Trải qua hơn 620 năm tồn tại, Thành nhà Hồ - di sản văn hóa thế giới ở Thanh Hóa luôn ẩn chứa nhiều điều kỳ bí, nhưng giờ đây nhiều bí ẩn trong quá trình xây tòa thành đá đồ sộ đã dần được phát lộ.
Viện Khảo cổ học (thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) mới đây đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa), tổ chức hội thảo đầu bờ công bố kết quả bước đầu khai quật Hào thành phía Đông và phía Tây Thành nhà Hồ. Trong đợt khai quật này, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều hiện vật có giá trị lớn về lịch sử, đồng thời xác định cơ sở khoa học về quy mô, kiến trúc hào thành luôn là bí ẩn suốt hơn 620 năm qua.
|
Di sản thế giới Thành nhà Hồ, tòa thành đá ký bí độc nhất vô nhị ở Việt Nam |
Kiến trúc góc Hào thành lần đầu được tìm thấy
Ông Nguyễn Bá Linh, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ cho biết, trong 2 tháng tổ chức khai quật tại 2 hố rộng 7.000 m2 (hố phía Đông rộng 3.000 m2, phía Tây rộng 4.000 m2), các nhà nghiên cứu tìm thấy nhiều mảnh đá khối kích thuớc nhỏ, một số mảnh vật liệu kiến trúc như gạch chữ nhật, ngói đỏ và hiện vật sành sứ, công cụ sản xuất, sinh hoạt thuộc các giai đoạn sớm, muộn khác nhau có niên đại khoảng từ thời Lý kéo dài đến thời Trần, Hồ, Lê Sơ, Nguyễn...
Đáng chú ý, trong đợt khai quật này lần đầu tiên các nhà sử học tìm thấy cấu trúc góc Hào thành phía Tây cũng như phần nền gia cố chân Thành nhà Hồ. Từ phát hiện này, các nhà sử học thống nhất kết luận, Hào thành là một bộ phận quan trọng cấu thành Thành nhà Hồ. Hào có chiều rộng 50-60 m, sâu khoảng 6,8 đến 7,2 m, còn chiều dài chưa thể xác định. "Hào thành được gia cố cẩn thận bằng nhiều lớp đất đá dăm, đất sét kiên cố, có khả năng chống chọi thiên tai và biến động của thời gian. Hào không chỉ là nơi tiêu thoát nước mà có có chiến thuật về mặt quân sự"- ông Linh chia sẻ.
|
Khu vực khai quật 2 tháng ở khu vực phía Đông và Tây Thành nhà Hồ mới phát hiện nhiều cứ liệu quan trọng |
Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia, Giáo sư, tiến sĩ Lưu Trần Tiêu cho biết, việc tìm thấy cấu trúc góc Hào thành là một phát hiện quan trọng, góp phần xác định thêm lần nữa quy mô, giá trị, kiến trúc và vị trí của hào thành, kinh thành Tây Đô. Theo giáo sư Tiêu, về lâu dài cần có hội thảo chuyên sâu và sớm tìm phương án khôi phục Hào thành, góp phần phát huy hơn nữa giá trị lịch sử của Thành nhà Hồ.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Trương Hoài Nam, Trưởng phòng nghiệp vụ di sản (Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ), cho biết đây là đợt thứ 3 các nhà khoa học phối hợp với Trung tâm di sản Thành nhà Hồ tổ chức khai quật hào thành để làm rõ nhiều "bí ẩn" chưa được giải đáp. "Năm 2015 khai quật hào thành phía Nam, năm 2016 khai quật hào thành phía Bắc và năm này là 2 phía Đông Tây. 2 lần khai quật trước đó, các nhà khoa học cũng tìm thấy được kiến trúc của hào như kè hào, kè chân thành, lòng hào. Lần này góc hào thành được phát hiện sẽ giúp ích rất lớn cho các nhà khoa học, sử học trong việc nghiên cứu, làm rõ được kiến trúc xây dựng Thành nhà Hồ để có phương án trùng tu, tôn tạo, phục dựng được chính xác nhất"- ông Nam nói.
|
Phát hiện ra góc Hào thành là 1 phát hiện quan trong trong đợt khai quật lần này của các nhà khoa học |
Hé lộ "công nghệ" xây dựng Thành nhà Hồ
Ngoài phát hiện góc hào Thành, trong đợt khai quật thân Thành nhà Hồ cuối năm 2018 đầu năm 2019, các nhà khoa học cũng đã phát hiện nhiều cứ liệu quan trọng, giúp các nhà sử học giải mã được "công nghệ" xây dựng thành đá của Hồ Quý Ly tồn tại hơn 620 năm qua.
Tiến sĩ Đỗ Quang Trọng, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa (người trực tiếp tham gia đợt khai quật thân thành), cho biết sau 5 tháng tiến hành khai quật tường và chân Thành nhà Hồ (từ tháng 9-2018 đến 1-2019), các nhà khảo cổ học kết luận tường thành có kết cấu được đắp bằng đất ở thân và mặt trong, mặt ngoài tường ốp bằng những tảng đá kích thước lớn nhỏ khác nhau, có những tảng nặng hàng chục tấn.
Đáng lưu ý, quá trình khai quật đã phát hiện thành được đắp bằng 11 lớp đất, sỏi cuội rất tỉ mỉ, kiên cố và vững chắc; móng tường thành được gia cố bằng lớp đất sét màu xám xanh và khá đều, được chia thành 7 lớp gia cố bằng sỏi cuội và lớp gia cố bằng đất sét màu đỏ. Từ kết quả nghiên cứu về kết cấu tường và chân tường thành, các nhà khảo cổ học đưa ra kết luận thành và chân tường thành của di sản Thành nhà Hồ có kết cấu từ sỏi cuội, đất sét vàng, đỏ, xám xanh và sạn cát hạt thô. Về đất đắp thành, ban đầu các nhà nghiên cứu nhận định đất được lấy từ quá trình mở rộng lớp lòng hào thành phía ngoài.
|
Cuộc khai quật tường thành và chân thành đầu năm 2019 cũng đã phát hiện nhiều cứ liệu quan trọng trong quá trình xây dựng thành đá đã tồn tại hơn 620 năm qua |
"Với những kết quả khai quật được, các nhà khoa học nhận định quy mô kết cấu tường thành di sản thế giới này vô cùng phức tạp, kiên cố, phần nào rõ thêm được việc xây thành thời xưa như thế nào. Từ đó, tạo căn cứ khoa học cho việc trùng tu lại khu vực tường thành phía Bắc bị xuống cấp, sạt lở và làm rõ được cấu trúc gia cố thành đất bên trong thân tường đá. Đợt thám sát, khai quật tường thành lần đầu tiên này đã góp phần lý giải vì sao sau hơn 620 năm tồn tại, toà thành vẫn đứng sừng sững trước sự tàn phá của thiên nhiên, chiến tranh"- ông Trọng nói.
Thành nhà Hồ là công trình kiến trúc bằng đá độc đáo có một không hai tại Việt Nam, được xây dựng chỉ trong ba tháng (từ tháng 1 đến tháng 3-1397). Thành còn được gọi là Tây Đô (hay thành Tây Giai) để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long, Hà Nội). Nơi đây từng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của nước Đại Ngu dưới triều Hồ (1400-1407). Trải qua hơn 600 năm tồn tại với bao biến cố của lịch sử, hầu hết hoàng thành đã bị phá hủy, nhưng thành quách gần như còn nguyên vẹn. Ngày 27-6-2011, Thành nhà Hồ chính thức được Tổ chức Văn hóa - Khoa học và Giáo dục Liêp Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới. |
Bài-ảnh: Thanh Tuấn (NLĐO)