Làng... bị núi đuổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau lần sạt lở núi kinh hoàng, vùi lấp cả làng Huy Duỗi (xã Sơn Long, H.Sơn Tây, Quảng Ngãi) vào tháng 10.2020, dân làng tứ tán chạy đi trốn núi, tìm chỗ trú thân ở khắp nơi. Đến nay, khi núi ngủ yên, người Ca Dong đã tập trung về làng mới.
Ký ức ám ảnh
Một chiều cuối tháng 10.2020, chị Đinh Thị Yêu (27 tuổi, ở làng Huy Duỗi, xã Sơn Long, H.Sơn Tây, Quảng Ngãi) cõng bao mì từ rẫy về nhà sàn. Hơn 10 ngày mưa tầm tã, đất núi nhão nhoẹt, đường đi lún đến đầu gối. Về đến nhà, mệt rã rời, chị Yêu quăng vội bao mì trên lưng xuống, sà vào bếp hơ hai bàn tay lạnh cóng. Ngoài trời, vùng cao đón từng đợt gió thổi về, đưa cả mây mù vào nhà sàn, lạnh căm căm.

Những ngôi nhà mới ở khu tái định cư làng Măng Lăng, xã Sơn Long, H.Sơn Tây (Quảng Ngãi). Ảnh: Phạm Anh
Những ngôi nhà mới ở khu tái định cư làng Măng Lăng, xã Sơn Long, H.Sơn Tây (Quảng Ngãi). Ảnh: Phạm Anh
Anh Đinh Văn Thả, chồng chị Yêu, từ tốn bảo mai trời mưa nữa sẽ nhổ hết rẫy khoai mì về. “Mày đừng đi làm nữa, bụng chửa hai tháng rồi. Đi làm, đường trơn trượt, không yên tâm”, anh Thả nói. Thế nhưng sau cái đêm ấy, rẫy mì rồi cũng không nhổ được. Căn nhà thân yêu của vợ chồng trẻ này, ai ngờ đó là những giờ phút kỷ niệm cuối cùng ở đây. “Khoảng 1 giờ sáng 1.11.2020, đang ngủ thì nghe tiếng nổ mấy phát to lắm từ núi Ngok Plei. Cả nhà 4 người giật thót, vì sau tiếng nổ là nghe nước chảy ầm ầm, nghe tiếng đá đụng vào nhau chan chát”, chị Yêu nhớ lại.
Khi ấy, bên kia hàng xóm kêu la vang cả triền đồi. Trong đêm tối, thảng thốt những tiếng kêu cứu nhà bị núi chảy bùn, đá vào nhà. Lúc ấy, nhà ai nấy lo tranh thủ chạy trốn núi trong đêm. Gia đình chị Yêu cả đêm khấn cầu thần núi của làng đừng nổi giận. Đến sáng, chưa được 5 giờ, chồng vơ mấy bộ quần áo rồi cõng con, vợ có bầu hai tháng dắt theo mẹ già trốn núi Ngok Plei qua làng khác ở.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đinh Trường Giang, Phó chủ tịch UBND H.Sơn Tây, cho biết bà con Ca Dong còn nhiều khó khăn khi về nơi ở mới. Tuy nhiên, nơi sống an toàn và tốt hơn nơi ở cũ thì bà con chọn lựa. “Từ nay đến Tết Quý Mão, huyện còn đưa 35 hộ dân ở khu dân cư Mang Rin, thôn Mang He, xã Sơn Bua (H.Sơn Tây) về nơi ở mới. Đây là khu dân cư bị lũ quét ngày 28.10.2020 cuốn trôi tất cả nhà cửa, gia súc, dân hiện vẫn đang phải ở nhờ khắp nơi”, ông Giang nói.
Gần đó là nhà ông Đinh Văn Sửu (49 tuổi). Đêm đó, ông Sửu đang ngủ thì đất bùn đổ ập vào nhà. Căn nhà bị sập, nhưng may là 4 cột nhà còn chống đỡ được. Ông Sửu moi bùn đất chui lên kêu cứu. Sau cái đêm kinh hoàng đó, ông Sửu qua hẳn xã Ngọc Tem, H.Kon Plông (Kon Tum) làm ăn, không quay về làng ở nữa.
Chỉ một đêm, núi lở một đoạn dài khoảng 500 m đỏ loét, cây cối, đất đá trôi theo ầm ầm. Núi lở cuốn theo nhà cửa, lấp đường và 3 ha ruộng bậc thang của người Ca Dong vùng cao này.
Dựng nhà trên làng mới
Những ngày cuối năm 2022, chúng tôi trở lại làng bị núi Ngok Plei đuổi, vết núi bị lở loét bây giờ cây dại đã lên xanh nhưng vẫn còn lõm hằn sâu chảy dài từ đỉnh xuống chân núi. Còn làng Huy Duỗi thì gần như không còn ai ở đó.
Ở bên kia con suối nơi núi Ngok Plei sạt lở năm nào, có một ngọn đồi mồ côi, nó không dựa vào dãy núi nào. Bây giờ ngọn đồi ấy đã được san ủi làm làng mới với tên gọi Măng Lăng, cho dân làng Huy Duỗi bị núi đuổi năm nào về ở. Hôm đưa dân về làng mới, chính quyền xã Sơn Long huy động khoảng 40 - 50 thanh niên, có cả xe tải để chở cột kèo, gỗ sàn nhà… của người dân đã mót lại được sau cơn sạt lở núi, để đưa về khu định cư mới dựng lều ở.

Một gia đình Ca Dong đang dựng nhà mới. Ảnh: Hải Phong
Một gia đình Ca Dong đang dựng nhà mới. Ảnh: Hải Phong
Vỗ về nhè nhẹ vào lưng đứa con trai tên Đinh Văn Binh, chị Đinh Thị Yêu bảo nó chính là đứa bé chị mang bụng bầu chạy trốn núi ngày nào. “Núi còn thương, đêm ấy không vùi nhà mình. Nhưng đến giờ, mỗi lần nghe tiếng nổ là giật mình, sợ lắm…”, chị Yêu bất chợt nhìn lên ngọn núi xanh thẳm trước mặt, còn vương chút âu lo.
Chiều nắng vàng ươm hôm ấy, chúng tôi vào căn lều của gia đình ông Đinh Văn Tường (42 tuổi) ở làng mới Măng Lăng. Người đàn ông trung niên Ca Dong cười tươi rói. Ngày núi lở, ông và cả gia đình may mắn thoát chết. Giờ gặp nhau, nhắc lại chuyện cũ, ông Tường không khỏi rùng mình, không thể nào quên cái đêm dắt vợ con chạy ra khỏi nhà trong đêm núi lở, mưa lớn đó.
Dắt chúng tôi ra chỗ có gỗ, ngói, cây lồ ô và tôn để dưới sàn nhà tạm ở khu định làng mới Măng Lăng, ông Tường khoe đã chuẩn bị vật liệu để làm nhà mới ở đây. “Mình được cấp 400 m2 đất để làm nhà. Đất rộng có thể làm chuồng cho bò, chăn nuôi được thêm gà, vịt nữa. Mai mốt tích góp làm nhà rộng mới đủ chỗ ở cho cả nhà 7 người: cha mẹ, hai vợ chồng và 3 đứa con”, ông Tường nói.
Theo tay ông Tường chỉ, khu làng mới này hiện vẫn dùng tạm nước suối lấy từ đỉnh núi, còn điện thì đã kéo về trước dãy nhà bà con Ca Dong.
Gặp chúng tôi, bà con Ca Dong ở làng mới ai cũng vui. Bởi từ nay hết cảnh ăn nhờ ở tạm nhà người quen, hết cảnh phập phồng lo núi lở. Khu đất mới còn rộng thoáng, gió mát, rộng rãi hơn nhà cũ. Kế bên nhà ông Tường là căn nhà sàn khang trang của vợ chồng anh Đinh Văn Quên. Hai năm qua, ba cha con anh Quên ở nhờ nhà mẹ mình, còn vợ là chị Đinh Thị Thông mang bầu gần đến ngày sinh nở phải về xã Sơn Bua, H.Sơn Tây ở nhờ ba mẹ ruột. Qua hai năm ở nhờ, khi về làng mới, vợ chồng anh Quên đã làm nhà đàng hoàng, còn bán tạp hóa kiếm lời.
Những năm chưa sạt lở núi, cứ đến mùa cuối năm này, anh Quên lên Tây nguyên hái cà phê, gần tết lại về. Hai năm nay, anh Quên không đi Tây nguyên nữa mà ở nhà làm rẫy, lúa nước. Hết rẫy ruộng, anh Quên xoay qua làm thợ phụ các công trình, kiếm mỗi ngày 270.000 - 300.000 đồng. Tích góp tiền của nên khi nhận 400 m2 ở làng mới Măng Lăng, anh Quên làm căn nhà khang trang bậc nhất trên đất mới này.

Điện đã đến tận cửa nhà người Ca Dong ở làng mới Măng Lăng. Ảnh: Phạm Anh
Điện đã đến tận cửa nhà người Ca Dong ở làng mới Măng Lăng. Ảnh: Phạm Anh
Vẫn còn khó khăn
Ông Nguyễn Tấn Tín, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng H.Sơn Tây, cho biết từ tháng 4 nơi này trời đã bắt đầu mưa. Chưa có năm nào mưa sớm và kéo dài như năm nay, nên việc làm mặt bằng ở đây không như ý. Thế nhưng nhờ sự nỗ lực của chính quyền và ngành chức năng, hạ tầng ở đây gần như đã hoàn thiện, hiện đã có gần 40/56 hộ về đây sống. “Trước Tết Nguyên đán Quý Mão, 100% hộ dân sẽ về đây ở. Chúng tôi thăm hỏi, biết bà con đều hài lòng với đất này”, ông Tín nói.
Còn ông Đinh Văn Trây, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Long, bày tỏ bà con có chỗ ở mới là mừng lắm. Vì vậy, cách đây hơn một tháng, theo lời mời của chính quyền, dân làng Huy Duỗi kéo về dựng nhà, được chính quyền hỗ trợ chở giúp vật liệu. “Nói vậy nhưng vẫn còn khó khăn lắm. Bà con ở đây ruộng, rẫy không đủ gạo ăn quanh năm, phải đi làm thuê. Đàn ông làm thuê các công trình được 250.000 - 300.000 đồng/ngày, nhưng bữa được bữa mất. Phụ nữ thì chỉ 120.000 đồng/ngày đi lột vỏ keo, làm đất… Vì vậy, hầu như nhà ở khu Măng Lăng đều là tạm bợ, chỉ có một số có nhà đàng hoàng. Mong các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho bà con ở làng định cư mới, nhất là có nhà ở tử tế”, ông Trây chia sẻ.
Theo Phạm Anh - Hải Phong (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).
Những cuộc đời ven kênh

Những cuộc đời ven kênh

Từ bao đời nay, trên các nhánh sông Sài Gòn từng có những xóm làng ven kênh, họ sống đời cha nối tiếp đời con. Đó là những xóm kênh hay dân bờ kè gắn liền với cuộc đời và số phận thăng trầm cùng các dòng sông, bờ kênh của thành phố...
Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội

Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội

(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trái tim những người từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia vẫn luôn hướng về vùng đất Đức Cơ-nơi tiễn các anh đi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả và cũng là nơi đón các anh trở về với đất mẹ. Và, ở miền biên viễn này còn có bao đồng đội đang yên giấc vĩnh hằng.

Người của biển khơi

Người của biển khơi

Cứ mỗi lèo biển đánh được nhiều cá, anh lập tức nhớ ngay tọa độ, ngày tháng đánh bắt, đêm có trăng hay không trăng, dòng hải lưu thế nào... để mùa sau, năm sau quay trở lại đánh bắt
Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.