Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Đình Giong (1/6/1904-1/6/2024)-lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết: “Đồng chí Hoàng Đình Giong là một người cộng sản trung kiên, một người con tiêu biểu của đồng bào các dân tộc quê hương cách mạng Cao Bằng. Đồng chí đã chiến đấu kiên cường, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và lý tưởng cộng sản cao đẹp”.

Đồng chí Hoàng Đình Giong là người dân tộc Tày, sinh ngày 1-6-1904, tại làng Nà Toàn, xã Xuân Phách, Châu Hòa An (nay là phường Đề Thám, TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng). Ngay từ nhỏ, đồng chí Hoàng Đình Giong có tính ham hiểu biết, yêu thích văn chương, hăng say học tập, hiểu rõ nguồn gốc sự đau thương nghèo đói cùng cực của đồng bào ta là do sự áp bức bóc lột của thực dân Pháp và bọn phản động, từ đó đồng chí mang trong mình lòng yêu nước và ý chí căm thù giặc sâu sắc.

Đồng chí Hoàng Đình Giong người có nhiều cống hiến lớn lao cho Đảng và sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Ảnh chụp từ tư liệu: Thanh Nhật

Đồng chí Hoàng Đình Giong người có nhiều cống hiến lớn lao cho Đảng và sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Ảnh chụp từ tư liệu: Thanh Nhật

Những năm 1925-1926, đồng chí Hoàng Đình Giong đã tham gia phong trào bãi khóa của học sinh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu, phong trào đấu tranh tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Với những hoạt động yêu nước ngày đầu tại Trường Bách Nghệ, Hoàng Đình Giong và nhiều học sinh bị thực dân Pháp đuổi khỏi trường, đồng chí về Cao Bằng vừa dạy học vừa tuyên truyền cách mạng và đã hòa mình vào phong trào cách mạng của cả nước. Giặc Pháp “đánh hơi” được những hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Đình Giong và truy nã gắt gao.

Do yêu cầu đòi hỏi của cách mạng, mùa thu năm 1927, đồng chí Hoàng Đình Giong đã bí mật sang Long Châu (Trung Quốc) bắt liên lạc với Ban lãnh đạo của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và tham dự các lớp huấn luyện của Hội, bồi dưỡng về con đường cách mạng, tổ chức cho thanh niên yêu nước làm cách mạng. Sau đó đồng chí được kết nạp vào tổ chức này tại Long Châu và cùng các đồng chí khác ra sức xây dựng cơ sở, tập hợp cán bộ, mở các lớp huấn luyện, tuyên truyền cách mạng. Đồng chí đã trở thành người cộng sản đầu tiên của Cao Bằng tiếp thu con đường cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá. Sau đó là người phụ trách Hội ở Long Châu, đồng chí đã ra sức chỉ đạo xây dựng cơ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, chọn cử được nhiều thanh niên Cao Bằng đã giác ngộ cách mạng sang Long Châu học tập rồi lại đưa về Cao Bằng hoạt động.

Tháng 12-1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Chi bộ Đảng ở Long Châu (Trung Quốc) được thành lập, đồng chí Hoàng Đình Giong được bầu làm Bí thư chi bộ, được Đảng trực tiếp giao nhiệm vụ chỉ đạo việc tổ chức, gây dựng, phát triển phong trào cách mạng ở Cao Bằng-Lạng Sơn và các tỉnh vùng Đông Bắc. Sau hội nghị thành lập Đảng (3-2-1930), Chi bộ Hải ngoại Long Châu do đồng chí Hoàng Đình Giong làm Bí thư chính thức trở thành chi bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đồng chí tiếp tục cử cán bộ về Cao Bằng hoạt động để chuẩn bị về tư tưởng, lý luận chính trị và tổ chức, đến ngày 1-4-1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng được thành lập, là bước ngoặt đánh dấu sự phát triển vượt bậc của phong trào cách mạng. Đồng chí Hoàng Đình Giong đã xây dựng Cao Bằng thành cầu nối giữa Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng với phong trào cách mạng trong nước. Đồng chí được cử làm trưởng đoàn đại biểu Xứ ủy Bắc kỳ đi dự Đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương tại Ma Cao (Trung Quốc).

Trong những năm 1932-1935, đồng chí Hoàng Đình Giong hoạt động thường xuyên, liên tục ở trong nước và ngoài nước. Đồng chí vừa trực tiếp lãnh đạo khôi phục tổ chức đảng ở các địa phương (Cao Bằng, Hải Phòng, Quảng Ninh), vừa tích cực xây dựng, chắp nối đường dây liên lạc với các cơ sở Đảng ở Bắc Kỳ, ra sức khôi phục phong trào cách mạng. Năm 1935 đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng (khoá I), phụ trách Xứ uỷ Bắc Kỳ.

Đầu năm 1936, thực hiện sự phân công của Trung ương, đồng chí Hoàng Đình Giong trở lại vùng Duyên Hải (Hải Phòng, Quảng Ninh) hoạt động nhằm tăng cường củng cố đường dây liên lạc từ nước ngoài về nước chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng. Ngày 4-2-1936 tại Hải Phòng, đồng chí Hoàng Đình Giong bị mật thám Pháp bắt giam và đày đi nhiều nhà tù trong nước, rồi đày đi biệt xứ tận châu Phi và đến tháng 10-1944 mới thoát khỏi nhà tù đế quốc.

Trở về nước, đồng chí Hoàng Đình Giong được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ cùng Đảng bộ Cao Bằng tích cực chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Đồng chí đã tích cực khẩn trương củng cố lực lượng vũ trang phối hợp với phong trào cách mạng của quần chúng tại căn cứ địa Cao Bằng, chuẩn bị đón thời cơ giành chính quyền trong cả nước. Tháng 8-1945, đồng chí là Trưởng ban Khởi nghĩa tỉnh, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền ở Cao Bằng.

Khu di tích lưu niệm Hoàng Đình Giong, ở làng Nà Toàn, phường Đề Thám, TP. Cao Bằng nhìn từ trên cao. Ảnh tư liệu

Khu di tích lưu niệm Hoàng Đình Giong, ở làng Nà Toàn, phường Đề Thám, TP. Cao Bằng nhìn từ trên cao. Ảnh tư liệu

Tháng 10-1945, đồng chí Hoàng Đình Giong được Bác Hồ và Trung ương Đảng đổi tên là Võ Văn Đức để bảo đảm bí mật cho việc hoạt động và được giao nhiệm vụ làm Chỉ huy trưởng Bộ đội Nam tiến, phụ trách Chi đội Nam tiến Cao Bằng, Nam Định, Thái Bình. Đội quân Nam tiến đã trở thành bộ phận nòng cốt của lực lượng vũ trang và phong trào kháng chiến Nam Bộ.

Tháng 11-1945, đồng chí tiếp tục đổi tên thành Vũ Đức, được giao làm Chính ủy Quân giải phóng Nam Bộ. Tháng 12-1945, Xứ ủy Nam Bộ quyết định chia Nam Bộ thành 3 chiến khu, đồng chí Vũ Đức được phân công làm Khu bộ trưởng Khu 9. Khu bộ trưởng Vũ Đức đã cùng một đơn vị tiếp tục “Nam tiến” tới tận Cà Mau, miền đất tận cùng của Tổ quốc. Lúc này, tình hình Nam Bộ gặp rất nhiều khó khăn. Quân Pháp trở lại chiếm đóng nhiều nơi ở miền Trung và Tây Nam Bộ, trừ Cà Mau. Đồng chí Vũ Đức chủ trương tạm thời rút các đơn vị chủ lực còn lại ở các nơi tập trung về Cà Mau để củng cố tổ chức. Chỉ trong một thời gian ngắn, chiến tranh nhân dân ở miền Tây Nam Bộ phát triển mạnh mẽ, gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề.

Cuối tháng 11-1946, Trung ương điều đồng chí Vũ Đức ra Bắc họp. Khi đồng chí di chuyển đến Khu 6 thì nhận được quyết định của Trung ương phân công ở lại làm Khu bộ trưởng Khu 6, trực tiếp chỉ huy các đơn vị chủ lực ở Ninh Thuận và Bình Thuận. Tháng 3-1947, đồng chí đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu ác liệt tại Ninh Thuận, khi nhiệt huyết cách mạng đang tràn đầy.

43 tuổi đời với hơn 20 năm liên tục hoạt động, cống hiến cho Đảng và cách mạng cho đến giờ phút cuối cùng, đồng chí Hoàng Đình Giong luôn tỏ rõ khí phách hiên ngang, ý chí kiên cường, bất khuất của người cộng sản. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí gắn liền với phong trào cách mạng của quê hương Cao Bằng và cả nước. Sau khi đất nước thống nhất, năm 1980, Trung ương Đảng quyết định chuyển hài cốt đồng chí về an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Năm 2009, Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng đồng chí Hoàng Đình Giong danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Cuối năm 2018, đồng chí Hoàng Đình Giong vinh dự được Đảng và Nhà nước công nhận là lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đây là sự ghi nhận, sự tri ân của toàn Đảng, toàn dân tộc đối với tấm gương tài đức vẹn toàn của người cộng sản kiên trung.

Được biết tại Cao Bằng, để tưởng nhớ và trân trọng những công lao to lớn của đồng chí Hoàng Đình Giong với sự nghiệp giải phóng dân tộc và quê hương, năm 1957, Tỉnh ủy Cao Bằng quyết định đặt tên Trường Đảng tỉnh là Trường Hoàng Đình Giong, năm 1997 chính thức đổi tên thành Trường Chính trị Hoàng Đình Giong. Tỉnh Cao Bằng cũng đã xây dựng Khu di tích lưu niệm Hoàng Đình Giong, ở làng Nà Toàn, phường Đề Thám, TP. Cao Bằng (quê nội của đồng chí). Khu di tích trở thành địa chỉ quen thuộc để tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống. Năm 1988, Di tích lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Năm 2022, Khu lưu niệm được mở rộng, nâng cấp, tôn tạo lại, đồng thời xây dựng mới các hạng mục nhà trưng bày, nhà đón khách. Công trình tu bổ, tôn tạo đã chính thức đưa vào sử dụng đúng ngày 1-4-2024 trong dịp kỷ niệm 94 năm thành lập chi bộ Nặm Lìn- chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng. Điểm nhấn của Khu lưu niệm là nhà trưng bày có bức phù điêu bằng đồng với hình ảnh đồng chí Hoàng Đình Giong cùng đồng bào các dân tộc Cao Bằng.

Lẵng hoa của Ban Bí thư Trung ương Đảng (trái), Tỉnh ủy-HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Bằng (phải) trong dịp khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Khu di tích lưu niệm Hoàng Đình Giong vào 4-2024. Ảnh tư liệu

Lẵng hoa của Ban Bí thư Trung ương Đảng (trái), Tỉnh ủy-HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Bằng (phải) trong dịp khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Khu di tích lưu niệm Hoàng Đình Giong vào 4-2024. Ảnh tư liệu

Là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng, uy tín của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, cuộc đời hoạt động cách mạng nhiệt huyết đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, sự hy sinh oanh liệt của đồng chí Hoàng Đình Giong mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau học tập và noi theo.

Có thể bạn quan tâm

Giải tập thể

Báo Gia Lai đạt giải tập thể và khuyến khích Giải Búa liềm vàng năm 2024

(GLO)- Tối 20-1, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Ban Tổ chức Trung ương tổ chức trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ IX-năm 2024. Đây là hoạt động có ý nghĩa chính trị sâu sắc hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025).

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Siu Hương thăm, chúc Tết các đơn vị lực lượng vũ trang và nguyên lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Siu Hương thăm, chúc Tết các đơn vị lực lượng vũ trang và nguyên lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh

(GLO)- Ngày 20-1, đoàn công tác do bà Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết các đơn vị lực lượng vũ trang và các đồng chí nguyên lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đang sinh sống tại TP. Pleiku.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên: Giữ vững bình yên biên giới để người dân vui xuân, đón Tết

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên: Giữ vững bình yên biên giới để người dân vui xuân, đón Tết

(GLO)- Nhân dịp Tết Ất Tỵ 2025, ngày 17-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên dẫn đầu đã đến thăm, chúc Tết các đơn vị của lực lượng Biên phòng và hệ thống chính trị các xã khu vực biên giới của 3 huyện Chư Prông, Đức Cơ, Ia Grai.

Cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/9 phấn khởi khi được đoàn công tác đến thăm, chúc Tết. Ảnh: Q.T

Quà Tết đến với lính nhà giàn DK1

(GLO)- Dù phải đối mặt với không ít khó khăn, vất vả trong hải trình dài ngày vượt sóng to, gió lớn nhưng toàn bộ hàng hóa, quà Tết đã được đoàn công tác tàu Trường Sa 21 đưa đến các nhà giàn DK1 an toàn.