Kinh nghiệm phòng tránh sạc dự phòng phát nổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mới đây, Facebook có tên là Nguyễn Phượng phát video một người đang bốc cháy chạy loạn trong sân bay. Nguyên nhân là do người này dùng pin sạc dự phòng để sạc điện thoại trong túi quần.

Tại sao pin sạc dự phòng phát nổ?

Cấu tạo sạc dự phòng là một tập hợp các viên pin sạc (cell) được gắn vào một bảng mạch điều khiển, đặt trong một hộp nhựa hoặc kim loại. Thế hệ pin sạc đầu tiên khá dày và to với vỏ bằng nhựa. Pin có dung lượng càng cao thì độ dày pin càng lớn và nặng. Về sau, pin sạc được cải tiến nên dù dung lượng cao, thiết kế pin vẫn mỏng, nhẹ với vỏ bằng hợp kim sang trọng và khả năng tản nhiệt tốt hơn.

Cho dù là thế hệ mới hay cũ, pin sạc hoạt động theo quá trình nạp hoặc xả pin phát sinh nhiệt. Nếu nhiệt độ tăng cao quá mức sẽ gây nổ. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng quá nhiệt này: có thể do sản phẩm chất lượng kém hoặc do cách sử dụng.

Sử dụng pin sai cách

Một viên pin sạc dự phòng dù tốt đến đâu nhưng nếu người sử dụng không cẩn thận vẫn có thể bị cháy nổ. Cụ thể là việc cắm sạc liên tục và để thời gian dài không ngắt nguồn điện. Vụ cháy căn hộ trong chung cư P.S., Q.2, TP.HCM xuất phát từ việc người dùng cắm sạc dự phòng suốt nhiều ngày liền và không ngắt điện nên pin sạc quá tải và phát nổ.


 

Sử dụng pin sạc dự phòng sai cách có thể gây ra cháy nổ
Sử dụng pin sạc dự phòng sai cách có thể gây ra cháy nổ



Cẩn trọng với pin bị rơi, rớt, bung vỏ. Dùng pin rơi, rớt, hiện tượng dễ thấy là pin sạc sẽ nóng bất thường khi dùng để sạc điện thoại. Không để nước làm ướt cổng sạc, không sử dụng trong điều kiện ẩm ướt, không cắm sạc dự phòng trong môi trường quá kín.

Quan tâm theo dõi pin ngay cả khi pin không có dấu hiệu bất thường từ bên ngoài. Đơn giản, pin cũng là thiết bị điện tử, mọi vấn đề đều có thể xảy ra do những sai số trong mạch điện, chập điện. Đang sạc mà pin nóng ran so với bình thường, bạn cần ngắt ngay quá trình sạc để xem tình hình. Bất kỳ dấu hiệu khác thường nào của pin như sạc điện nhưng pin không tích được điện hay pin hút ngược lại nguồn điện từ điện thoại thay vì cung cấp điện đều cần tránh sử dụng tiếp.

Chất lượng không đảm bảo

Hiện nay, pin sạc dự phòng thường dùng một trong hai loại cell sau: Pin Li-Ion (Lithium-Ion) sử dụng chất lỏng dung môi hữu cơ như chất điện phân để trao đổi ion giữa các điện cực (Anode và Cathode). Dung môi này dễ cháy nên pin sạc dùng lõi Li-Ion về cơ bản sẽ dễ gây cháy nổ.

Pin sạc dùng lõi Li-Po (Lithium-Ion Polymer) hay còn gọi là Lithium-Polymer sử dụng chất điện phân dạng polymer khô, tương tự như một miếng phim nhựa mỏng, vì thế khó cháy nổ hơn pin sạc dùng lõi Li-Ion. Thế nhưng, giá lõi pin Li-Po đắt hơn lõi pin Li-Ion nên một số nhà sản xuất vẫn đến nay vẫn dùng lõi Li-Ion dù có nguy cơ cháy nổ cao.

Ngoài vấn đề cell pin thì mạch điều khiển sạc kém chất lượng cũng là một nguyên nhân có thể gây cháy nổ. Mạch điều khiển kém chất lượng cũng gây nên tình trạng mạch không tự ngắt khi quá tải hoặc quá dòng hoạt động không ổn định khiến cho lõi pin bị nóng quá mức.

Ngoài nguy cơ cháy nổ thì pin sạc dỏm rất nhanh hỏng, nhanh chai, khả năng tích điện kém, chưa dùng đã hết. Thậm chí nếu không được dùng thường xuyên, lâu lâu dùng lại, khả năng hỏng rất lớn. Chi tiết nhỏ ít người để ý là cáp cắm sạc cũng rất quan trọng. Cáp giá rẻ thường có tỉ lệ đồng không cao, thời gian sạc lâu và dễ nóng, dễ đứt, chạm mạch gây hỏng mạch sạc, cháy nổ pin.

Cách chọn pin dự phòng tốt

Thương hiệu pin là tiêu chí đầu tiên để bạn lựa chọn: Energizer, Anker, Aukey, Adata, Samsung, Pisen, Romoss, Xiaomi, Eveready... Các nhà sản xuất tên tuổi luôn đạt các tiêu chuẩn chứng nhận: CE, RoHS, FCC. Trong đó, CE (Conformité Européenne) có tên gọi đầy đủ và chính thức là CE Marking. Chứng nhận CE Marking cho biết sản phẩm tuân theo pháp luật của Liên minh Châu Âu (EU) và cho phép được lưu thông tự do trong thị trường Châu Âu. Chứng nhận này sẽ được in trực tiếp lên sản phẩm bằng biểu tượng chữ CE.


 

 Tìm hiểu kỹ các thông số của pin sạc dự phòng trước khi mua
Tìm hiểu kỹ các thông số của pin sạc dự phòng trước khi mua



Tương tự, các tiêu chuẩn như FCC hay RoHS cũng là những chỉ số bạn quan tâm khi chọn pin sạc. Tất nhiên, bạn phải chọn cả pin sử dụng lõi Li-Po được ghi rất rõ trên sản phẩm.

Sau thương hiệu, cần chọn đơn vị bán uy tín để tránh mua phải hàng nhái. Mặc dù giá trị pin không cao nhưng là thiết bị gần như không thể thiếu của tất cả người dùng nên thị trường pin sạc cực sôi động và muôn hình vạn trạng.

Đừng xem nhẹ tính mạng của mình bằng những pin sạc dự phòng giá rẻ, thương hiệu lạ, dung lượng khủng. Dung lượng càng cao mà giá trị thấp thì cần hết sức cảnh giác. Chịu khó đầu tư hẳn pin tên tuổi, thiết kế đẹp, công nghệ cao như: công nghệ Quick Charge giúp sạc các thiết bị có hỗ trợ công nghệ này nhanh gấp nhiều lần. Hay như pin được thiết kế sẵn vỏ bọc cao su chống rơi rớt, va đập và chống nước.

Vy Ái Dân (VIE)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

(GLO)- Chiều 14-11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh.