Kiềm chế tai nạn giao thông trong đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến người dân tộc thiểu số (DTTS) dù đã được kéo giảm cả 3 tiêu chí nhưng vẫn còn chiếm tỷ lệ cao. Một số nguyên nhân cơ bản đã được nhận diện nhưng giải pháp kiềm chế vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong đợi.
Theo thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, trong 9 tháng năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 231 vụ TNGT, làm chết 166 người, bị thương 179 người. Trong đó, TNGT liên quan đến người DTTS xảy ra 105 vụ (chiếm 45,45% tổng số vụ), làm chết 75 người (chiếm 45,18%), bị thương 64 người (chiếm 39,26%). So với cùng kỳ năm 2020, giảm 2 vụ, giảm 3 người chết và giảm 21 người bị thương. Nếu nhìn con số thống kê thì TNGT liên quan đến người DTTS đã chuyển biến tích cực. Thế nhưng, nhìn tổng thể trong những năm qua thì vẫn ở mức cao. Cụ thể, năm 2018 chiếm trên 41%; năm 2019 chiếm trên 44% và năm 2020 cũng chiếm trên 45% tổng số vụ TNGT toàn tỉnh. Phân tích lỗi các vụ TNGT liên quan đến đồng bào DTTS trong những năm qua thì phần lớn rơi vào lứa tuổi từ 18 đến 30 và các lỗi vi phạm vẫn là: đi sai làn đường, phần đường, lấn đường; không chú ý quan sát; vi phạm tốc độ; tránh, vượt sai quy định; sử dụng rượu, bia; chở quá số người quy định; phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật…
Theo Ban ATGT tỉnh, thời gian qua, các lực lượng chức năng tăng cường công tác phòng-chống dịch nên ở một số địa phương, nhất là cấp xã chưa sâu sát, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm trật tự ATGT. Chính vì vậy, tại một số địa phương xảy ra tình trạng thanh-thiếu niên chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, uống rượu bia, điều khiển phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu, không chú ý quan sát gây ra TNGT, nhất là thanh-thiếu niên DTTS. Ngoài ra, một vấn đề tồn tại trong những năm qua là công tác tuyên truyền ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chưa thường xuyên, nhất là tuyên truyền trong thanh-thiếu niên. Một bộ phận phụ huynh người DTTS vẫn giao xe mô tô cho con em khi chưa đủ tuổi điều khiển tham gia giao thông; phụ huynh chiều chuộng con cái sẵn sàng bán đất, bán rẫy để mua xe phân khối lớn theo ý của con. Ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của một bộ phận người dân chưa cao, có tâm lý chủ quan, kỹ năng điều khiển phương tiện hạn chế. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, nhất là đối với xe mô tô, xe gắn máy, đối tượng thanh-thiếu niên trên một số tuyến quốc lộ, đường giao thông nông thôn chưa khép kín địa bàn, hiệu quả chưa cao. Hiện tượng thanh-thiếu niên càn quấy chạy xe mô tô tốc độ cao, lạng lách, đánh võng vẫn chưa được xử lý dứt điểm nên đã xảy ra nhiều vụ TNGT gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Một vụ tai nạn giao thông liên quan đến người dân tộc thiểu số xảy ra tại xã Hbông, huyện Chư Sê. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Một vụ tai nạn giao thông liên quan đến người dân tộc thiểu số xảy ra tại xã Hbông, huyện Chư Sê. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Ông Phan Hữu Hiếu-Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh-cho rằng: “Một trong những giải pháp quan trọng để kéo giảm TNGT trong vùng DTTS là phải biết dựa vào già làng, người có uy tín tại địa phương để giúp công tác tuyên truyền đạt được hiệu quả, nhất là trong giới trẻ. Bởi vì, già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS có vị trí, vai trò khá quan trọng, là cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với người dân. Cùng với đó, chính quyền địa phương cần tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh ký cam kết không giao xe cho con em khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe để tham gia giao thông. Tăng cường vận động cá biệt, gọi hỏi, răn đe đối với những thanh-thiếu niên càn quấy trên địa bàn”.
Cũng theo ông Hiếu, các đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên cần vào cuộc tuyên truyền pháp luật về ATGT để nâng cao ý thức, trách nhiệm của thanh-thiếu niên khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, các trung tâm đào tạo sát hạch lái xe có kế hoạch thường xuyên về mở các lớp đào tạo, cấp giấy phép lái xe cho người dân. Lực lượng Cảnh sát Giao thông cần tăng cường tuần tra, kiểm soát địa bàn; xử phạt “nguội” các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Các địa phương cần nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình, câu lạc bộ, lực lượng tự quản tại cơ sở về ATGT.
Thực tế cho thấy, sau nỗ lực tuyên truyền ATGT, phần lớn đồng bào DTTS đã hiểu được tầm quan trọng trong chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, để những hiểu biết đó biến thành hành động tích cực trong mỗi người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS thì rất cần sự tham gia tích cực của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể.
HẠ VY

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
 Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

(GLO)- Chiều 22-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội LHPN xã Phú An và Câu lạc bộ tấm lòng vàng thị xã An Khê thực hiện phần việc “trách nhiệm với cộng đồng” và phát động cuộc thi “Phụ nữ Gia Lai khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.