Làm giàu giữa mùa thiên tai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tôi đã chứng kiến bao cảnh lầm than mỗi đợt hạn mặn bủa vây Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thế nên, khi nghe bà Võ Thị Chanh (ấp Cồn Chim, xã cù lao Hòa Minh, huyện Châu Thành, Trà Vinh) nói: “Đang mong chờ… nước mặn”, tôi sửng sốt: “Trời đất!”.

Như biết tôi không tin, bà dẫn chứng: “Mới năm trước chứ đâu, nước mặn vào, tui nuôi tôm lời vài trăm triệu đồng ngọt ơ. Ở xứ này, nước mặn giờ là báu vật đó chú”…

 

Mô hình lúa sạch hữu cơ ở cù lao Hòa Minh và Long Hòa.
Mô hình lúa sạch hữu cơ ở cù lao Hòa Minh và Long Hòa.

“Vàng” trên nước mặn

Những ngày tháng 3, vùng cù lao Hòa Minh rộn rã tiếng cười khi các nông hộ vào mùa thả nuôi tôm, cua, cá. Ngồi bên cạnh chiếc máy ép đang cho ra những viên tròn màu xám, bà Võ Thị Chanh (ấp Cồn Chim, xã Hòa Minh) nói đó là thức ăn cho tôm và giải thích: “Tui có 1ha đất, đều đặn mỗi năm làm 1 vụ lúa, năng suất khoảng 3 tấn, rồi chuyển sang 1 vụ tôm vào mùa nước mặn.

Tới mùa thu hoạch, lúa một phần để ăn trong nhà, dư dả thì đem bán, phần còn lại đem nấu cho chín rồi xay nhuyễn thành bột trộn với con ruốc, sau đó, cho vào máy ép nhuyễn thành viên cho tôm ăn. Tui nuôi tôm không phải tốn tiền mua thức ăn mà tự chế biến bằng cách này, vừa đỡ tốn chi phí, lại còn kiểm soát được nguồn thức ăn sạch”.

Rồi bà nói thêm: “Mới đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 chứ đâu xa, trong khi thiên hạ khổ sở vì thiên tai khốc liệt, thì dân xứ này lại mừng như tết đến vì… nước mặn. Mùa đó, tui bán 1,3 tấn tôm, thu về 120 triệu đồng, cộng thêm 8.000 con cua được gần trăm triệu nữa”.

Dẫn khách tham quan những vuông tôm, ông Sáu Hiền - Tổ trưởng Tổ hợp tác lúa sạch ấp Giồng Giá (xã Hòa Minh) - kể: Gia đình ông canh tác trên 1,5ha đất. Mùa nước ngọt thì trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi cá rô phi. Đến mùa nước mặn, từ tháng chạp đến tháng 6 âm lịch, ông thả nuôi 80.000 con tôm giống và khoảng 12.000 con cua giống. Do giá trị con tôm lớn hơn cây lúa nên khi trồng lúa, bà con sẽ không dùng hóa chất bảo vệ tránh ảnh hưởng đến đến con tôm.

“Sau mỗi vụ nuôi tôm, cua, đất được bổ sung một lượng lớn hữu cơ, giúp cây lúa phát triển tốt mà không cần phải bón phân nhiều. Ngược lại, cây lúa hấp thu cặn bã từ ao nuôi tôm, cua giúp làm sạch môi trường, tạo điều kiện cho các sinh vật phù du phát triển làm nguồn thức ăn cho tôm, cá… Bình quân mỗi năm tui thu lãi vài trăm triệu đồng” - ông Sáu Hiền phân tích như một nhà khoa học.

Từ Hòa Minh về ấp Rạch Ngựa (thuộc xã cù lao Long Hòa, huyện Châu Thành), hỏi chuyện con tôm ai cũng phấn khởi nhắc về ông Đặng Văn Chuột (78 tuổi, còn gọi là Hai Chuột). Ông Chuột quê ở Bến Tre sang cù lao Long Hòa cưới vợ, sinh sống và lập nghiệp, rồi trở thành người dân cố cựu ở xứ này.

Ông miêu tả, hơn ba chục năm trước, người dân trong vùng thuộc diện “nghèo đội sổ” bởi nước mặn bủa vây, trong khi chính quyền và người dân quyết “ngọt hóa” cù lao để trồng lúa.

Một lần về thăm nhà, nghe anh em bà con kể chuyện khá giả nhờ nuôi tôm, và thấy điều kiện đất đai, khí hậu ở Bến Tre cũng giống như ở Long Hòa, ông Chuột trở về đắn đo, sau cùng ông bàn với vợ rồi “liều mạng” gom hết gia tài (khoảng 200.000đ thời đó) mua 2.000 con tôm giống về thả nuôi. Không kỹ thuật, không hướng dẫn, ông Chuột bắt còng, đem lên xay nhuyễn cho tôm ăn. Một ngày trôi qua với ông là một nỗi lo đằng đẵng vì sợ cảnh tôm chết, cả nhà đổ nợ.

“Nhờ trời thương, 5 tháng sau, tui thu hoạch tôm, thu về khoảng 5 triệu đồng, cả nhà mừng không cầm được nước mắt. Bà con lối xóm kéo đến hỏi thăm, tui kể chuyện nuôi tôm, rồi họ về nuôi theo. Nhưng ở đời, đâu có chuyện gì mà dễ…”, ông Chuột nói làm tôi thêm hồi hộp.

Khi lòng người đã thuận thiên nhiên

Nằm giữa con sông Cổ Chiên, cù lao Hòa Minh và Long Hòa có hai mùa mặn ngọt. Độ ba chục năm trước, nơi đây biệt lập như “chốn bưng biền” không chỉ bởi cách trở đò giang, mà bức tranh kinh tế còn lắm những “gam màu tối”.

 

Bà Chanh bên chiếc máy làm thức ăn cho tôm.
Bà Chanh bên chiếc máy làm thức ăn cho tôm.

Những năm đầu sau giải phóng, vấn đề an ninh lương thực đặt ra những thách thức lớn, từ đó, việc phát triển thủy lợi nhằm tháo chua, rửa mặn, ngăn mặn giữ ngọt để trồng lúa được xem là hướng đi phù hợp. Thế nhưng, khi an ninh lương thực đã được đảm bảo, “tư duy ngọt hóa” vẫn diễn ra ở khắp nơi với quan niệm: “Phải trồng lúa cho bằng được”.

Rồi nước mặn bị xem như kẻ thù, là tai hoạ cần phải ngăn chặn. Những công trình cống đập khép kín được dựng lên, cây lúa từ 1 vụ tăng lên 2 vụ. Năm nào mưa thuận gió hòa thì còn có cái ăn, gặp năm nước mặn đến sớm, xâm nhập nội đồng coi như mất trắng, đời sống người dân vẫn cứ nghèo trong lam lũ.

Một dạo, bà con liều mình cho phá đê bao, chính quyền phải họp dân mấy lần, sau cùng đã đồng thuận. “Vùng này vốn bao quanh bởi nước mặn, nên tôi là người phản đối quyết liệt nhất chuyện ngọt hóa. Dần dần, các công trình khép kín không hiệu quả được dỡ bỏ, bà con mừng rơn nhìn nước mặn tràn đồng, câu chuyện “đổi đời” cũng bắt đầu từ đó” - ông Hồ Quang Xê - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hòa Minh - nói.

Lúc bấy giờ, việc độc canh cây lúa kém hiệu quả đã đặt ra nhiều trăn trở cho lãnh đạo tỉnh Trà Vinh. Sau những chuyến tham quan các mô hình nuôi tôm ở miền Trung, họ lấy tôm giống về nuôi thử nghiệm lần đầu tiên tại xã Hiệp Mỹ Đông (huyện Cầu Ngang). Mô hình mang lại thành công ban đầu, rồi phát triển mạnh ra khắp tỉnh. Khoảng đầu năm 2000, nhiều hộ dân ở Hòa Minh, Long Hòa cũng chuyển sang nuôi tôm. Nhưng do thiếu kinh nghiệm, kiến thức khoa học kỹ thuật cộng với hạ tầng yếu kém, nên các vụ tôm đều thất bại. Nhiều nông hộ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Vài năm sau, một doanh nghiệp ở TPHCM xuống khảo sát, rồi ký hợp đồng thực hiện mô hình trồng lúa hữu cơ ST5. Ban đầu, bà con cứ đắn đo bởi họ quá ngán việc trồng lúa. Nào ngờ, đến mùa thu hoạch, năng suất dù chỉ đạt từ 4,5 - 5,2 tấn/ha, nhưng giá bán lên đến 9.000 - 11.000 đồng/kg, cao gấp 2-3 lần lúa thường. Đặc biệt, nông dân được hướng dẫn kỹ thuật, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, thu lãi bình quân 30 triệu đồng/ha.

Điểm nổi bật của mô hình là trồng lúa không sử dụng phân bón, thuốc hóa học, thân thiện với môi trường, mang lại khả năng gia tăng hiệu quả nuôi các loài thủy sản. Từ đó, UBND 2 xã vận động các hộ dân kết hợp trồng lúa sạch thả nuôi thêm cá, tôm, cua. Hiệu quả đến ngoài mong đợi, sự kết hợp này giúp nông dân tăng thêm thu nhập vài chục triệu đồng/ha, rồi nhanh chóng lan rộng ra toàn xã. Đến nay, hơn 1.100ha đất độc canh cây lúa ở Long Hòa được chuyển đổi sang mô hình trồng lúa chất lượng cao kết hợp nuôi thủy sản. Đặc biệt, vào mùa khô, diện tích đất trồng lúa còn được người dân bố trí nuôi thêm một vụ tôm sú theo hình thức quảng canh cải tiến.

Ông Trần Trung Kha - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Minh - cho biết, mỗi năm dân ở xã cù lao sản xuất hơn 6.000 tấn tôm, cua và hàng nghìn tấn lúa sạch. Những năm gần đây, trên bờ bao của diện tích trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản, người dân trồng cỏ, trữ rơm để làm thức ăn chăn nuôi cho bò, với tổng đàn hơn 1.800 con ở Long Hòa và hơn 4.000 con ở Hòa Minh. Mô hình này đã giúp người dân có thêm nguồn thu nhập đáng kể. Đến nay, nhiều nông hộ vuơn lên thoát nghèo, làm giàu và trở thành tỉ phú.

Năm 2013, dân Hoà Minh, Long Hoà nhận được sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế, tham gia vào các lớp tập huấn thích ứng với biến đổi khí hậu và tự quản lý nguồn lợi có kiểm soát. Từ đó, Tổ đồng quản lý sông Cồn Chim ra đời gồm 100 hộ dân ở bốn ấp dọc triền sông Cồn Chim, xã Hoà Minh. Khu vực đồng quản lý gồm hơn 6 ha rừng, 57 ha diện tích mặt nước từ điểm đầu ở ấp Long Hưng 1 tới điểm cuối ở ấp Ông Yểm.

Mỗi năm, việc khai thác thủy sản trên sông Cồn Chim sẽ bị cấm từ tháng 2 đến tháng 6. Từ tháng 7 đến tháng giêng năm sau, người dân được khai thác, nhưng mắt lưới phải từ 1,8 cm trở lên. Tổ đồng quản lý tập hợp mỗi ấp một đội tuần tra 3 người thay phiên nhau đi tuần, nhắc nhở các quy định. Những ai vi phạm bị bắt thả cá về sông và còn bị phạt từ 200.000 - 5 triệu đồng… Với bà con, thiên nhiên là nguồn sống, bảo vệ thiên nhiên là trước hết, sẽ bảo vệ cuộc sống của chính mình.

Trần Lưu/laodong

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.