Lãnh đạo đảo chính ở Niger nhờ Wagner trợ giúp chống can thiệp quân sự?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Các tướng lĩnh đảo chính ở Niger được cho là đang tìm kiếm sự trợ giúp từ tổ chức quân sự tư nhân Wagner, trước nguy cơ một nhóm quốc gia khu vực sẽ can thiệp quân sự để khôi phục quyền lực của tổng thống dân cử bị lật đổ.

Hãng tin AP ngày 5.8 dẫn lời ông Wassim Nasr, nhà báo và là nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Soufan (TSC, trụ sở tại New York, Mỹ), cho biết tướng Salifou Mody, một trong các lãnh đạo đảo chính ở Niger, đã sang nước láng giềng Mali và gặp đại diện của Wagner tại đây. Trong cuộc gặp, ông Mody đã đề nghị Wagner giúp đỡ để chống lại điều mà họ coi là mối đe dọa từ Cộng đồng Kinh tế Quốc gia Tây Phi (ECOWAS).

Theo chuyên gia Nasr, ba nguồn tin ở Mali và một nhà ngoại giao Pháp đã xác nhận cuộc gặp mà đài France 24 của Pháp đưa tin đầu tiên. "Họ (lực lượng quân sự đảo chính ở Niger) cần Wagner vì Wagner sẽ trở thành sự bảo đảm để họ nắm giữ quyền lực", ông nói, đồng thời cho biết công ty quân sự tư nhân của Nga đang xem xét đề nghị của các tướng lĩnh đã lên nắm quyền sau vụ đảo chính ở Niger hôm 26.7.

Tướng Abdourahmane Tiani (thứ ba từ phải sang), lãnh đạo đảo chính ở Niger, tại thủ đô Niamey hôm 28.7. Ảnh: REUTERS

Tướng Abdourahmane Tiani (thứ ba từ phải sang), lãnh đạo đảo chính ở Niger, tại thủ đô Niamey hôm 28.7. Ảnh: REUTERS

Sau chuyến thăm Mali, quốc gia mà quân đội cũng đang nắm quyền lãnh đạo sau hai vụ đảo chính liên tiếp, ông Mody đã lên tiếng cảnh báo sẽ chống lại can thiệp quân sự, tuyên bố Niger sẽ làm những gì cần thiết để không trở thành "một Libya mới", theo đài truyền hình nhà nước Niger.

ECOWAS hôm 30.7 đã đưa ra tối hậu thư cho chính quyền quân sự ở Niger, yêu cầu các tướng lĩnh trả lại quyền lực cho Tổng thống Mohamed Bazoum trong vòng một tuần, nếu không nhóm có thể sẽ tiến hành can thiệp quân sự ở nước này. Ngày 6.8 là ngày cuối cùng để chính quyền quân sự ở Niger làm theo yêu cầu của ECOWAS.

Ông Bazoum, trong một bài viết được báo The Washington Post đăng tải tuần này, cho biết ông đã bị bắt làm con tin. Nhà lãnh đạo dân cử cảnh báo "toàn bộ khu vực trung tâm Sahel có thể chịu ảnh hưởng của Nga thông qua nhóm Wagner", đồng thời kêu gọi Mỹ và cộng đồng quốc tế hành động để lập lại trật tự hiến pháp ở quốc gia Tây Phi.

Lãnh đạo quốc phòng của các nước thành viên ECOWAS đã hoàn thiện kế hoạch can thiệp hôm 4.8 và kêu gọi quân đội của họ chuẩn bị các nguồn lực, sau khi một nhóm hòa giải được cử đến thủ đô Niamey của Niger hôm 3.8 đã không được phép vào hoặc gặp lãnh đạo lực lượng quân sự nước này, tướng Abdourahmane Tiani.

Thượng viện Nigeria hôm 5.8 đã khuyên tổng thống nước này, người hiện là chủ tịch ECOWAS, tiếp tục nghiên cứu các lựa chọn khác ngoài việc sử dụng vũ lực để khôi phục nền dân chủ ở Niger, lưu ý đến "mối quan hệ thân tình hiện có giữa người dân hai nước Niger và Nigeria". Tuy nhiên, quyết định cuối cùng của ECOWAS được đưa ra dựa trên sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên.

Sahel là dải đất nằm về phía nam sa mạc Sahara, đã trở thành một trong những khu vực bất ổn nhất thế giới với sự trỗi dậy của các nhóm thánh chiến có liên hệ với khủng bố trong những năm gần đây. Lực lượng Wagner, tổ chức lính đánh thuê nổi tiếng nhất của Nga, đã hiện diện tại đây ít nhất từ năm 2018, theo The Washington Post.

Moscow không thừa nhận Wagner về mặt pháp lý nhưng trên thực tế, lực lượng này đã chiến đấu bên cạnh quân đội chính quy Nga ở Ukraine. Sự hiện diện của Wagner ở Sahel được cho là đóng vai trò quan trọng đối với Nga trong cuộc tranh giành ảnh hưởng với phương Tây tại khu vực này. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Wagner và Moscow hiện không rõ như thế nào sau vụ nổi loạn của lực lượng này hồi cuối tháng 6.

Có thể bạn quan tâm

Cận kề ngày Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để tấn công Nga và phản ứng của các nước

Cận kề ngày Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để tấn công Nga và phản ứng của các nước

(GLO)- Sau khi tổng thống Biden quyết định cho Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga, Anh và Pháp cũng liền có động thái tương tự. Một số nguồn tin dự đoán vài ngày tới có thể Ukraine sẽ tiến hành những đợt tấn công đầu tiên vào đối phương với tên lửa có tầm bắn tới 306 km.

Triều Tiên tố Hàn Quốc chuyển những thứ rác rưởi sang lãnh thổ của mình

Triều Tiên tố Hàn Quốc chuyển những thứ rác rưởi sang lãnh thổ của mình

(GLO)- Lâu nay, hoạt động tuyên truyền của Hàn Quốc và thả rác thải của Triều Tiên gây nên mâu thuẫn và căng thẳng giữa 2 nước. Tuy nhiên mới đây, đến lượt Triều Tiên tố Hàn Quốc sử dụng truyền đơn và đồ dùng mà Bình Nhưỡng gọi là rác rưởi sang lãnh thổ của mình với mục đích chống phá.