Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904-2/4/2024): Tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng là một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, người chiến sĩ kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng và đạo đức trong sáng của đồng chí mãi là tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân học tập, noi theo.

Hết mình cho sự nghiệp cách mạng

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sinh ngày 2-4-1904 tại xã Thanh Tùng (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) trong một gia đình nghèo có truyền thống yêu nước. Đồng chí đã sớm được giác ngộ cách mạng và tình nguyện tham gia phong trào “vô sản hóa”.

Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện chính trị của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc), tháng 9-1926, đồng chí về nước hoạt động để thiết lập hệ thống liên lạc, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào trong nước và mở rộng phong trào cách mạng; đồng thời làm nhiệm vụ thiết lập đường dây liên lạc Hải Phòng-Hương Cảng (Hồng Kông)-Quảng Châu, chuyển tài liệu, sách báo cách mạng về trong nước, vận động, tuyên truyền cách mạng ở Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình… Đồng chí đã thể hiện vai trò là một trong những người tiên phong tổ chức thắng lợi việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc vào Việt Nam, xây dựng thành công các cơ sở cách mạng, đẩy nhanh quá trình vận động tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Giữa năm 1929, Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên điều động đồng chí sang công tác ở Hương Cảng. Tại đây, tháng 10-1929, đồng chí được kết nạp vào Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng. Tháng 12-1929, đồng chí đến Thượng Hải (Trung Quốc) gây dựng cơ sở trong Việt kiều và binh lính người Việt trong tô giới Pháp, sau đó bị mật thám Pháp bắt tại Thượng Hải và áp giải về nước; lần lượt bị giam ở Sài Gòn, Hà Nội, Hải Dương, bị tòa án thực dân tại Hải Dương kết án phát lưu chung thân. Tháng 12-1932, đồng chí vượt ngục và tiếp tục hoạt động cách mạng. Cuối năm 1933, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai và bị tòa án thực dân ở Bắc Giang kết án khổ sai chung thân. Tháng 8-1943, đồng chí cùng một số cán bộ của Đảng vượt ngục thành công và trở về tiếp tục hoạt động cách mạng, được Thường vụ Trung ương Đảng giao phụ trách công tác tài chính và binh vận.

Tháng 8-1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang), đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào, đồng chí được bầu vào Ban Thường trực Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam. Sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được giao thực hiện nhiệm vụ phụ trách tài chính cho Đảng và Mặt trận Việt Minh. Đồng chí lần lượt giữ các chức vụ: Trưởng ban Kinh tế-Tài chính Trung ương (sau đổi thành Ban Tài chính Trung ương) giai đoạn 1947-1951; Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam giai đoạn 1951-1952; Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô giai đoạn 1952-1956; Tổng Thanh tra Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ giai đoạn 1956-1960; Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng giai đoạn 1960-1969; Phó Chủ tịch nước giai đoạn 1969-1979.

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào và ở cương vị nào, đồng chí Nguyễn Lương Bằng cũng tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của Đảng, hết lòng phụng sự đất nước, chăm lo đến hạnh phúc của Nhân dân, nêu gương sáng về đạo đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và tác phong cần cù, giản dị, khiêm tốn. Cuộc đời hoạt động của đồng chí là một tấm gương sáng của người cộng sản Việt Nam, vừa giàu tinh thần yêu nước, vừa giàu tinh thần quốc tế vô sản. Lịch sử còn mãi lưu truyền trong các thế hệ cách mạng 2 tên gọi biểu tượng của đồng chí Nguyễn Lương Bằng-một biểu tượng cho ý chí kiên cường của người cộng sản với bí danh “Sao Đỏ” và một biểu tượng của mẫu mực, sự trong sáng của tình đồng chí, tình anh em với cái tên “Anh Cả”, thể hiện sự tôn vinh và ngưỡng mộ của những nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng cùng thế hệ đối với đồng chí Nguyễn Lương Bằng.

Phát huy truyền thống

Tại phường Thắng Lợi (TP. Pleiku) có một ngôi trường vinh dự mang tên đồng chí Nguyễn Lương Bằng, đó là Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng. Cô Mai Thị Sáu-Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Năm học 2023-2024, toàn trường có 41 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 18 đảng viên. Tổng số học sinh toàn trường là 1.194 em/31 lớp, trong đó, học sinh người dân tộc thiểu số chiếm gần 15%. Nhà trường quan tâm đổi mới phương pháp giáo dục, duy trì công tác kiểm tra nội bộ, sinh hoạt chuyên môn cấp tổ, trường, cụm. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong dạy học, tạo sự hứng thú cho học sinh tham gia học tập. Cùng với làm tốt công tác phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 2, tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh của trường đạt 100%”.

Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng (TP. Pleiku) luôn quan tâm giáo dục truyền thống cho học sinh và các sinh hoạt ngoại khóa nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Ảnh: T.N

Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng (TP. Pleiku) luôn quan tâm giáo dục truyền thống cho học sinh và các sinh hoạt ngoại khóa nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Ảnh: T.N

Còn thầy Nguyễn Đình Sang-Tổng phụ trách Đội-cho hay: “Trường luôn quan tâm giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng thông qua các buổi chào cờ đầu tuần, hoạt động giáo dục ngoài giờ, gắn với tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Đồng thời, các khối lớp đã duy trì hoạt động giúp nhau cùng vươn lên trong học tập. Liên Đội trường đã duy trì hoạt động giới thiệu “Mỗi tuần 1 câu chuyện đẹp, 1 cuốn sách hay”; tổ chức sinh hoạt dưới cờ, nói chuyện truyền thống nhân ngày lễ lớn và các hoạt động ngoại khóa”.

Thành phố Pleiku hiện có con đường mang tên Nguyễn Lương Bằng thuộc địa bàn tổ dân phố 5 (phường Hoa Lư) và tổ dân phố 1 (phường Phù Đổng). Ông Phạm Thế Tâm-Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Pleiku-thông tin: “Đường Nguyễn Lương Bằng (thuộc Dự án khu phố mới Hoa Lư-Phù Đổng) được đặt tên theo Quyết định số 883/QĐ-UBND ngày 27-12-2011 của UBND tỉnh; được quy định về mật độ xây dựng và tầng cao công trình đảm bảo theo quy hoạch chi tiết đã phê duyệt nhằm đồng bộ về kiến trúc cảnh quan và đảm bảo hình thành trục phố hiện đại, hài hòa và thẩm mỹ trong tổng thể phát triển chung của đô thị Pleiku”.

Diện mạo khởi sắc của đường Nguyễn Lương Bằng (đoạn thuộc tổ 5, phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Ảnh: T.N

Diện mạo khởi sắc của đường Nguyễn Lương Bằng (đoạn thuộc tổ 5, phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Ảnh: T.N

Trao đổi với P.V nhân dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng, bà Lê Thị Thúy Nga-đảng viên thuộc Chi bộ tổ dân phố 5 (phường Hoa Lư) bộc bạch: “Sinh sống trên con đường mang tên nhà cách mạng tiền bối Nguyễn Lương Bằng, chúng tôi cảm thấy rất vinh dự. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng là một chiến sĩ cộng sản ưu tú, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí là một tấm gương cao đẹp về đạo đức cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc, qua đó nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện”.

Còn theo Bí thư Chi bộ tổ dân phố 5 Trần Đình Vũ thì: “Trong gần 90 hộ dân sinh sống trên con đường Nguyễn Lương Bằng thuộc địa bàn tổ dân phố 5, khoảng 40% là cán bộ hưu trí, còn lại đang làm việc ở các cơ quan, doanh nghiệp và các ngành nghề khác. Hiện nay có 22 đảng viên đang sinh hoạt tại Tổ Đảng 3 của Chi bộ 5 và gần 20 đảng viên đang sinh hoạt tại chi bộ các cơ quan, doanh nghiệp. Hàng năm, 100% số hộ đạt gia đình văn hóa. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp, người dân tổ dân phố 5 đã tích cực hưởng ứng xây dựng đô thị văn minh, tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở khu dân cư”.

Trong khi đó, ông Lương Văn Bình-Tổ trưởng tổ dân phố 1 (phường Phù Đổng) cho hay: “Việc quy hoạch, xây dựng đường Nguyễn Lương Bằng kết nối giao thông thuận tiện với nhiều tuyến đường lớn và khu vực suối Hội Phú đã tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Hiện có hơn 20 hộ dân sinh sống trên tuyến đường Nguyễn Lương Bằng thuộc địa bàn tổ dân phố 1, đa số là hộ kinh doanh. Tổ dân phố thường xuyên phối kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể của phường tuyên truyền để nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác bảo vệ môi trường, mỹ quan đô thị, góp phần xây dựng thành phố ngày càng phát triển, xanh-sạch-đẹp và văn minh”.

Có thể bạn quan tâm