Làng chạy giặc ở vùng biên giới Đức Cơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Một buổi sáng cuối mùa khô năm 1975, chồng tôi đánh thức cả nhà dậy thật sớm để lên đường. 4 thành viên trong nhà cùng 11 hộ khác lầm lũi rời khỏi Campuchia, luồn rừng về Việt Nam. Chồng tôi gốc người Jrai ở huyện Chư Prông nên mẹ con chỉ biết rằng có thể sẽ theo anh về đó. Con voi Y Khoăn lầm lũi thồ ít đồ đạc của gia đình để cùng chạy trốn. Heo, gà, lúa và hoa màu ở Campuchia đã bị đốt sạch không còn thứ gì”-bà Rơ Mah H’Phin (làng Triêl, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) hồi nhớ.
Cuộc trốn chạy khỏi nạn diệt chủng Pol Pot
Căn nhà gỗ thấp lè tè, mái ngói đỏ chói chang giữa vườn cà phê xanh mượt ở làng Triêl (xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ) là nơi gia đình bà H’Phin sinh sống từ năm 1979 đến nay. Bà H’Phin gốc người Jrai ở làng Lâm, xã Pó Nhầy, huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia. Chồng bà là ông Siu Hoan xuất thân vùng Chư Prông. Thời trẻ, ông tham gia hoạt động cách mạng tại khu vực biên giới Tây Nam và gặp bà rồi nên duyên chồng vợ. Họ đưa nhau về làng Lâm sinh sống.
“Ông ấy từng tham gia cách mạng tại Việt Nam nên lọt vào tầm ngắm bọn của Pol Pot. Hôm ấy, nhận được tin mật báo Pol Pot có ý định thủ tiêu các gia đình trong diện thân Cộng sản Việt Nam, chồng tôi bàn bạc với các gia đình khác về kế hoạch đào thoát khỏi Campuchia trước khi chúng ra tay hành động”-bà H’Phin nhớ lại.
Tất cả 12 hộ lặng lẽ lên đường trong đêm, khi mọi người còn chưa tỉnh giấc. Sáng sớm, đoàn đã đến khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và di chuyển về hướng làng Sơn, làng Nú (nay thuộc xã Ia Nan, huyện Đức Cơ). “Vượt qua cửa khẩu và đặt chân lên đất Việt Nam, chúng tôi mới dám tin mình còn sống. Vợ chồng, con cái nắm chặt tay nhau khóc”-bà H’Phin cho hay.
Bà Rơ Mah H’Phin (người gốc Campuchia) và con trai Rơ Mah Blơi. Ảnh: Lê Hòa
Bà Rơ Mah H’Phin (người gốc Campuchia) và con trai Rơ Mah Blơi. Ảnh: Lê Hòa
Ông Rơ Châm Ét-nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ia Pnôn là người nắm rất rõ về ngôi làng của những người Campuchia tị nạn và lập nghiệp tại Việt Nam ngay sau giải phóng. Lúc ấy, ông là Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Ia Pnôn.
“Một ngày cuối mùa khô năm 1975, chúng tôi nhận được tin có đoàn người tị nạn từ Campuchia về Ia Pnôn. Đoàn người tị nạn có 6 hộ từ làng Lâm và 30 hộ từ làng Triêl (xã Pó Nhầy, huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri). Xã quyết định bố trí cho họ lui về ở tại khu rừng giáp suối Ia Tung, cách trung tâm xã khoảng 5 km về phía Đông. Trong đoàn người tị nạn có một số ít hộ đem theo giống lúa, trâu, bò, heo, gà… Chúng tôi biết rằng họ đã xác định sẽ định cư lâu dài tại Việt Nam. Người Jrai ở Ia Pnôn coi họ như người một nhà, san sẻ từng nắm thóc, củ mì cứu đói”-ông Ét nhớ lại.
Chính quyền xã căn dặn bà con tuyệt đối không tiết lộ thân phận những người vượt biên tị nạn và phải cảnh giác, bảo bọc để giữ cho họ được an toàn. “Chúng tôi biết, nếu bị phát hiện, Pol Pot sẽ thủ tiêu tất cả những người này. Họ sẽ không còn đường sống! Bởi vậy, tiếp nhận là một chuyện, giấu được tung tích để họ an toàn mới là chuyện khó”-ông Rơ Châm Dom-nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ia Pnôn-cho hay.
Trong đoàn có hộ dẫn theo voi, vết chân trâu, bò còn dễ bị xóa lấp, vết chân voi quả thực rất to, in sâu trên nền đất. Không thể ngờ đây lại là dấu vết để bọn Pol Pot “đánh hơi” thấy sự hiện diện của những người Campuchia vượt biên.
Sau đó không bao lâu, bọn Pol Pot đã đưa 1 trung đội lần theo vết chân voi tìm đến tận trung tâm xã Ia Pnôn. Trùng hợp là làng Bua cũng có 2 con voi, người làng đứng ra nhận những vết voi dày là voi của làng. “Chúng dò xét rồi dụ dỗ, nói rằng chỉ cần đón số hộ tị nạn về và đảm bảo an toàn tính mạng cho họ. Nhưng chúng tôi đều quá biết, chỉ cần đặt chân qua bên kia đường biên giới, tính mạng của những người tị nạn sẽ khó lòng giữ được”-ông Ét tâm sự.
Không thể lần ra manh mối, bọn Pol Pot buộc phải quay về. Từ đấy, người Ia Pnôn cũng cảnh giác hơn. Tất cả vết chân voi đều được khéo léo xóa đi. Người dân các làng vùng biên đều được quán triệt “không nghe, không thấy, không biết” nếu có ai hỏi han thông tin những người từ Campuchia trở về.
Giữa năm 1978, bọn Pol Pot một lần nữa quay trở lại tìm kiếm những người tị nạn. Lần này, chúng đưa hẳn 1 tiểu đoàn đến đây. Chúng tra hỏi, rồi đốt phá sạch nương lúa, bắt hết heo, gà của bà con trong làng. Tức tối vì không tìm được nhóm người tị nạn, chúng gài mìn bao quanh làng trước khi bỏ đi. Một người dân trong làng bị tử vong do đạp trúng mìn của bọn Pol Pot. “Bọn Pol Pot còn bắn về làng nhưng may mắn không ai bị thương”-ông Ét kể lại.
Năm 1979, khi chiến tranh biên giới Tây Nam tạm yên, bà con Campuchia tị nạn được đón về làng, được bố trí lập làng tại khu đất cách trung tâm xã tầm 1 km. Từ đây, họ được tự do sống và làm ăn như bao người Việt khác trên đất này. Làng tị nạn vô danh, tồn tại bí mật được định danh với tên gọi là làng Triêl.
Chúng tôi là người Việt Nam!
Bình yên trở lại, một số gia đình người Campuchia có nguyện vọng trở về quê hương và được địa phương giải quyết trao trả qua 2 lần. Đợt thứ nhất vào năm 1987 có 4 hộ gốc người làng Lâm quay trở lại Campuchia và đợt 2 vào năm 1992 có 10 hộ làng Triêl trở về.
Đường vào làng Triêl (xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ). Ảnh Lê Hòa
Đường vào làng Triêl (xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ). Ảnh: Lê Hòa
Ông Rơ Mah Blơi-Trưởng thôn Triêl là con ruột của bà H’Phin và ông Siu Hoan. Thời điểm cha mẹ rời khỏi Campuchia, ông mới chỉ khoảng 10 tuổi nên ký ức gần như không còn lưu giữ nhiều thông tin về cuộc đào thoát ngày ấy. “Tôi lớn lên và quen vợ tôi là người ở làng Bua. Năm 1985, chúng tôi cưới nhau rồi sinh lần lượt 4 người con. Bây giờ, 3 đứa đã lập gia đình, đều là người Jrai sinh sống quanh vùng này. Quốc tịch của chúng tôi là Việt Nam!”-ông Blơi khẳng định chắc nịch.
Ông Blơi cho biết: “Làng Triêl hiện có 80 hộ với 339 khẩu, trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm 72%. Cả làng có tổng cộng trên 100 ha điều, vài chục héc ta cà phê. Mặc dù kinh tế còn khó khăn nhưng cuộc sống yên bình, đoàn kết, ổn định. Câu chuyện về chuyến đào thoát năm xưa của ông cha để giữ lấy mạng sống đã dần lui vào dĩ vãng”.
…Trên bàn thờ giữa nhà, ông Blơi đặt di ảnh người cha quá cố, bên trên là ảnh Bác Hồ. “Chúng tôi luôn trân trọng sự cưu mang, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam”-ông Blơi nói và thắp nén nhang thơm lên trang thờ ngay sau cuộc trò chuyện.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Công an tỉnh Gia Lai tăng tốc triển khai Đề án 06

Công an tỉnh Gia Lai tăng tốc triển khai Đề án 06

(GLO)- Công an tỉnh Gia Lai là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của tỉnh.
Nhớ bok Núp

Nhớ bok Núp

(GLO)- Nhiều người và nhiều hãng thông tấn báo chí chụp ảnh Anh hùng Núp. Trong đó, bức ảnh “Bok Núp” của anh Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai) được nhận xét là một trong những bức chân dung đẹp nhất.

Nhớ những ngày ở làng cùng bok Núp

Nhớ những ngày ở làng cùng bok Núp

Bok Núp được biết đến nhiều với vai trò là một vị anh hùng trong kháng chiến chống ngoại xâm. Nhưng hôm nay, tôi lại muốn kể về một bok Núp ở làng-một già làng, một nông dân thực thụ, một người yêu và thấm đẫm chất văn hóa Bahnar.