tử thần".

Để giảm thiểu rủi ro, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, đề nghị các địa phương lưu ý việc khảo sát địa chất kỹ lưỡng trước khi xây dựng công trình trên nền đá vôi là điều bắt buộc, đồng thời cần áp dụng các biện pháp gia cố móng hiện đại, sử dụng vật liệu nhẹ và thiết kế kết cấu phù hợp nhằm giảm tải cho nền đất yếu.

Về mặt quản lý tài nguyên, cần hạn chế khai thác nước ngầm, tăng cường phủ xanh đồi núi, kiểm soát dòng chảy bề mặt để hạn chế hiện tượng rỗng hóa lòng đất.

Sập sụt là tai biến có tính chất đột ngột, cần ứng phó nhanh nên cần trang bị cho người dân kỹ năng nhận diện các dấu hiệu bất thường như nền nhà bị lún, tường nứt, âm thanh lạ từ lòng đất... để kịp thời ứng phó.

Theo Thùy Linh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Thời tiết ngày 27/6: Nhiều nơi có mưa rất to, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở

Thời tiết ngày 27/6: Nhiều nơi có mưa rất to, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở

Ngày và đêm 27/6, nhiều địa phương, đặc biệt khu vực Tây Bắc và Việt Bắc có mưa vừa, mưa to, cục bộ mưa rất to tập trung vào chiều tối và đêm, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Chiều tối và tối 27/6, ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to.

Thời tiết ngày 25/6: Áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, nhiều khu vực đất liền mưa lớn cục bộ

Thời tiết ngày 25/6: Áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, nhiều khu vực đất liền mưa lớn cục bộ

Theo dự báo, ngày 25/6, vùng áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên khu vực Bắc Biển Đông và có xu hướng mạnh lên trong những ngày tới. Trên đất liền, mưa lớn trên diện rộng ở Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng tại vùng trũng.

null