
Cuối thế kỷ XIX, những người làm nghề chài lưới từ tỉnh Bình Định đã di cư lên An Khê, quần tụ thành một xóm chài bên bờ Đông sông Ba, người dân địa phương gọi là vạn An Xuyên (nay thuộc tổ 4, phường Tây Sơn). Để có nơi thờ các vị thần linh bảo trợ cho ngư dân và sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, người dân đã chung tay xây dựng miếu An Xuyên. Miếu thờ Thủy Long thần nữ, Hà Bá, Lang Lại đại tướng quân, là những vị thủy thần bảo trợ cho dân vạn chài.
Ông Đỗ Minh Tâm-Bí thư Chi bộ kiêm tổ trưởng tổ 4 cho biết: “Xưa kia xóm chài có vài chục hộ, nay có hơn 350 hộ. Trong tổ hiện còn gần 40 hộ duy trì nghề chài lưới. Cùng với trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt cá đã giúp người dân có việc làm, gia tăng thu nhập, đời sống ổn định hơn”.
Nhà ông Nguyễn Phúc Chánh có 4 đời làm nghề đánh cá. Nhờ nghề này mà vợ chồng ông nuôi 6 người con khôn lớn. Hiện 3 người con trai theo nghề của cha. Ngoài đánh bắt cá trên sông Ba đoạn qua thị xã An Khê, những người con của ông Chánh còn vào huyện Kông Chro và Kbang đánh bắt. 1 người đánh bắt được 10-15 kg/ngày, thu nhập khoảng 200-300 ngàn đồng.
Ông Chánh cho biết, trước đây sông Ba đoạn qua thị xã An Khê nước nhiều, dòng chảy ổn định, cá tôm sinh sôi phát triển, hàng chục hộ dân sống nhờ khai thác cũng như nuôi cá lồng bè trên sông. Ngư dân chỉ thả vài tấm lưới thu được 50-60kg cá phá, cá bống, cá chình, trôi, trắm. Nơi đây từng có khá nhiều cá đá, cá rói, cá sóc, cá niên, cá lần cấn, thậm chí có cả cua đinh (một loại ba ba) lưng rộng như cái bàn, nặng trên dưới 100kg, cá chình nặng cả chục kg.
“Vì tuổi cao, sức khỏe yếu nên tôi chuyển sang trồng rau màu, chăn nuôi heo, gà. Thỉnh thoảng nhớ nghề tôi chèo thuyền thả đôi tấm lưới, bắt ít cá cúng tổ nghề, cải thiện bữa ăn”-ông Chánh thổ lộ.

Theo các lão ngư, những người làm nghề chài lưới có lễ cúng xuống nghề thường được thực hiện sau lễ cúng Khai Sơn-mở cửa rừng, bắt đầu một năm làm ăn mới của cả làng. Trước ngày diễn ra lễ cúng xuống nghề, không ai được tự ý ra sông đánh bắt cá. Nếu ai cố tình vi phạm điều cấm kỵ ấy sẽ bị quy tội, khiển trách, năm đó làng bị thiên tai dịch bệnh, đói kém người đó hoàn toàn chịu trách nhiệm. Vì thế mà lệ làng được gìn giữ.
Hàng năm, những ngư dân ở đây vẫn duy trì lễ cúng xuống nghề để cầu mong một năm mạnh khoẻ, làm ăn may mắn. Để tỏ lòng tri ân các vị thần đã phù hộ cho việc đánh bắt cá thuận lợi, vào dịp lễ cúng Quý Xuân, ngư dân trong vùng tự nguyện dâng cúng thần linh những con cá tươi ngon.

Cá này là do các hộ làm nghề đánh bắt cá lòng thành, tự nguyện dâng cúng. Xuất phát từ hành động này mà có tên gọi là lệ cúng cá. Gia đình nào cúng bao nhiêu, loại cá gì sẽ được thư ký Ban Nghi lễ ghi chép đầy đủ và thông báo cho cả làng biết. Sau tế lễ, cá được bày ra bàn để đãi khách và bà con dân làng cùng thụ lộc.
Khoảng 10 năm gần đây, vì lượng cá giảm sút nghiêm trọng, nhiều gia đình bỏ nghề. Những hộ duy trì nghề đánh bắt thì chật vật, lượng cá thu được chẳng đáng là bao nên họ tự bỏ tục xưa, lệ cũ. Không có cá của các ngư dân, Ban Nghi lễ chủ động mua cá dâng cúng thần linh, đảm bảo việc cúng lễ theo cách các cụ truyền lại.

Nói về việc thực hiện lệ cúng cá, ông Nguyễn Văn Đức-thành viên Ban nghi lễ miếu An Xuyên bộc bạch: Trước đây, mỗi dịp miếu tổ chức cúng Quý Xuân, ông theo cha bưng giỏ cá phá, cá chình tươi rói để cúng thần và mong cầu cho gia đình, người làm nghề chài lưới, bà con trong xóm vạn An Xuyên luôn mạnh khoẻ, làm ăn thuận lợi, may mắn. Sau này, ông nối nghiệp cha ông, bắt chước làm theo.
“Năm 2017, vợ chồng tôi không làm nghề đánh bắt cá mà chuyển sang tráng bánh. Cuối năm 2024, tôi quay lại với nghề đánh bắt cá. Nhớ lại tục xưa, lệ cũ và câu cách ngôn xưa “Tưởng thần thần đãi”-nghĩa là tưởng nhớ vị thần bảo trợ cho nghề cá, ngài sẽ phù hộ cho, tôi đã dâng cúng thần một ít cá nhao, loại cá ngon nhất tôi đánh bắt được trong 2 ngày thả lưới trên sông Ba. Nếu còn theo nghề tôi sẽ duy trì lệ cúng cá”-ông Đức bày tỏ.
Theo ông Đặng Lắm-nguyên Chánh bái miếu An Xuyên, xưa kia, lệ làng đặt ra ít nhất phải có một thành viên làm nghề chài lưới nằm trong ban nghi lễ miếu. Sau này việc đánh bắt cá không còn thịnh nên lệ ấy cũng mai một cùng với lệ cúng cá. Khi Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn (Bảo tàng tỉnh) đến khảo sát nghiên cứu, giúp miếu An Xuyên khôi phục lại thần chủ và đề xuất tái lập lệ cúng cá trong ngày lễ chính của miếu. Chúng tôi đã họp bàn, thống nhất, nhờ anh em có nghề chài lưới gia truyền như anh Đức giúp cho việc này.

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn cho biết: Cách đây 2 năm, trong quá trình thu thập thông tin tư liệu, xây dựng hồ sơ khoa học di tích lịch sử miếu An Xuyên, ông đã tiếp cận được nhiều tư liệu quý, trong đó có bản văn tế cổ có từ khi thành lập làng và miếu vạn An Xuyên, theo đó, thần chủ tại đây là các vị thủy thần: Thủy Long thần nữ, Hà Bá, Lang Lại.
So sánh với hệ thống các đình, miếu trên địa bàn tỉnh, chỉ có miếu An Xuyên là nơi duy nhất thờ Thủy thần. Khi hỏi thêm thì ông biết lệ cúng cá truyền thống mang đậm nét văn hóa của làng chài xưa đã bị mai một.
“Tôi đã thử đề xuất với các cụ trong Ban Nghi lễ miếu cho phục hồi mỹ tục lệ cúng cá thì các cụ vui vẻ đồng ý. Việc khôi phục lệ cúng cá không những bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của miếu An Xuyên mà còn là nét văn hóa độc đáo tại An Khê nói riêng, trên địa bàn tỉnh nói chung”-Tiến sĩ Sơn nói.
Ông Trần Ngọc Hỷ-Trưởng ban Nghi lễ đình An Khê thông tin: “Miếu An Xuyên xưa kia là vệ tinh của đình An Khê nên các ngày lễ lớn, Xuân kỳ, các miếu An Tập, An Phong, An Tân, Thanh Minh chịu trách nhiệm góp gạo, thịt, rau củ, tiền bạc thì miếu An Xuyên chịu trách nhiệm cung cấp cá để cúng đình. Lệ cúng cá có lẽ xuất phát từ đó”.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo của mình, cuối năm 2024, miếu An Xuyên được công nhận và xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngày 14-3 vừa qua, Ban Nghi lễ miếu đã long trọng rước bằng di tích về miếu trước ngày tiến hành đại lễ Quý Xuân. Với sự quan tâm của chính quyền, các nhà chuyên môn và sự đồng lòng của người dân, sau này lệ cúng cá truyền thống sẽ được duy trì như một mỹ tục cổ truyền tại miếu An Xuyên.