Không khí vui xuân phấn khởi trong ngày mùng 3 Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tiết trời trong xanh, có chút se lạnh trong ngày mùng 3 Tết khiến lòng người hân hoan, phấn khởi. Người nô nức du xuân, người lo sửa soạn mâm cúng tổ tiên theo truyền thống cúng đưa của người Việt.

Nô nức du xuân, dã ngoại

Tại TP. Pleiku, trên các tuyến đường chính dòng người tấp nập vui xuân. Các điểm tham quan trong thành phố như Công viên Đồng Xanh, Công viên Diên Hồng, Biển Hồ, các khu vui chơi trẻ em… đã thu hút hàng ngàn lượt người đến tham quan, vui chơi. Năm nay, Quảng trường Đại Đoàn Kết được trang trí nổi bật, hoành tráng với cụm linh vật Rồng và con đường hoa xuân nên đây là điểm đến tham quan, chụp ảnh của nhiều gia đình và các nhóm bạn trẻ.

Quảng trường Đại Đoàn Kết được trang trí nổi bật, hoành tráng với cụm linh vật Rồng và con đường hoa Xuân, nên đây là điểm đến tham quan đẹp trong dịp Tết. Ảnh: Vũ Thảo
Quảng trường Đại Đoàn Kết được trang trí nổi bật, hoành tráng với cụm linh vật Rồng và con đường hoa Xuân, nên đây là điểm đến tham quan đẹp trong dịp Tết. Ảnh: Vũ Thảo

Trong trang phục áo dài, váy vóc xinh xắn, ai cũng muốn lưu lại vài tấm ảnh kỷ niệm cùng người thân, bạn bè khi đến đây. Trong niềm vui tươi, hy vọng cho một năm mới tốt đẹp, anh Hồng Bảo Ngân (tổ 1, phường Hoa Lư) chia sẻ: “Trong 2 ngày đầu tiên, gia đình tôi dành thời gian đi thăm, chúc Tết nội ngoại hai bên, nên sáng mùng 3 cả nhà ra Quảng trường để tham quan. Năm nay-năm Giáp Thìn với linh vật rồng biểu tượng cho sức mạnh, phú quý và thịnh vượng nên ở đây trang trí rất đẹp và hoành tráng với cụm rồng vàng-xanh, gia đình tôi đã tranh thủ chụp vài tấm hình kỷ niệm”.

Người dân thị xã Ayun Pa nô nức du xuân. Ảnh: Vũ Chi
Người dân thị xã Ayun Pa nô nức du xuân. Ảnh: Vũ Chi

Ngày mùng 3 Tết, khu vực Đông Nam tỉnh trời nắng đẹp. Người dân tiếp tục nô nức du xuân. Các khu dã ngoại với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp hay các quán cà phê được bài trí theo không gian mở luôn là điểm đến hấp dẫn du khách. Chị Rô H’Ra (xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa) chia sẻ: “Đi làm xa nhà nên dịp Tết tôi tranh thủ cùng bạn bè đi tham quan, ngắm cảnh tại một số điểm du lịch trong tỉnh. Lịch trình của chúng tôi sẽ dừng chân tại thị xã Ayun Pa sau đó di chuyển lên Pleiku rồi xuống huyện Kbang. Trời có nắng nhưng không gay gắt vì vậy đi phượt bằng xe máy rất lý tưởng. Đây là kỳ nghỉ Tết rất tuyệt vời đối với tôi”.

Tại Pleiku, tiết trời có chút se lạnh buổi sáng, trưa mát mẻ thích hợp để các gia đình, các nhóm bạn trẻ đi chơi, dã ngoại. Cách trung tâm thành phố chừng hơn 10 km, ở xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh) có địa danh Biển Hồ Chè, nơi khu vực hàng thông trăm tuổi và chùa Bửu Minh là điểm du lịch nổi tiếng. Trong ngày Tết, người dân đến tham quan, vui chơi rất đông. Ngày từ khu vực cầu treo Biển Hồ từng nhóm bạn trẻ, gia đình đã đến với hoạt động picnic rất đông vui.

Khu vực Biển Hồ Chè có rất đông người dân đến tham quan, vui chơi dã ngoại. Ảnh: Vũ Thảo
Khu vực Biển Hồ Chè có rất đông người dân đến tham quan, vui chơi dã ngoại. Ảnh: Vũ Thảo

Hồ hởi chia sẻ, anh Lê Thanh Dũng (thị trấn Phú Hòa) cho hay: “Ở đây cảnh quan rất đẹp, cây cối mát mẻ nên nhóm chúng tôi đã cùng nhau chuẩn bị một ít đồ ăn nấu sẵn, một ít thức uống và hoa quả để đến vui chơi thoải mái tới chiều. Sau đó, sẽ đi chụp ảnh đồi chè, hàng thông trăm tuổi. Đặc biệt, đi vào sâu bên trong một xíu, những vườn hoa cà phê đang nở trắng xóa là khung cảnh tuyệt đẹp để chị em chụp ảnh check-in. Dịp Tết được nghỉ ngơi, tụ họp cùng bạn bè là thích nhất”.

Chọn điểm đến là Pleiku trong ngày mùng 3 Tết, đoàn khách gia đình của anh Lê Văn Hùng (đến từ TP. Hồ Chí Minh) đã đi theo lịch trình Biển Hồ-Biển Hồ Chè-Núi lửa Chư Đang Ya. Bày tỏ sự thích thú trước cảnh đẹp của Gia Lai, anh Hùng nói: “Đoàn chúng tôi 10 người gồm 3 gia đình đã đi từ mùng 2 lên đây. Lần đầu tiên đi chơi xa trong dịp Tết nhưng chúng tôi đã chọn Pleiku là điểm đến. Dù không phải là nơi hút khách như các tỉnh có ngành du lịch phát triển mạnh mẽ, nhưng Gia Lai có một nét rất riêng, đặc trưng. Chúng tôi ở thành phố lớn nên rất thích thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên. Qua sáng hôm sau, đoàn sẽ di chuyển lên Măng Đen (Kon Tum) và về TP. Hồ Chí Minh vào mùng 5 Tết để bắt đầu công việc của một năm mới”.

Hướng về tâm linh, nguồn cội

Ở Chùa Minh Thành (TP. Pleiku), dù không đông như ngày mùng 1, nhưng đi chùa trong dịp Tết luôn có ý nghĩa tâm linh để cầu xin sự bình an, sức khoẻ, may mắn và thành công trong cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Thu Minh (tổ 3, phường Diên Hồng) bày tỏ: “Gia đình tôi đã rất nhiều lần đến chùa thắp hương và vãng cảnh, nhưng lần nào đến đây tôi cũng thấy choáng ngợp với sự hoành tráng bởi kiến trúc hiện đại, cảnh quan hài hòa. Nơi đây vừa là chốn tâm linh cũng là điểm đến thu hút người dân, du khách mỗi khi đến Gia Lai chứ không riêng gì dịp Tết”.

Người dân đi chùa Minh Thành (TP. Pleiku) rất đông để cầu mong một năm mới bình an, nhiều sức khoẻ. Ảnh: Vũ Thảo
Người dân đi chùa Minh Thành (TP. Pleiku) rất đông để cầu mong một năm mới bình an, nhiều sức khoẻ. Ảnh: Vũ Thảo
Chùa Minh Thành vừa là chốn tâm linh cũng là điểm đến thu hút người dân, du khách mỗi khi đến Gia Lai chứ không riêng gì dịp Tết. Ảnh: Vũ Thảo
Chùa Minh Thành vừa là chốn tâm linh cũng là điểm đến thu hút người dân, du khách mỗi khi đến Gia Lai chứ không riêng gì dịp Tết. Ảnh: Vũ Thảo

Để tiện cho con cháu ở xa chuẩn bị quay trở lại nơi làm việc, nhiều gia đình chọn làm cơm hóa vàng trong ngày mùng 3 Tết. Sau 2 ngày đầu năm tất bật với lịch trình dày đặc, mùng 3 mọi người có thời gian ngồi lại quây quần bên nhau, trò chuyện về năm cũ đã qua và những dự định cho năm mới tạo nên không khí gia đình ấm cúng.

Bà Huỳnh Thị Kim Hân (tổ 3, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) cho biết: “Dịp Tết này, gia đình tập trung đông con cháu tại Phú Yên, Đà Nẵng, Đak Lak về chơi. Dự kiến ngày mùng 4 các cháu sẽ lên đường về nhà, nên hôm nay tôi làm cơm vừa cúng đưa ông bà, vừa cầu chúc cho con cháu lên đường may mắn. Cả năm ông bà, con, cháu mới có cơ hội quây quần bên nhau nên ai cũng trân quý, cả căn nhà rộn rã tiếng cười”.

Con cháu quây quần vui vẻ tại gia đình bà Huỳnh Thị Kim Hân (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa). Ảnh: Vũ Chi
Con cháu quây quần vui vẻ tại gia đình bà Huỳnh Thị Kim Hân (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa).
Ảnh: Vũ Chi

Bà Nguyễn Thị Lượng (tổ 7, phường Yên Thế, TP. Pleiku) chia sẻ: “Giống như mọi năm, gia đình tôi đều chuẩn bị mâm cúng rước ông bà ngày 30 và đến ngày mùng 3 cúng đưa. Mâm cúng ngày này phải đầy đủ thể hiện sự trang trọng, tôn kính đối với tổ tiên. Đây là một phần trong truyền thống tín ngưỡng và văn hóa của người Việt. Ngày này cũng là ngày để con cháu trong gia đình quây quần bên nhau, cảm nhận vị Tết truyền thống, từ đó tạo nên một không khí ấm cúng, đoàn viên, cùng chúc nhau một năm mới mạnh khoẻ, bình an”.

Mặt hàng thịt tại các chợ khá dồi dào trong ngày mùng 3 Tết. Ảnh: Vũ Thảo
Mặt hàng thịt tại các chợ khá dồi dào trong ngày mùng 3 Tết. Ảnh: Vũ Thảo

Ngày mùng 3 Tết, theo thông lệ của hầu hết các gia đình, là ngày để chuẩn bị mâm cỗ cúng đưa ông bà (còn gọi là hóa vàng). Chính vì vậy, các chợ trên địa bàn cũng họp trở lại đông đúc hơn, nhiều hàng hóa hơn để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, từ hoa quả, thịt cá, cho đến các loại rau.

Chị Nguyễn Thị Hoài Thanh-tiểu thương bán thịt ở chợ Hoa Lư (TP. Pleiku) cho biết: “Một số người đã chọn ngày mùng 2 là bán mở hàng đầu năm, nhưng qua đến mùng 3 mới dám nhập hàng về bán nhiều hơn một chút. Năm nay, xu hướng người dân ít tích trữ đồ ăn nên hôm nay người đi chợ mua thịt về chủ yếu là để mâm cúng đưa, rồi tụ họp ăn uống tổng kết Tết. Do đó, khách đi chợ mùng 3 cũng đông hơn các năm.

Rau xanh là mặt hàng được người dân mua nhiều trong ngày mùng 3 Tết. Ảnh: Vũ Thảo
Rau xanh là mặt hàng được người dân mua nhiều trong ngày mùng 3 Tết. Ảnh: Vũ Thảo

Còn chị Vũ Thị Hương-tiểu thương bán rau ở chợ Hoa Lư (TP. Pleiku) thì chia sẻ: “Năm nay, trong ngày mùng 3 Tết, rất nhiều người ở làng Ốp đem rau xanh lên bán nên giá bán các loại sau Tết không tăng và có xu hướng giảm so mấy ngày cận Tết. Người dân đi chợ chủ yếu là mua nhiều rau ăn lá để nấu lẩu sau mấy ngày Tết dùng nhiều thịt. Cảnh mua bán đã nhộn nhịp từ đầu năm nên chúng tôi rất phấn khởi”.

Giá hoa lay ơn ngày mùng 3 Tết giảm mạnh, hiện chỉ 15-45 ngàn đồng/bó. Ảnh: Vũ Thảo
Giá hoa lay ơn ngày mùng 3 Tết giảm mạnh, hiện chỉ 15-45 ngàn đồng/bó. Ảnh: Vũ Thảo

Hiện giá bán các loại thực phẩm tươi sống như thịt heo, cá đồng, rau củ quả tương đương như mức giá của ngày thường. Riêng hoa tươi như lay ơn khá rẻ, một bó chỉ 15-45 ngàn đồng/bó; cúc bó 25-60 ngàn đồng/bó…

VŨ THẢO-VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Hội nghị góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

(GLO)- Ngày 8-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Hội nghị do PGS. TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì.

Lễ khánh thành lưới điện xã Tơ Tung đưa điện về quê hương Anh hùng Núp (ảnh ông Nguyễn Quang Hiền cung cấp).

Chuyện đưa điện lưới về làng Anh hùng Núp

(GLO)- Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, diện mạo làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) ngày càng khởi sắc. Một trong những yếu tố then chốt làm nên sự “thay da đổi thịt” trên quê hương Anh hùng Núp chính là quyết tâm đưa điện lưới quốc gia đến với Stơr từ năm 1996 của UBND tỉnh.

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

(GLO)- Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo triển khai thực hiện thu gom, xử lý rác thải đảm bảo quy định, huyện Kbang cũng đã ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần gìn giữ cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh diễn ra vô cùng hấp dẫn. Ảnh: PHẠM QUÝ

Hội tụ bản sắc văn hóa vùng biên

(GLO)- Qua 5 lần tổ chức, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã trở thành sự kiện tôn vinh, quảng bá bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất nơi biên cương Tổ quốc.