Kỳ vọng bước đột phá trong sản xuất công nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong năm 2021, các nhà máy mới đi vào hoạt động sẽ đóng góp giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) hơn 752 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sản phẩm của các nhà máy hiện có sẽ tăng thêm 1.529 tỷ đồng.

Phục hồi sản xuất trong khó khăn

Năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến tình hình SXCN trên địa bàn tỉnh, trong đó, công nghiệp khai thác và công nghiệp chế biến chịu ảnh hưởng nặng nề. Bà Võ Thị Tuyết Hà-Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Khoa học Quốc tế Trường Sinh-cho biết: “Đầu năm 2020, khi các sản phẩm của Công ty chính thức đưa ra thị trường thì bị tác động bởi dịch Covid-19 nên sức tiêu thụ hạn chế. Do đó, công suất các nhà máy chỉ đạt 50-80%, dẫn đến doanh thu không đạt so với kế hoạch đề ra”. Theo bà Hà, mặc dù không đạt kế hoạch đề ra nhưng tỷ lệ đơn hàng lặp lại cao. Do đó, Công ty kỳ vọng trong năm nay sẽ đạt tốc độ tăng trưởng mạnh, với mục tiêu doanh thu đạt 700 tỷ đồng.

Nhà máy sản xuất của Công ty cổ phần Sản xuất bê tông 26 Gia Lai ở Khu Công nghiệp Trà Đa (ảnh đơn vị cung cấp).
Nhà máy sản xuất của Công ty cổ phần Sản xuất bê tông 26 Gia Lai ở Khu Công nghiệp Trà Đa (ảnh đơn vị cung cấp).


Tương tự, các nhà máy đường, nhà máy chế biến gỗ, nhà máy chế biến sữa… cũng không đạt được kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, tình hình nắng hạn kéo dài làm cho các nhà máy thủy điện dừng hoạt động trong nhiều tháng liền. Ông Vũ Đức Hậu-Phó Giám đốc điều hành Thủy điện Đak Ble (xã Đak Rong, huyện Kbang) cho hay: Do khô hạn kéo dài nên sản lượng điện sản xuất của Nhà máy chỉ đạt khoảng 85% kế hoạch. Trên cơ sở dự báo tình hình thủy văn, thời tiết tại khu vực, dự kiến năm 2021, sản lượng điện đạt khoảng 20 triệu kWh.

Mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 trong nhiều tháng, nhưng đến cuối năm 2020, ngành công nghiệp của tỉnh đã từng bước phục hồi. Tổng giá trị SXCN (giá so sánh năm 2010) là 22.519 tỷ đồng, đạt hơn 98% so với kế hoạch, tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước. Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-đánh giá: “Mặc dù SXCN không đạt kế hoạch nhưng đây vẫn là mức tăng trưởng khá ấn tượng trong điều kiện dịch Covid-19 đã tác động đến toàn bộ nền kinh tế. Cụ thể, các sản phẩm công nghiệp đạt và tăng cao so với năm 2019 gồm: chè, tinh bột mì, đá granite, xi măng, phân vi sinh. Các sản phẩm tăng nhưng không đạt kế hoạch là chế biến đường, chế biến sữa và đặc biệt sản lượng điện đã làm ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng chung của toàn ngành”.

Kỳ vọng bứt phá

Theo Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Binh, các nhà máy chế biến sữa, trái cây, đường đã được đầu tư nâng cấp máy móc, thiết bị, đảm bảo được nguồn nguyên liệu cho sản xuất; các nhà máy thủy điện đã tích nước đảm bảo, sẵn sàng phát huy hết công suất; cùng với một số hệ thống điện mặt trời mái nhà, điện gió đi vào vận hành thương mại nên kế hoạch năm 2021 xây dựng với giá trị SXCN 24.800 tỷ đồng (tăng gần 2.282 tỷ đồng so với năm 2020, đạt mức tăng trưởng 10,13%).

Cũng theo ông Binh, cơ sở để đạt giá trị, mức tăng trưởng này đã được ngành rà soát khá cụ thể. Trong năm 2021, các nhà máy mới đi vào hoạt động sẽ đóng góp giá trị SXCN hơn 752 tỷ đồng. Trong đó, điện mặt trời mái nhà khoảng 189 tỷ đồng; Trang trại Phong điện HBRE hơn 23 tỷ đồng; Nhà máy nước ép hoa quả 280 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất trái cây sấy hơn 157 tỷ đồng; các nhà máy khác (dược liệu, cà phê, gạch tuynel…) khoảng 102 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sản phẩm của các nhà máy hiện có sẽ tăng thêm 1.529 tỷ đồng. Đồng thời, Nhà máy đường tinh luyện sau khi hiệu chỉnh hoàn thiện dây chuyền thiết bị sẽ hoạt động ổn định, cộng với việc các nhà máy hiện có sẽ đóng góp thêm hơn 90.751 tấn đường, giá trị tăng thêm hơn 1.188 tỷ đồng; Nhà máy sữa chế biến sẽ đóng góp thêm hơn 8,7 triệu lít sữa, giá trị tăng thêm 134 tỷ đồng; nhóm sản phẩm may mặc, gỗ đóng góp tăng thêm 102 tỷ đồng…

Dây chuyền chế biến chanh dây ở DOVECO Gia Lai. Ảnh: Vũ Thảo
Dây chuyền chế biến chanh dây ở DOVECO Gia Lai. Ảnh: Vũ Thảo


Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh kỳ vọng: “Với tiềm năng sẵn có là vùng nguyên liệu rộng lớn như: cà phê, hồ tiêu, điều, cao su, các loại cây ăn quả… thì đây chính là điều kiện để tỉnh ta đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm nông sản. Ngoài phục vụ tiêu dùng nội địa, việc chế biến sâu các sản phẩm nông sản sẽ tạo nguồn hàng chất lượng phục vụ cho xuất khẩu theo các Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP… Đồng thời, khi các dự án mới như điện gió, điện mặt trời, các nhà máy chế biến trái cây, dược liệu, cà phê, gạo… đi vào hoạt động sẽ đóng góp rất lớn vào giá trị SXCN của tỉnh, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương, tăng thu cho ngân sách nhà nước”.

Với trách nhiệm cơ quan quản lý ngành, ông Phạm Văn Binh cho biết: Sở Công thương tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển thị trường, giao lưu với các vùng kinh tế lân cận, quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị và đưa những sản phẩm chủ lực của tỉnh như: cà phê, cao su, tinh bột mì, hạt điều, chè... xuất khẩu vào các thị trường lớn. “Song song đó, tỉnh sẽ triển khai các giải pháp để thu hút đầu tư vào Khu Công nghiệp Trà Đa, Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và Khu Công nghiệp Nam Pleiku. Trong đó, ưu tiên thu hút các dự án có năng lực tài chính, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng nguồn nguyên liệu của địa phương chế biến sâu các sản phẩm nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh”-ông Binh nhấn mạnh.

Năm 2021, dự kiến sản lượng các sản phẩm chủ yếu như: đường tinh chế 300.000 tấn; sữa 27 triệu lít; sản phẩm MDF 67.500 m3; chè các loại 1.930 tấn; phân vi sinh 32.000 tấn; xi măng 100.000 tấn; tinh bột mì 205.000 tấn; sản lượng điện sản xuất 7.382 triệu kWh; sản phẩm nước ép hoa quả tăng 14.000 tấn so với năm 2020; sản phẩm trái cây sấy, chế biến tăng 4.500 tấn so với năm 2020…
 

Nhà máy sản xuất bê tông tươi Chiến Thắng (Khu Công nghiệp Trà Đa). Ảnh: Vũ Thảo
Nhà máy sản xuất bê tông tươi Chiến Thắng (Khu Công nghiệp Trà Đa). Ảnh: Vũ Thảo


VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Hoàng Anh Gia Lai hiện ra sao?

Hoàng Anh Gia Lai hiện ra sao?

Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm nay đạt 851 tỷ đồng, Hoàng Anh Gia Lai cho rằng đã có chuyển biến tích cực và phần nào khắc phục được nguyên nhân chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo.